Tết sướng – Tết khổ: Tại mình hay tại ai?

Diễn viên Tùng Min: “Bị áp lực khi Tết về tôi nhưng lại thích cảm giác này

Hồi còn độc thân, Tết của tôi cực đơn giản. Hàng năm cứ dành 3 ngày trước Tết để phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ cuối năm. Đón giao thừa cùng gia đình xong là tôi lao ra đường đi chơi đến tờ mờ sáng. Mấy ngày tiếp theo, sau tiết mục cùng bố mẹ đi thăm họ hàng, tôi đi chơi xa cùng bạn bè cho đến khi… hết Tết.

Còn bây giờ khi đã có gia đình riêng thì mình phải hoàn toàn chủ động trong mọi việc. Nhất là khi vợ tôi đang mang bầu bé thứ hai nên việc dọn dẹp, mua sắm cho ngày Tết,… mình phải đỡ đần giúp vợ. Trước đây, có thể mình chỉ cần lì xì cho bố mẹ là đủ nhưng bây giờ mình phải nghĩ nên chọn quà gì cho cả gia đình hai bên. Đúng là càng trưởng thành thì mọi thứ càng phức tạp hơn.

Sau khi trở thành bố, Tết với tôi không còn là lau chùi bàn ghế, đánh bóng lư hương hay gặp bạn bè tít mít tận khuya; mà còn có trách nhiệm chuẩn bị một cái Tết đầu tiên đủ đầy cho con trai. Cũng kha khá áp lực nhưng tôi lại thích cảm giác lo lắng như thế này.

tung-min_2

Tết là để cả nhà rộn ràng cùng nhau nên nếu có bị sai vặt thì tôi cũng chẳng nề hà gì mà không xắn tay lên giúp. Dù rằng nhiều người vẫn quen với hình ảnh phụ nữ trong căn bếp với tất bật nấu nướng, bát đĩa, nồi niêu nhưng cánh đàn ông cũng có việc đấy chứ ví dụ như mua đào sắm quất, sắp xếp bàn ghế, sửa sang cái đèn, cái tủ… Miễn là các thành viên trong gia đình cùng chuẩn bị Tết, vậy là vui!

Đối với tôi, năm nay hẳn là cái Tết hoàn hảo nhất. Khi hai vợ chồng cùng nhau lên kế hoạch mua sắm cho cả nhà thay vì mọi năm chỉ một mình mẹ tôi làm. Thêm một điều khác nữa là năm nay vợ tôi gợi ý muốn tự gói bánh chưng, nên đêm giao thừa cả nhà cùng quây quần bên nồi bánh. Vô cùng hứng khởi, vì biết mình đã được tận hưởng lại hương vị Tết đúng nghĩa mà rất lâu rồi mình quên mất…

Chuyên gia chiêm tinh học Đinh Trần Tuấn LinhĐàn ông thảnh thơi, đàn bà tất bật là thỏa thuận của cả hai

Tết Tây và Tết Ta cũng như rượu vang và trà đặc. Uống hai cái gần nhau sớm muộn cũng ngán, rồi ắt sẽ đầy bụng, đau dạ dầy. Năm nào cũng phải chuẩn bị như nhau, năm nào cũng ngần ấy thủ tục. Mọi người sợ Tết thì không hẳn, thực ra mọi người đang bắt đầu thấy bội thực với những lễ hội quá gần nhau.

Lúc độc thân, Tết của người đàn ông giống hẹn hò cùng một cô gái trẻ, vui vẻ đến, đột ngột đi, tiệc tùng hoan lạc suốt 1 tuần rồi dứt khoát rời đi để lại chút hụt hẫng. Tết từ thời có gia đình giống như phải chuẩn bị đám cưới với cô gái đó, bị nhắc nhở từ sớm, phải sắm sửa chỉn chu, phải có tiền, có nhẫn cưới, có quần áo mới. Sau giây phút giao thừa cảm động là ngay lập tức phải chuẩn bị gặp gỡ họ hàng, tuần trăng mật nào cũng biến thành cuộc du lịch tham quan dòng họ, đối tác. Và năm nào cũng phải cưới cô gái Tết ấy! Một lần nữa! Ngần ấy công đoạn.

