Thái Hòa: Cát-sê lớn nhất không phải là tiền

Vào nghề bằng nhiều vai không công, gần hai năm chạy hậu đài 10 ngàn đồng/đêm, rồi đi tấu hài 20 ngàn đồng/suất, diễn tại sân khấu kịch Phú Nhuận với 150 ngàn đồng/suất… Nay anh nằm trong nhóm nhỏ những diễn viên có cát-sê phim cao nhất Việt Nam, “Tèo Em” vừa đóng máy anh nhận gần 250 triệu đồng. Hành trình nào đưa một nghệ sĩ bất đắc dĩ như Thái Hòa trở thành người được báo chí mệnh danh là “ông hoàng phòng vé”?

thái hòa

Để đứng được trên sân khấu và phim, tôi đã nhờ tấu hài

– Vở “Người vợ ma” đến nay vẫn là “mỏ vàng” của Kịch Hồng Vân, luôn đông khách, với gần 2.000 suất diễn, hơn nửa triệu lượt người xem, thuộc hàng kỷ lục của lịch sử sân khấu Việt Nam. Nếu nói danh hiệu “ông hoàng phòng vé” của Thái Hòa, anh có nghĩ nên bắt đầu từ đây không?

– Danh hiệu “ông hoàng phòng vé”, “diễn viên triệu đô” là do báo chí đơn phương phong thôi, chứ nhiều phim tôi đóng cũng lỗ chứ. Gánh danh hiệu này chắc chắn làm cho mình bị áp lực hơn mấy chục lần, bởi kịch hay phim là cuộc phiêu lưu chung, diễn viên chỉ có thể góp một phần nhỏ sức lực trong ấy.

Là một nghệ sĩ “đẹp trai thấy ớn” như tôi, khi mới bước chân vào nghề, con đường phía trước chỉ là ảo mộng, chẳng thể hình dung tính toán được điều gì. Chỉ có một điều chắc chắn là sẽ làm hết mình, rồi ra sao thì ra. Đầu tiên tôi làm nhân viên chạy micro thuộc bộ phận kỹ thuật của sân khấu 135, khoảng năm 1994-95, mỗi đêm được 10 ngàn đồng, tương đương hai dĩa cơm bình dân. Nếu quy ra cơm bình dân hiện nay, thì 10 ngàn đó bằng cỡ 5 chục ngàn. Mà đâu phải diễn viên nào trong trường cũng có cơ hội làm việc này, nằm mốc chờ tới giờ lên lớp là thường, tôi nhiều bữa cũng chẳng có tiền ăn cơm. Đó, con đường nghệ thuật của tôi bắt đầu như vậy đó.

– Vậy anh đã làm thế nào để chuyển từ nhân viên hậu đài thành nghệ sĩ tấu hài, với 5 năm đứng trên sân khấu?

– Ngồi trong hậu đài nhìn các nghệ sĩ thành danh diễn, tôi chỉ có mơ đơn giản: ước chi mình được chạy ngang sân khấu, đóng vai quần chúng cũng được. Lúc ấy tấu hài sống được và rất đều đặn, các nghệ sĩ hài đắt sô mỗi đêm kiếm được triệu mấy, chừng 2-3 chỉ vàng. Tôi thì ngồi đó, vui vẻ với 10 ngàn đồng một đêm, có đêm được mấy anh chị rủ đi uống chai bia, ly rượu – đã là hạnh phúc. Dần dà bạn bè rủ lập nhóm diễn, ngày qua ngày mà thành, rất tự nhiên.

Riêng về mặt diễn xuất, tôi vẫn nghĩ tấu hài thực thụ là rất khó, có nhiều tiểu phẩm chừng 15 phút mà nhóm phải tập hơn tháng, lâu hơn một kịch dài. Đứng trên sân khấu mà lấy được tiếng cười sảng khoái của khán giả nhờ những tình huống bất ngờ, người diễn viên thấy ép phê lắm; khán giả mà đơ thì về nhà mình mất ngủ luôn. Kịch dài có thời gian cho mình sửa sai bằng các lớp diễn tiếp theo, tấu hài là đường cao tốc một chiều, một đi không trở lại. Chính vì vậy, ai chê tấu hài thì chê, tôi vẫn mang ơn và cảm thấy tự hào vì mình được trưởng thành từ đây. Mà để đứng được trên sân khấu và phim, tôi đã nhờ tấu hài đó thôi.

