Tết ta - Tạp chí Đẹp

Tết ta

Tin Tức
Hơn ba mươi Tết trước đất nước chìm trong tập trung quan liêu bao cấp, trẻ con khắc khoải chờ Tết bao nhiêu thì người lớn “sợ Tết” bấy nhiêu.

Kiếm cái ăn Tết đã khốn khó còn nói gì đến chuyện vui Tết. Ấy vậy nên có nhà hoạt động chính trị lâu năm đề nghị hàng năm chỉ nghỉ Tết một ngày, đúng mùng Một đầu năm. “Sáng kiến” đã không được ai hưởng ứng lại còn bị phê phán, cho là “mất gốc.” Kể cũng chả oan vì một năm có ba ngày Tết. “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” sao lại chỉ nghỉ một ngày.

Mới đây trong thời hội nhập, trên một số trang mạng, có người đề nghị “nhập tết Tây với tết Ta cho gọn, vừa tiết kiệm, vừa “liên thông” với thế giới. Kể cũng liều thật, hai tết nhập một thì “vui xuân” vào ngày nào cho hợp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”?

Hàng nghìn năm nay rồi, dân Việt ăn Tết theo Âm lịch, còn gọi là Tết Nguyên đán, Tết truyền thống dân tộc, hay gọn lại vừa dân dã vừa dễ nhớ mà rất đỗi thân quen là Tết Ta.

Tết của Ta.


 

Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, tiễn ông Công ông Táo cưỡi cá chép lên thiên đình kính cáo với Ngọc hoàng về dân tình dưới trần năm qua sinh sống ra sao, có điều gì tốt, xấu. Mỗi gia đình biết ơn thổ địa, thổ công, ông bà Bếp năm qua phù hộ độ trì nên làm lễ tiễn đưa cho thuận hòa, may mắn.

Chiều 30 Tết có mâm cơm tất niên để tống tiễn năm cũ. Nhà nhà, không giàu thì nghèo đều có đĩa xôi, miếng thịt, đòn bánh, hoa quả để cúng thổ thần, gia tiên. Chả thế mà trong dân gian, ông thầy bói nói như đinh đóng cột rằng: “số cô chẳng giàu thì nghèo/Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.”

Thiêng liêng nhất là khoảnh khắc giao thừa, lúc đất trời giao hòa, vạn vật chuyển mình sang năm mới. Phương Nam ấm áp, xứ Bắc rét ngọt, mưa lây phây, miền Trung chia sẻ khí hậu hai đầu đất nước. Cả ba miền rạo rực vào xuân.

Tết nào cũng vậy thôi. Đất trời chu chuyển theo tiết, theo mùa, vận nước xoay vần theo lòng người. Nhìn vào phiên chợ Tết là thấy đất nước, cuộc sống muôn dân suy hay thịnh.

Một thời bao cấp, ngày giáp Tết, ta bắt gặp dòng người chen chúc xếp hàng mua lá dong, đổi cân bánh bich quy gai, tằn tiện cho có chút “ăn Tết” với đời.

Sau gần ba thập kỷ đổi mới, cái Tết đến nhẹ tênh. Gần ngày tất niên chạy ù ra chợ hoa xuân, chợ Tết hay siêu thị là có ngay mọi thứ. Bữa ăn, mâm cỗ đã đủ đầy, người ta lo vui Tết, đón xuân sao cho đầm ấm mà phong phú, tươi vui, rộn rã.

Vẫn dòng chảy chủ đạo là Tết sum họp gia đình. Ai đi xa về gần ba ngày Tết đều sum vầy cùng gia đình để cúng gia tiên, để báo hiếu cha mẹ, ông bà. Thời nay, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, con em càng đi làm ăn xa, khắp mọi miền đất nước, hay tận xứ người thì nhu cầu sum họp trong ngày Tết càng cao, càng thúc bách. Người ta mong đi lại dễ dàng thì lại càng lo, thậm chí càng sợ đường xấu, xe chật, kẹt vé tàu. Năm nào cũng vậy, Tết nào cũng thế, cũng “ồ ạt ra quân” phục vụ Tết, nhưng chưa Tết nào ngành giao thông vận tải làm hài lòng dân. Cái Tết ta hiện đại lại có thêm nỗi lo mới.

Ngược dòng người về quê ăn Tết có dòng người lên sân bay quốc Tết ra vui Tết ở nước ngoài. Họ hầu hết còn trẻ tuổi, muốn chứng kiến và sẻ chia. Bên cạnh là những Việt kiều sinh sống khắp các châu lục về nước, về quê ăn Tết ta. Tập quán Tết truyền thống có thêm nét mới trong thời hiện đại.

Người Việt sống ở nước ngoài tay bắt mặt mừng bà con, họ hàng lối xóm bồi hồi nhớ lại hơn 60 xuân trước, vào Tết Đinh Hợi (1947) lần đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào chiến sỹ trong nước, kiều bào ở nước ngoài qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tứ ấy cho đến lúc đi xa, về với tổ tiên giao thừa nào cũng có thơ Bác. Khoảnh khắc giao hòa đất trời thiêng liêng có thêm thơ Tết dung dị mà sâu xa, hồn hậu và ấm áp của Bác Hồ. Phút giao thừa lắng nghe thơ Người trở thành nét đẹp văn hóa Tết, thành nét xuân sắc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Tết ta qua năm tháng, qua đấu tranh và xây dựng được bồi bổ thêm nội dung mới, sắc thái mới. Phút giao thừa hiện đại mang nhiều ý nghĩa mới mẻ: thiêng liêng hơn, sẻ chia hơn, bình đẳng hơn và dân chủ hơn.

Năm tháng và cuộc sống cũng chọn lọc dần, đưa dần những hũ tục, những điều bất hợp lý ra khỏi đời sống đẹp của Tết.

Từ xa xưa khi nói đến Tết là nói đến “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Hơn chục năm nay, nhắc đến tràng pháo là nói đến chỉ thị 36 của thủ tướng Chính phủ cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ. Cuộc sống, nhân dân và nhà lãnh đạo đã nhận ra trong tràng pháo Tết có hiểm họa đối với con người và môi trường. Lược bỏ đi một thú vui để cuộc sống bình yên hơn. Người dân và nhà lãnh đạo đã gặp nhau trong ý tưởng đó nên chung sức toại tràng pháo xưa cũ ra khỏi đời sống Tết. Kiên trì lắm, kiên quyết lắm và cũng gian nan lắm mới bỏ dần được một thói quen ngàn đời, nhưng không phải không làm được.

Ấy vậy mà đến giờ này có kẻ trục lợi, hám tiền vẫn vận chuyển, tàng trữ và lén lút đốt pháo nổ. Một tiếng nổ lạc lỏng giữa đời sống văn hóa, văn minh, giữa ngày tết bình yên liệu có ích gì? Tiếng nổ lạc lõng ấy sẽ là lời cảnh báo nghiêm khắc và bị xử lý nghiêm ngặt.

Văn hóa Tết ngày một đắp đầy nội dung mới, giàu thêm hàm lượng văn minh mới. Văn hóa Tết cũng loại dần những gì không thích hợp, không tương thích để đêm giao thừa thiêng liêng hơn, thấm đẫm tình người hơn. Vì một lẽ thường tình:

Tết truyền thống là Tết của Ta./.

Hà Nội – Làng Mai – 27 tháng Chạp Nhâm Thìn

Vĩnh Trà/VOV online

Thực hiện: depweb

09/02/2013, 08:58