Đầu tháng 8-2012, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phát hiện 3 mẫu rau quả, trái cây nhập khẩu chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Trong đó, 2 mẫu nho xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) có mức tồn dư vượt 3-5 lần ngưỡng cho phép.
Kiểm tra nửa vời
Trước đó, đầu tháng 5, rộ lên thông tin cải thảo TQ bị phát hiện nhiễm formaldehyde (chất gây ung thư, thường dùng để ướp xác), Cục Bảo vệ thực vật lấy mẫu, kiểm tra và kết luận không tìm thấy chất này…
Mặc dù cơ quan chức năng đã khẳng định an toàn nhưng nghi vấn về các chất độc hại của rau củ, trái cây TQ vẫn ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại của hầu hết người tiêu dùng. Những lo lắng này càng được củng cố khi rất nhiều loại trái cây TQ có thể để rất lâu ngoài môi trường tự nhiên mà không hư hại gì.
TS Nguyễn Văn Phong, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch – Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Trung bình, nếu bảo quản bằng những phương pháp an toàn thì cam tươi để được 1 – 2 tháng, các loại trái cây thông dụng để được khoảng 10 ngày (tùy giống và chủng loại mà thời gian bảo quản có thể lâu hơn). Tuy nhiên, các loại trái cây như táo, cam, quýt của TQ để được đến vài tháng trong môi trường tự nhiên là điều bất thường.
Táo, lê Trung Quốc bán chung với trái cây nhập khẩu khác tại chợ Bà Chiểu – TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Các cơ quan chức năng thừa nhận tình trạng trái cây, rau củ TQ nghi chứa hóa chất độc hại đã diễn ra lâu nay, cơ quan y tế đã nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng hầu như không phát hiện được gì vì không đủ phương tiện để truy tìm tận gốc những loại hóa chất đó. Có hàng trăm loại chất bảo quản, hàng trăm loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng hiện Việt Nam chỉ có thể kiểm tra nhanh để nhận dạng một số chất (nhưng chỉ là định tính).
Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, một khi không biết họ sử dụng hóa chất gì, không có chất chuẩn (chất mẫu) thì khó có thể phân tích, tìm ra hóa chất đó được.
Cưỡi ngựa xem hoa
Một thực tế khác là phần lớn rau củ, trái cây TQ chủ yếu vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch nên hầu như không kiểm soát được chất lượng. Trái cây, rau củ TQ chỉ cần dán tem, nhãn mác đầy đủ theo quy định của hải quan là có thể nhập về Việt Nam. Một khi đã qua cửa khẩu thì thẳng tiến ra chợ, cửa hàng vì hầu như không cơ quan nào kiểm tra chất lượng.
Tại TPHCM, mỗi đêm, có khoảng 300 tấn rau củ, trái cây TQ về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (tương đương 10% tổng lượng hàng). Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức – TPHCM, cho biết: Hằng đêm, ban quản lý chợ phối hợp với cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra vài chục mẫu rau củ, trái cây nhưng kiểm hàng Việt còn chưa hết, lấy đâu ra thuốc để kiểm hàng nhập, trong khi hàng nhập khẩu đã được hải quan cửa khẩu cho qua.
Trước những bất cập trong việc quản lý chất lượng thực phẩm nhập khẩu, ông Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế, cho rằng việc dư luận phản ánh các cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm là có cơ sở. Chẳng hạn, vụ phát hiện nho chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao, nếu có trách nhiệm hơn, các cơ quan chức năng phải truy đến cùng: đơn vị nào nhập, đơn vị nào phía TQ bán, liên hệ với cơ quan quản lý thực phẩm của TQ…
“Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm chưa đủ mạnh về khả năng, trình độ, nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật; chưa làm hết trách nhiệm đã góp phần làm cho việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm lâu nay chỉ là cưỡi ngựa xem hoa”– ông Trần Đáng bức xúc.
Quản lý chồng chéo Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ tháng 6-2012, không những không giải quyết được những chồng chéo, bất cập trong quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm mà ngược lại, càng khiến việc quản lý trở nên rối hơn. Theo ông Trần Đáng, hiện có đến 3 bộ là NN-PTNT, Công Thương và Y tế cùng được giao trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm. Lẽ ra, chỉ cần một cơ quan chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm là Bộ Y tế thì 3 bộ cùng “nhảy vào” quản lý. |
Theo NLĐ