Với người Việt Nam, Tết cổ truyền luôn là dịp để cả gia đình sum vầy, quây quần bên nhau. Bởi vậy, dù có đi làm ăn xa tận đâu, người ta cũng cố gắng thu xếp công việc và dành thời gian về quê ăn tết để được cùng người thân gói bánh, luộc gà chuẩn bị mâm cỗ giao thừa; được dâng nén nhang thơm vái lạy tổ tiên; được mừng tuổi cho ông bà và lũ trẻ lấy may… Dù vậy, vẫn có những gia đình trẻ, vì lý do này hay lý do khác, không thể về với gia đình dịp trọng đại này nên đành phải chọn cho mình những cách riêng để đón tết.
Đi du lịch gần
Chứng kiến cảnh người ta vất vả tìm đủ mọi cách để mua được tấm vé ngày cuối năm, chị Thanh Hằng (Q7, TP.HCM) chợt thấy chạnh lòng. Còn nhớ, năm ngoái, chị cũng là một nhân tố trong cái đám đông quay cuồng ấy, mệt nhưng vui. Thế mà năm nay, được thảnh thơi đứng ngoài, chị lại buồn. Không buồn sao được khi năm hết tết đến, sau nhiều lần bàn bạc, hai vợ chồng đành phải ngậm ngùi đón năm mới nơi đất khách quê người.
Lý do là vì năm nay tình hình kinh tế khó khăn, công việc của cả hai anh chị đều không thuận lợi. Chị không có thưởng tết vì mới chuyển công tác, còn món tiền cuối năm của anh cũng chẳng được là bao nhiêu. Trong khi đó, chi phí để hai vợ chồng về Bắc lại không rẻ chút nào. Nếu tính đầy đủ ra, có lẽ không ít hơn hai tháng lương của anh chị. Vậy nên, nếu ở lại, ngoài việc tiết kiệm được một khoản, hai vợ chồng còn có thể gửi về biếu bố mẹ hai bên.
Lên kế hoạch từ sớm như vậy, thế nên cả hai đã tranh thủ mua vé giá rẻ về quê trước tết chừng 2 tháng. Vừa để thăm gia đình, vừa để xin phép bố mẹ luôn. Cũng may, các cụ hiểu con nên chẳng trách móc gì. Để tránh phải đón một cái tết buồn và dài đằng đẵng, cả hai đã tìm hiểu một vài tour du lịch giá rẻ về miền Tây. Mặc dù chuẩn bị tinh thần kỹ càng là vậy, nhưng chị Hằng vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đấy. Chị chia sẻ “Vì hoàn cảnh nên phải vậy thôi, chứ thực tâm hai vợ chồng vẫn muốn về quê ăn tết với gia đình lắm”.
Vì… tương lai con trẻ
Cũng quyết định ở lại TP.HCM đón năm mới giống chị Hằng nhưng chị Hà Uyên (Q1, Tp.HCM) lại có một lý do khác. Số là vì khi ấy chị đang mang bầu, không tiện di chuyển nhiều dịp Tết vì sợ cảnh chen lấn xô đẩy rồi chầu chực canh vé không tốt cho hai mẹ con. Chồng chị dù là con trai một nhưng vẫn ủng hộ quyết định của vợ.
Để chuẩn bị cái tết đặc biệt này, anh chị đã tranh thủ mua sắm, dự trữ thức ăn cho cả tuần. Cùng là những “fan cuồng” của điện ảnh, cả hai còn gom góp không dưới 50 bộ phim trong máy tính để… đề phòng những lúc rỗi rãi quá, không biết làm gì thì còn có cái mà xem. Bên cạnh đó, hai vợ chồng trẻ còn không quên mua đồ trang trí cho căn phòng nhỏ của mình, đặt bánh chưng, mua hoa, chuẩn bị mâm cơm tất niên… Trọ trong một căn chung cư ở giữa trung tâm thành phố, thế nên đêm giao thừa, anh chị cũng được thoải mái ngắm pháo hoa ngay trong chính nhà mình mà chẳng phải ra đường chen lến. Mặc dù vậy, theo chị Uyên kể thì cái tết đáng nhớ ấy chỉ kéo dài đến ngày mùng một, sau khi hai vợ chồng ra phố lấy may và đi chơi dường hoa. Những ngày sau đó, họ vùi mình vào “luyện phim” cho đến khi cuộc sống bình thường trở lại.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của năm ngoái. Còn với năm nay, cả hai anh chị đang vô cùng tất bật và háo hức muốn cho cô con gái đầu lòng được hưởng một cái tết trọn vẹn hơn. Dẫu vẫn không thể về nhà vì con còn quá nhỏ, thế nhưng cả hai vợ chồng đều khẳng định sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, chịu khó đưa con đi chơi xuân để sau này con lớn sẽ được nghe kể về cái tết đầu tiên của mình như thế nào.
Làm… “cầu truyền hình”
Với các đôi vợ chồng trẻ như gia đình chị Hằng, chị Uyên, dù không được về nhà nhưng ít ra vẫn có thể hòa niềm vui chung cùng mọi người xung quanh. Còn như trường hợp của chị Thu Trang thì tết đúng là dịp buồn không để đâu cho hết. Hai vợ chồng chị hiện đang sống và làm việc ở Mỹ. Năm ngoái, vì vừa làm đám cưới trước Tết mấy tháng nên đến cuối năm, cả hai quyết định ở lại. Phần vì chi phí đắt đỏ, phần nữa là do tình hình kinh tế xứ cờ hoa đang gặp khủng hoảng, đi về mất việc như chơi.
Phải đón Tết ở một nơi cách quê hương cả nửa vòng trái đất, chị kể: “Nói thật là tết ở đây chán lắm, chẳng có gì là thú vị cả. Chỗ mình ở ít người Việt, chồng lại đi suốt ngày nên cũng chẳng có không khí tết gì cả. Mà năm ngoái, nhà chỉ có hai người nên không bày vẽ gì nhiều; chỉ mua một cái bánh chưng cho có không khí tết, luộc thêm con gà, mua ít hoa quả về thắp hương. Mà nhà cũng đâu có bàn thờ, cứ bày tạm lên bàn nước thôi. Ngoài ra, hai vợ chồng cũng cố gắng chờ đúng lúc giao thừa để gọi điện về cho gia đình. Gọi xong là hết Tết”.
Mặc dù vậy, năm nay gia đình chị đã có thêm một thành viên mới. Thế nên dịp Tết Quý Tỵ này, hai vợ chồng dự định sẽ chuẩn bị tươm tất hơn. Thậm chí, cả hai còn lên kế hoạch thực hiện một “cầu truyền hình” bằng webcam nối hai đầu cầu Mỹ với Việt Nam để cảm nhận được nhiều hơn không khí ấm áp, gần gũi của gia đình ngày Tết.