Cũng xin nói thêm, vở kịch truyền hình đầu tiên mà tôi tham gia cũng từ thời sinh viên, trong vở “Kẻ đốt đền”, nếu bây giờ phát lại, chẳng ai nhận ra đâu. Tôi nhớ y nguyên cảm xúc khi đến cổng đài ngồi đợi, cứ nghĩ mình xấu quá người ta sẽ chẳng cho vào, nên rất sợ và run. Cuối cùng đạo diễn cũng ra dắt vào, vai của tôi được bôi đen hoàn toàn từ đầu đến chân, đứng làm phông xa xa phía sau, chẳng có một lời thoại nào. Cát-sê là bao nhiêu tôi không còn nhớ, hình như đủ ăn dĩa cơm với một hai ly trà đá, nhưng ấn tượng thì còn mãi. Bây giờ mỗi lần đến bất kỳ cổng đài truyền hình nào, tôi lại nhớ cảm xúc khi diễn vai quần chúng lần đầu tiên, nhớ để mình cố gắng nhiều hơn.

– Còn vai diễn điện ảnh đầu tiên của anh?

– Vai diễn điện ảnh đầu tiên của tôi là Lâm bảo vệ, chừng 5-6 phân đoạn trong phim “Nàng Hương” – phim cuối cùng của Lê Công Tuấn Anh, hình như quay năm 1995. Tôi không nhớ mình được nhận vào phim như thế nào, chỉ còn lại ấn tượng với Lê Công Tuấn Anh rất sâu đậm. Anh ấy rất tốt, gần gũi và có trách nhiệm, với một người vô danh như tôi mà vẫn tận tình chia sẻ, nói hãy làm thế này thế kia cho ra tình huống. Trong nghề nghiệp của mình, “cát-sê” lớn nhất chính là những tính cách nghề nghiệp như anh Lê Công đã ảnh hưởng đến tôi.

Còn cát-sê ư, “nhiều” đến mức mà tôi chẳng nhớ được, lúc ấy có phim để đóng là mừng rồi.

sao việt

Duyên mới là cát-sê bền vững

– Nghĩa là mãi tới thời đóng “Để Mai tính” với cát-sê hơn 80 triệu đồng, anh chưa từng “trúng mánh” trong việc tìm kiếm thù lao?

– Tôi nhìn trúng mánh ở góc độ khác. Lần trúng mánh đầu tiên phải kể đến vai Râu Bắp trong phim “Những đứa con trong thành phố” (Kịch bản: Nguyễn Khắc Phục; Đạo diễn: Đỗ Phú Hải, năm 1998), 10 tập mà quay mất khoảng 5-6 tháng gì đó. Tôi nói trúng mánh vì đang học trong trường mà nhận được vai này phải nói là nằm mơ không thấy, khủng khiếp lắm. Được kêu gửi hình đã là mừng, và không nghĩ sẽ được nhận, bạn bè nhiều đứa đẹp và có tài hơn, cũng nằm dài đấy thôi.

Tôi nhớ mình nhận được khoảng 5 triệu tiền cát-sê, lớn lắm, hơn cây vàng, nhưng xong phim là hết trơn, còn bị âm nợ. Khi đóng máy tại Đà Lạt, tôi cháy túi hoàn toàn, nên mượn đạo diễn Lê Hóa 100 ngàn ra chợ đồ si-đa mua áo quần mặc về Sài Gòn. Giờ nghĩ lại mới nhớ, không biết mình có trả nợ cho chị Lê Hóa chưa, vì sau vai diễn rất thành công này, tôi vẫn rách túi dài dài.

Nếu chỉ vì tiền, một anh hề xấu trai như tôi khó có đất sống, phải nhờ vào các động lực khác. Tôi được lên báo lần đầu tiên là nhờ một vai diễn ở trường, khi học năm nhất chính thức, trong vở “Sân ga tình người” của Lê Bình, do thầy Minh Nhí dựng. Đây là bài thi năm hai của Việt Hương, Tiết Cương, Cao Minh Đạt, Thúy Nga…, vai của tôi là Hoàn Không G. Chị Hiền Hòa khen vai diễn của tôi, viết bài trên báo Phụ nữ Tp.HCM năm 1995, có in hình đàng hoàng, ba tôi giữ bài báo đến khi qua đời. Vai diễn ở trường thì nói gì tới tiền, được thầy cho vai đã là hạnh phúc, nhưng một bài báo khích lệ như vậy thì tiền bao nhiêu cho bằng. Tôi xem tất cả bài báo, giải thưởng, lòng thương mến của khán giả, sự tin tưởng của đồng nghiệp… là tài sản vô giá của đời mình.