dinh-tran-tuan-linh

Tôi nghĩ việc cánh đàn ông nhâm nhi trà hay đánh bài trong khi phụ nữ phải tất bật cơm nước trong các bữa tiệc Tết, đó là thỏa thuận riêng của các thành viên trong mỗi gia đình. Đàn ông có thể nhâm nhi tách trà sau khi sắp xếp 20 bình hoa nặng. Phụ nữ có thể tất bật cơm nước trong bếp nhưng thoải mái trong không gian họ tự cho mình là chủ những ngày Tết, và buôn chuyện về màu sơn móng tay mới. Tất cả là lựa chọn, miễn là cả hai cảm thấy vui. Đấy là tôi nghĩ thế. Gia đình tôi thì vợ tôi có vẻ không cảm thấy vui với hình ảnh đấy lắm. Nên có khi ngược lại cũng vui.

Nếu cho rằng đàn ông an nhàn và đỡ vất vả hơn phụ nữ trong dịp Tết vì họ không mệt mỏi lo toan mua sắm, dọn dẹp, bày biện… thì chị em hãy truy cập trang Instagram tên là Miserable Men – Những người đàn ông khốn khổ. Trang này chỉ đăng hình đàn ông trên toàn thế giới vật vã như thế nào khi phụ nữ “mệt mỏi, lo toan, mua sắm, dọn dẹp, bày biện”, đặc biệt là khi chờ các chị, các mẹ mua sắm. Đây là một biểu hiện toàn cầu. Rõ ràng đàn ông có nỗi khổ riêng trong những ngày này, nhưng theo một cách khác mà phụ nữ không chịu hiểu. Ví dụ khi đàn ông đầy thiện chí lao động, âu yếm nói: “Ngày tết em cứ nghỉ ngơi đi. Để đấy mai anh làm nốt cho” chỉ để nhận lại lời cằn nhằn “Cũng được, nhưng mai là mồng 1 Tết rồi anh yêu ạ”. Khi mệt mỏi không được chia sẻ sẽ có giá trị gia tăng là ức chế, trong trường hợp này phụ nữ thường là phe không chịu chia sẻ. Và càng không nên để đến Tết mới chia sẻ.

Diễn giả Đặng Kim Phượng: Nỗi sợ quá ngắn ngủi so với niềm vui mà Tết mang đến

Tết trong suy nghĩ của nhiều phụ nữ hiện đại đúng là nỗi sợ. Càng gần đến Tết tôi càng nhận thấy nhiều người có suy nghĩ tiêu cực, trăn trở với nhiều nỗi lo. Những lo lắng ấy khá đa dạng, từ tài chính, tiêu dùng đến nhan sắc, hay cảm xúc vẩn vơ cuối năm… Tôi thì hay nói với mọi người là thường thì nỗi sợ chỉ diễn ra trong 10 giây, 60 giây, hay một thời gian ngắn mà thôi; còn cảm xúc vui vẻ thì sẽ theo chúng ta rất lâu. Nỗi sợ Tết cũng vậy, nó quá ngắn ngủi so với những niềm vui mà ngày Tết mang đến.

img-8100-1

Đừng quên rằng, Tết là một kỳ nghỉ dài mà chúng ta có thể tận hưởng thực sự, không phải bận tâm về công việc. Tôi sống một mình từ năm mười bảy tuổi, đã từng trải qua nhiều cái Tết một mình ở nơi đất khách quê người. Những ngày Tết là dịp hiếm hoi tôi được gặp gỡ, sum vầy với người thân.

Nếu hỏi về 72 tiếng mà mọi người hay than thở, thì thực sự đối với tôi tất cả đều là Tết. Nếu có thể, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc dù là đang dọn dẹp, làm cơm, cúng gia tiên, ngắm pháo hoa… Có những việc bạn chỉ làm được trong ba ngày đặc biệt này, vì thế hãy luôn mỉm cười khi thực hiện.

Ca sĩ – nhạc sĩ Shin Hyun Woo“Năm nay con sẽ lấy vợ”

Thật ra phụ nữ Hàn Quốc vào dịp Tết bận rộn hơn phụ nữ Việt Nam rất nhiều, vì một bàn ăn của người Hàn Quốc có rất nhiều món, đòi hỏi chuẩn bị cầu kỳ và mất rất nhiều công sức. Bên cạnh đó, những quan niệm giải phóng cho phụ nữ cũng chưa thực sự cởi mở và thoải mái hơn ở Việt Nam, nên nếu những người đàn ông trong gia đình không hiểu được chuyện này và xắn tay vào giúp đỡ thì phụ nữ sẽ rất mệt.

