"Thả nổi trần lãi suất thời điểm này là rất nguy hiểm" - Tạp chí Đẹp

“Thả nổi trần lãi suất thời điểm này là rất nguy hiểm”

Tin Tức

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Tuy nhiên, như “diều gặp gió” một số ngân hàng đã liên tiếp đẩy lãi suất kỳ hạn sau 12 tháng lên cao, phổ biến ở mức 12,5%, thậm chí có ngân hàng còn đưa lên 14%. Chính vì vậy, ý định thả nổi lãi suất trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước để bỏ trần lãi suất là chưa thể thực hiện được vào thời điểm này.

Vẫn do thanh khoản

Ba ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước bỏ trần lãi suất huy động dài hạn, ngày 14/6, Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) bất ngờ điều chỉnh tăng vọt lãi suất lên mức “đỉnh” 14%/năm với kỳ hạn 13 tháng, tuy nhiên vài ngày sau Ngân hàng này phải đưa xuống còn 12,5%/năm.

Trên thực tế, không chỉ Western Bank mà nhiều ngân hàng khác cũng đã nâng khá mạnh lãi suất huy động cho các kỳ hạn trên 12 tháng như KienLong Bank (11-12%), OceanBank (10-10,5%), SeABank (11-12%), SCB (12%)… Lãi suất tiết kiệm bậc thang với khoản gửi lớn nhiều ngân hàng để ở mức gần 13%/năm.

Giải thích hiện tượng trên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienvietpost Bank) cho rằng, Thông tư 19 đã có nới lỏng, chỉ quy định trần lãi suất ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống) còn trung dài hạn được thả nổi.

Theo ông Hưởng, việc thả nổi này có hai ý nghĩa. Thứ nhất, đây có thể là bước tập dượt thực hiện lãi suất thị trường tức là thả nổi chứ không dùng mệnh lệnh hành chính nữa. Thứ hai, Thống đốc muốn giữa huy động vốn ngắn hạn và vốn trung dài hạn không bị khoảng cách lớn như thời gian vừa qua.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc thời gian qua, các ngân hàng chủ yếu huy động kỳ hạn ngắn nhưng lại cho vay trung và dài hạn. Về nguyên lý là không đúng. Tức là phải huy động trung dài hạn thì mới cho vay trung dài hạn. Ngoài ra suốt mấy năm vừa rồi các ngân hàng huy động kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng thấp. Bây giờ sẽ đưa về bản chất vốn có của nó tức là thời gian càng dài thì lãi suất càng cao.

Tuy nhiên, sau hơn một tuần thì bị một số ngân hàng thương mại bóp méo với nhiều cách khác nhau như: ngân hàng nhận tiền gửi trung dài hạn nhưng lại cho phép rút trước hạn. Có những hợp đồng ghi 24 tháng nhưng khách hàng có thể rút bất cứ lúc nào mà không bị phạt; hoặc hợp đồng ghi 12 tháng 1 ngày, khách hàng được hưởng lãi suất thỏa thuận tới 12%-14%/năm như gửi trung dài hạn nhưng thực chất vẫn là ngắn hạn…

Chính vì vậy, sau 10 ngày Thông tư 19 ra đời, Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành tiếp văn bản số 3772/NHNN-CSTT chấn chỉnh các tổ chức tín dụng nếu cho khách hàng rút trước hạn thì chỉ được lãi suất không kỳ hạn.

Ông Hưởng khẳng định: Thực chất các ngân hàng đó trước đây đã huy động vượt trần rồi nhưng không công khai và không được hợp lý hóa, bây giờ thì được hợp lý hóa.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao sẽ khiến cho mục tiêu gia tăng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp càng trở nên xa vời. Bởi lẽ, cùng với việc đẩy thị trường vốn đầu vào lên cao như thế, thì vốn đầu ra tất yếu cũng bị dâng cao theo. Hơn thế, từ hiện tượng một số ngân hàng nhỏ đua tăng lãi suất, cũng manh nha xuất hiện làn sóng người gửi tiền rút tiền gửi từ ngân hàng này mang gửi sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn.

Ông Hưởng cho rằng, qua câu chuyện này cho thấy, thanh khoản của một số ngân hàng vẫn chưa ổn định.

Đồng tình với nhận định trên, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận rằng hình như một số tổ chức tín dụng đói vốn và gặp vấn đề thanh khoản. “Ngân hàng nào khát vốn đương nhiên là phải đẩy lãi suất lên. Liệu rằng các ngân hàng khác sẽ lại lao vào một cuộc chay đua lãi suất như trước đây không? Chúng tôi mong rằng sẽ không xảy ra vấn đề đó,” ông Hiếu chia sẻ.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù hệ thống đang thừa vốn, không bơm ra được cho nền kinh tế nhưng ở đâu đó tình trạng thanh khoản kém vẫn xuất hiện. Tình hình thanh khoản chung của hệ thống ngân hàng thực tế không hẳn đã tốt như nhiều người nghĩ.