Làm nghề đến nay cũng đã được vài giải thưởng, nhưng giải đầu tiên chẳng thể nào quên, ấy là vào năm 1998. Tôi, Đức Thịnh, Lê Bảo Trung và Nguyễn Văn Phúc cùng dựng vở kịch “Phòng trọ 3 người”, dựa theo tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, chỉ với mục đích có kịch để tập, hi vọng đoạt giải A – được khá… nhiều tiền. Kết quả chúng tôi đoạt giải B kèm 10 triệu đồng, được báo chí thích nhất, viết mấy chục bài báo khen. Tôi thì được giải Diễn viên hài trẻ triển vọng, kèm 1 triệu đồng, năm ấy Ngọc Trinh (kịch nói) cũng được giải này, anh Hoàng Sơn, chị Kiều Oanh thì được giải Diễn viên hài xuất sắc. Vui mừng hết sức, và cũng chính nhờ giải thưởng này mà cơ hội phim và sân khấu mở ra, các show tấu hài cũng nhiều lên. Chỉ ân hận một điều là bối rối mà tôi quên nhận cái khánh kỷ niệm từ BTC, bây giờ ai còn giữ mà kêu lên nhận, chắc sẽ là niềm hạnh phúc lớn.

– Nếu nhìn vào số tiền, cát-sê luôn tăng của anh, đến khi nào thì anh cảm thấy hài lòng nhất với nó?

– Đó là lúc tôi gom góp đủ tiền để mua được căn hộ 51,7m2 với một phòng ngủ khoảng 3 chục ngàn đô. Đây là tiền để dành từ kịch “Người vợ ma”, “Quả tim máu”…, phim “Để Mai tính”, “Long Ruồi”, “Dù gió có thổi”…, và từ danh hiệu “ông hoàng phòng vé”, “diễn viên triệu đô”…Tôi còn nhớ như in, sau khi ký hợp đồng “Long Ruồi” và nhận tiền, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là căn hộ nhỏ bé mà mình sắp sở hữu. Căn hộ cũng chẳng có gì to tát hay quan trọng, nhưng lại chứng thực cho sự cố gắng của mình trong nhiều năm liên tục. Cho nên, để nói về thù lao, cát-sê, đầu tiên phải nói đến các cơ hội được làm việc.

– Trong những điều mà anh đã gặt hái được, nghiệm lại, anh nghĩ phải làm gì để giữ được mình với nghề?

– Cái nghề này là vậy, giữ được danh là có tiền, nhưng nhiều khi danh và tiền đi mất tiêu, chỉ còn lại các kỷ niệm. Thực sự mà nói thì vai Râu Bắp được nhiều người xem thương, nhưng danh và tiền thì chẳng thể theo mình mãi, mình phải làm thêm những việc khác ở thời điểm hiện tại để sống. Riêng với bản thân thì giá trị lớn nhất là ký ức về chuyện vào nghề. Nghiệm lại, có tài có sắc mà thiếu duyên, thiếu may mắn thì cũng khó khăn. Giả dụ lòng yêu nghề mọi người như nhau, tài sắc của tôi kém xa bạn bè đồng nghiệp, nếu không may mắn thì đừng hòng có việc làm, chứ đừng nói chuyện được phong danh hiệu này kia. Duyên là cát-sê vững bền, còn may mắn mới là cát-sê lớn nhất.

Tiền mua được phe cánh, nhưng chẳng mua được sự đồng cảm

– Anh có từng bị thất vọng với nghề mà mình đã chọn hay không?

– Lần suy sụp lớn nhất về chuyện nghề nghiệp, cũng là lúc sắp tốt nghiệp (năm 1998), khi được thầy Công Ninh dẫn đi xem “Dạ cổ hoài lang”, thấy anh Thành Lộc diễn siêu quá, nghĩ về tài hèn sức mọn của mình mà sợ chẳng có tương lai. Chính nỗi sợ và cũng vì anh Thành Lộc mà tôi tìm cách xin vào Kịch Idecaf làm nhân viên nhắc tuồng, thỉnh thoảng được đóng vai nho nhỏ. Được quan sát cách làm việc của anh Thành Lộc là một thù lao quá lớn về nghề nghiệp. Giờ nghiệm lại, mọi diễn viên đều cho mình những bài học, nhưng Lê Công Tuấn Anh, Thành Lộc, chú Sáu Bảo Quốc, cô Hồng Vân… lại cho nhiều điều quý giá, lớn lao, chẳng có gì sánh được. Đi làm thì ai cũng muốn nghĩ đến thù lao, nhưng có những điều giúp mình kiếm chén cơm manh áo bền vững mà tiền của chẳng thể mua được.