Là con trai trong nhà có hai chị em, từ nhỏ chúng tôi đã được dạy rằng phải tự giác chia sẻ các công việc nhà. Thậm chí, những ngày Tết chị và mẹ tôi được thoải mái rất nhiều vì hầu hếtcác công việc nhà đều do hai bố con tôi làm. Cái Tết hoàn hảo nhất với tôi là đóng vai tài xế chở cả nhà về quê thăm mộ tổ tiên, thăm và chúc Tết họ hàng, cùng ăn một bữa cơm đoàn viên.

hyunwoo-3

Áp lực độc thân ngày tết với tôi cũng là một câu chuyện “nan giải”. Cả hai chị em tôi đều chưa lập gia đình, và lỡ có ai đó hỏi thì tôi lại bảo: “Để chị lấy chồng trước rồi sẽ tới lượt con”. Những ngày Tết này, chắc tôi sẽ trốn tiệt trong phòng, rủ chị gái đi chơi đâu đó gần nhà, hoặc đối phó bằng câu nói dối: “Năm nay con sẽ lấy vợ!”. Nhưng những câu hỏi ấy chỉ là vấn đề rất nhỏ thôi, vì đối với người Hàn Quốc chúng tôi, những ngày Tết Trung thu và Tết Nguyên đán là dịp vô cùng đặc biệt, và các con cháu dù ở xa đến mấy cũng phải quay về.

Ca sĩ – Giảng viên Hồ Trung Dũng: “Tết là dịp để hiểu hơn về ý nghĩa gia đình”

Tôi hoàn toàn hiểu được nỗi sợ Tết của mọi người. Nói về Tết thì người ta toàn nói về những chuyện vui hơn, đẹp hơn, nhộn nhịp hơn bình thường. Rồi khi đối diện với những điều ta vẫn còn lo lắng trong lòng, hai điều ấy tương phản với nhau khiến ta có cảm giác: “Tại sao ai cũng vui, chỉ có mình mình buồn”. Nỗi buồn lúc ấy sẽ trở nên đáng sợ hơn.

Tôi sống một mình cũng đã mấy năm rồi, và nhiều năm trước cũng không tổ chức gì đặc biệt. Nhưng vài năm gần đây, khi tuổi tác lớn hơn thì tôi đang có xu hướng làm nhiều hơn những điều hồi nhỏ mình cho là “sến”, ví dụ như dọn dẹp nhà cửa cuối năm, nấu ăn, thậm chí là gói bánh chưng. Trong thời buổi hiện đại cái gì cũng có thể mua sẵn thì những công việc ấy sẽ gắn kết các thành viên trong nhà. Tôi cho rằng chính trong những khoảnh khắc này, mỗi người sẽ ý thức hơn về ý nghĩa của từ “gia đình”.

50267774_10214671706159523_5370093302060154880_n

Chuyện phụ nữ mong chờ đàn ông phụ giúp việc nhà, không giống một bài toán anh làm bao nhiêu tôi làm bao nhiêu mà quan trọng là thái độ giúp đỡ. Không phải chúng ta làm giỏi hay làm dở, mà quan trọng là chúng ta có thể hiện thái độ sẵn sàng giúp đỡ hay không, tôi nghĩ chỉ như vậy thôi thì phụ nữ sẽ rất hài lòng rồi, dù nhiều khi mình “phá” hơn là làm (cười).

Còn về câu hỏi đau đầu “Bao giờ lập gia đình” thì bí quyết của tôi là hãy để bản thân được vui vẻ từ chính trong tâm hồn. Nghe thì có vẻ lý thuyết nhưng chưa bao giờ tôi thấu hiểu được câu đó như lúc này. Cứ tận hưởng cuộc sống độc thân bằng tâm thế thoải mái nhất để nếu tình yêu đến, ta sẵn sàng đón nhận. Nếu chưa, hãy tận hưởng những quyền lợi “đi kèm” của việc được ở một mình. Để sau này, khi gặp một người mà ta sẵn sàng hy sinh những quyền lợi đó, ta sẽ thấy sự chờ đợi đó là xứng đáng.


From the same category