Chưa thể thả nổi lãi suất vào thời điểm này

Câu chuyện có nên thả nổi lãi suất hay không hoặc thời điểm nào có thể bỏ được trần lãi suất đã được tốn khá nhiều giấy mực của các chuyên gia và báo giới. Tuy nhiên, thời điểm này lãi suất lại được dâng lên rất nhanh. Đây là một minh chứng cho thấy các mệnh lệnh hành chính khác với yêu cầu thực tế.

Ngoài ra, không chỉ dừng lại ở thị trường huy động vốn từ dân cư, làn sóng đua tranh lãi suất tiền gửi còn lan sang cả thị trường liên ngân hàng và các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ.

Tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cho biết, trước khi Thông tư 19 có hiệu lực, lãi suất trái phiếu Chính phủ đang trên đà đi xuống, lãi suất liên ngân hàng cũng ở mức thấp dao động từ 3 – 5%/năm, thậm chí có thời điểm chỉ có 0,5%/năm. Tuy nhiên, sau hơn một tuần cũng đã lên 9%/năm.

Trong hơn một tuần qua, thị trường cũng chứng kiến việc lãi suất trái phiếu lên liên tục, có thời điểm chạm mức 10%/năm. Phân tích hiện tượng này, lãnh đạo ngân hàng cho rằng, chính hiện tượng đua lãi suất của một số ngân hàng đã kích hoạt cả hai thị trường trái phiếu và liên ngân hàng. Lượng người gửi lãi suất thấp ít đi, trong khi người dân lại chọn nơi có lãi suất cao để gửi, nên Chính phủ muốn hút tiền vào thì cũng phải cạnh tranh theo thị trường lãi suất của các ngân hàng khác, lãi suất vì thế càng ngày càng bị đẩy lên cao.

Ngoài ra, vị Tổng giám đốc này cũng chỉ ra một tiểu xảo nữa của một số ngân hàng thương mại khiến thị trường lãi suất liên ngân hàng tuần qua nóng lên, đó là có hiện tượng tổ chức tín dụng đi vay liên ngân hàng với lãi suất 3-4%/năm sau đó lại gửi tiết kiệm với lãi suất 13-14%/năm ở chính ngân hàng đã cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Ông Hưởng kết luận: Quyết định thả nổi lãi suất trung dài hạn của Thống đốc cũng có một cái ‘test’ nữa đó là xem sức khỏe của các ngân hàng đã đủ khỏe để cho vay lãi suất thấp chưa? Câu trả lời là chưa. Với nền kinh tế của chúng ta hiện nay thì chính sách thả nổi lãi suất theo cơ chế thị trường chưa? Đầu vào, đầu ra do khách hàng quyết định chưa? Câu trả lời vẫn là chưa.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, thả nổi trần lãi suất thời điểm này là rất nguy hiểm. Theo đó, tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra. Hơn thế, lãi suất huy động cao sẽ khiến lãi suất cho vay cao và doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng.

Điều mà nhiều người e ngại là ở chỗ, với việc thả nổi lãi suất huy động, lãi suất cho vay sẽ khó có thể xuống 10% (hoặc 7-8%) như mong muốn.

Chính vì vậy, đòi hỏi sự cấp thiết của việc đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Chỉ khi nào quá trình tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém đạt được mục đích cuối cùng là ổn định thanh khoản cho cả hệ thống ngân hàng thì mới có một sân chơi sòng phẳng cho các ngân hàng để thực hiện theo cơ chế thị trường, trở về quy luật vốn của của thị trường là lãi suất thị trường phải do chính thị trường quyết định.

Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ, khi nào tái cơ cấu xong một số tổ chức tín dụng yếu kém còn lại thì lập tức các vấn đề như lãi suất, thanh khoản… sẽ trở lại bình thường.

Tuy nhiên, điều mà người dân đang chờ đợi là đến thời điểm nào thì một số ngân hàng còn lại trong số “mươi” ngân hàng yếu kém mới được Ngân hàng Nhà nước công bố. Trong khi đó Thống đốc đã phát biểu trước Quốc hội, cứ mỗi tuần Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ hai đề án để đảm bảo trong tháng 6/2012 các đề án cụ thể đối với từng tổ chức tín dụng sẽ được thông qua./.

Theo Vietnam+

Thực hiện: depweb

28/06/2012, 22:07