Thắc mắc quanh chuyện giảm cân

Có một nghịch lý là người thừa cân béo bụng ra sức luyện tập để giảm cân nhưng sau khi luyện tập do mất sức nên họ lại càng ăn uống tốt hơn. Có cách gì khắc phục?

 
Tác dụng tiêu hao năng lượng nhờ luyện tập phải bền bỉ và dần dần, chính vì vậy không cần thiết phải luyện tập quá nặng nhọc và quá lâu vì sẽ gây cảm giác rất mệt mỏi, kiệt sức, thèm ăn sau tập. Và nếu sau mỗi buổi tập chúng ta lại ăn thật lực thì không những không giảm cân mà ngược lại còn tăng cân nữa. Vì vậy cần lựa chọn những hình thức tập luyện thích hợp với lứa tuổi, ham muốn, sở thích cá nhân, nên tăng dần và duy trì ở mức 30 -45 phút/ngày và ít nhất trong 5 ngày/tuần. Sau tập, nên uống nhiều nước (nước khoáng) để giảm việc mất điện giải trong mồ hôi, ăn các hoa quả ít ngọt. Nên uống thêm vitamin B1 và C.
 

Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày sẽ giảm cân tốt hơn là ăn 3 bữa chính có đúng không?

 
Sai! Người thừa cân béo phì nên ăn đủ 3 bữa/ngày. Sáng ăn bình thường (1 suất) nếu đang đi làm, đi học. Trưa: ăn giảm. Tối: ăn giảm nhiều. Không nên ăn vặt nhiều vì sẽ càng làm lên cân, không nên bỏ bữa nhất là bữa sáng vì sẽ làm cơ thể mệt mỏi và đến bữa sau sẽ ăn nhiều hơn bình thường gây tăng tích mỡ.
 
Hoạt động mạnh trong lúc đói sẽ tiêu tốn nhiều calo hơn cũng như đốt cháy lượng chất béo thừa tích tụ trong cơ thể?
 
Trạng thái đói không ảnh hưởng đến việc tiêu tốn nhiều calo hơn so với lúc no. Nhưng nếu việc hoạt động thể lực được thực hiện lúc đói để tạo năng lượng thì cơ thể sẽ phải sử dụng chất béo dự trữ, do vậy mang lại hiệu quả thiêu đốt chất béo tốt hơn.
 
Sự trao đổi chất ở người béo kém hơn người gầy?
 
Đúng là chuyển hóa cơ bản ở người béo có xu hướng thấp hơn người gầy, người càng béo và thời gian béo càng lâu năm thì cơ thể càng có xu hướng giảm tiêu hao mỡ (xu hướng tiết kiệm), do đó càng khó giảm cân.


Ngủ nhiều có giúp giảm cân?
 
Không hề, ngủ nhiều và ít vận động làm tiêu hao năng lượng càng kém đi do đó không giúp giảm cân, trái lại càng làm tăng cân. Trừ trong trường hợp áp dụng chế độ ăn rất thấp năng lượng thì có thể tăng thời gian ngủ để tránh cơ thể quá mệt mỏi.
 

Conjugated Linoleic Acid (CLA) – một chất có trong thuốc giảm cân) có phải là biện pháp chắc chắn để giảm quá trình trao đổi chất?
 
Sai! CLA được biết đến sử dụng trong điều trị thừa cân béo phì như là một chất chống lại sự kháng isulin để giảm nguy cơ tiểu đường ở những người này, nhưng nhiều công trình khoa học ngày nay cho thấy CLA không có hiệu quả gì đối với insulin, mà còn gây giảm nồng độ DHA do đó gây tăng nguy cơ bệnh tim mạch và viêm nhiễm.

Ngồi trong phòng máy lạnh hay nhà tắm hơi sẽ tăng nhanh tốc độ trao đổi chất vì cơ thể phải tiêu tốn năng lượng để điều hòa thân nhiệt.
 
Nếu ngồi phòng quá lạnh mà mặc quần áo không đủ ấm thì cơ thể sẽ phải sinh năng lượng để giữ được nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường nên sẽ tăng tiêu hao năng lượng nhưng rất nguy hiểm cho sức khỏe vì có thể bị ốm do nhiễm lạnh. Ngược lại, nếu quá nóng cơ thể sẽ tăng tiết mồ hôi để giảm nhiệt, khi đó cân nặng sẽ giảm nhưng thực ra chỉ là giảm lượng nước, còn lượng mỡ cơ thể thì vẫn còn nguyên. Cơ thể sẽ có xu hướng phải bù lại lượng nước hao hụt bằng đường uống, khi đó cân nặng sẽ tăng trở lại. Việc này còn làm mất nhiều điện giải qua mồ hôi gây mệt mỏi.
 
Trẻ em béo phì có nên bỏ uống sữa không?
 
Không nên vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính và dễ hấp thu cho trẻ đang có nhu cầu phát triển xương mạnh.


Có cách gì để hạn chế tối đa cảm giác luôn phải đấu tranh tư tưởng khi thèm ăn?

 – Tránh xem những chương trình, sách báo giới thiệu các món ăn giàu năng lượng và giàu chất béo.
 – Tránh đến những chỗ ăn buffet (ăn tự chọn) vì bạn sẽ dễ bị ăn quá đà, tránh đến những buổi tiệc tùng, liên hoan.
 – Tránh mua những thực phẩm không trong hạng mục bạn nên ăn về nhà.
 – Mua giảm thực phẩm so với trước kia để không tạo điều kiện cho việc ăn uống quá tiêu chuẩn.

 

Tất nhiên những điểm trên đây sẽ khó thực hiện nếu bạn sống cùng với những thành viên khác trong gia đình và những người đó lại không phải là đối tượng thừa cân như bạn. Do đó một lần nữa ý chí và sự tự giám sát là rất quan trọng.
 
Còn nếu trong trường hợp không thể giảm ăn uống bằng ý chí thì có thể sử dụng các thuốc làm ức chế sự ngon miệng, liên tục hoặc ngắt quãng tuỳ theo sự đáp ứng của cơ thể bạn và chỉ định của bác sỹ. Nhưng cũng phải cảnh báo về dùng thuốc sẽ có thể có những tác dụng phụ có hại/hoặc rất khó chịu như nôn, buồn nôn, đau đầu, hoa mắt…

 
Nếu áp dụng các phương pháp giảm cân mà không thành thì có nên thực hiện điều trị ngoại khoa?
 
Đôi khi để điều trị những trường hợp béo phì đã áp dụng các biện pháp điều trị khác thất bại (BMI > 40) các bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngoại khoa như: Cầu nối dạ dày; Tạo hình thắt dạ dày thẳng đứng và Thắt dạ dày với mục đích để giảm tiêu thụ thức ăn do đó dẫn đến giảm cân đáng kể. Tuy nhiên, phương pháp này có thể có tai biến như sau: tử vong do mổ, các tai biến trong khi mổ, các biến chứng sớm sau mổ như thoát dịch miệng nối, nhiễm trùng vết mổ, hở vết mổ, tắc ruột, suy tuần hoàn, suy hô hấp, nghẽn mạch phổi… Do vậy bệnh nhân cần được theo dõi suốt đời để giám sát những biến chứng có thể xảy ra.
 


From the same category