Làm diễn viên, đầu tiên là kiếm vai, càng nhiều càng lạ càng tốt, sau đó là kiếm tiền, nhưng sâu xa nhất, người diễn viên có thực tâm nghề nghiệp vẫn khoái sự đồng cảm. Được đạo diễn đồng cảm mà giao vai hợp; mình đồng cảm với nhân vật mà diễn sâu; khán giả đồng cảm với mình mà hiểu trọn… Đọc mấy hồi ký hoặc tâm sự cuối đời của nhiều đại minh tinh, ít thấy ai nói đến nhà cửa, danh vọng với niềm tự hào, mà họ hay kể về vai diễn ấn tượng, đạo diễn mát tay, nhà phê bình mắt xanh… Thứ nào dùng tiền có thể mua được tức thời, nhưng thực chất chẳng bao giờ giữ được bền lâu. Bởi tiền có thể mua được phe cánh, sự im lặng hay cất tiếng, nhưng chẳng thể mua được sự đồng cảm tận sâu bên trong. Nếu một nhà phê bình thiếu đồng cảm mà vì điều này điều kia để viết, những dòng chữ đó không bao giờ chân thật, chẳng thể nào sống lâu với cuộc đời.

– Tôi được biết trong phim “Tèo Em” vừa đóng máy, anh không nhận cát-sê, mà còn góp chút vốn cùng anh em sản xuất. Phải chăng anh quá tự tin vào phim và đã có cách nhìn đồng tiền kiểu khác, tham vọng hơn?

– Tôi tin ê-kíp này có thể làm tốt một phim hài hành trình, nơi tiếng cười của số đông khán giả là thước đo chung. Nhưng nghĩ lại cũng thấy mạo hiểm, vì biết đâu do mình là người trong cuộc, cảm trước câu chuyện mà chủ quan như vậy. Bởi từ trước tới giờ tôi đoán đúng và sai cũng 50/50, mà sai nhất là phim “Long Ruồi”. Khi chiếu xong suất nội bộ, bước ra rạp tôi với anh Charlie Nguyễn buồn lắm, vì mục tiêu làm 10 điểm thì phim mới được 5-6 điểm, tưởng là sẽ ăn đòn vì ế ẩm. Nhưng ngược lại, phim ăn khách bậc nhất, chẳng thể lý giải được.

Nhiều khi mưu cầu của ê-kíp và khán giả là không giống nhau. Làm phim cũng giống như giải bài toán, mình phải nghĩ mình đang làm đúng thì mới tiếp tục, làm hoài cho đến đáp số, nhưng khi chấm điểm đáp số đó có thể sai. Phim vốn có nhiều đáp số, mà kết quả đúng cũng nhiều như kết quả sai, nên càng khó làm. Riêng dòng phim thị trường, cần đông khách, mẫu số chung cho sự cộng hưởng của nhiều đáp số đúng là yếu tố quyết định.

Tôi từng có ước mơ viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất và đóng vai chính luôn, nhưng nay thì không dám nữa, vì nó sẽ mất tính khách quan, mất đi khả năng tự phản biện. Chỉ có những tài năng cỡ lớn mới làm trọn vẹn được 2-3 vai trò cùng lúc, mình chỉ là tép riu, đành phải dẹp mộng. Cho nên, việc góp tiền vào “Tèo Em” không chỉ là cách để tăng cơ hội kiếm tiền, mà là góp vào cuộc phiêu lưu chung một ước mơ của mình.

Khi mới vào nghề, đôi lúc chỉ nghĩ tiền và tiền, bây giờ vẫn thấy tiền quan trọng, còn sống còn cần nó, mà khi chết cũng cần tiền làm đám ma đấy thôi. Thế nhưng cũng nhanh chóng để tôi nhận ra rằng tiền không phải là tất cả, nó thuộc nhóm quan trọng, mà nhóm này thì bao gồm nhiều thứ trong đó. Người ta sống nhờ tiền, nhưng không chỉ có tiền và chỉ vì tiền. Tôi đã biết chọn lựa nhiều hơn, những thứ tạp nham thì nhiều tiền cũng không làm, nên chấp nhận kiếm ít hơn để thấy thoải mái hơn.

 

Thực hiện: Văn Bảy
Ý tưởng: Hà Đỗ
Nhiếp ảnh: Milor Trần
Sản xuất: Hellos
Stylist: Chi Nguyễn
Trang điểm: Charlie Quốc Anh
Làm tóc: Crazy Nhóc
Minh họa: Tôm Mỳ 

>> Có thể bạn quan tâm: Trong nghệ thuật có diễn viên già và cũng có diễn viên trẻ. Nhưng một diễn viên vừa già khọm vừa trẻ con thì tôi chỉ thấy có hai người làm được: Thành Lộc Đình Toàn:


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category