Tết quê của con

Tết ở quê là nỗi háo hức của rất nhiều đứa bé con cái của những cha mẹ thành phố nhập cư. Những đứa trẻ sinh ra trong thành phố, thị dân gốc, thấy chuyện về quê trong kỳ nghỉ tết là phần thưởng vô giá đối với nó. “Sao con thích về quê vậy?”. “Con về quê ở với bà. Về quê vui lắm!”, đứa con trả lời, người mẹ thấy trong mắt nó có cả những đốm sáng đang nhảy nhót. Đứa bé, hẳn đang sống lại ký ức của lần về quê năm trước, cái ký ức huy hoàng mà có lẽ ít có niềm vui nào trong đời sống thành phố sánh bằng. Nó quyến rũ đến nỗi khi hàng phố chỉ vừa bỏ hình trang trí Noel là đứa bé ngay lập tức mong đợi chuyến về quê…

Quê nhà, giờ này có người bà mỏi mắt mong cháu. Đứa bé thành phố cảm nhận sâu sắc tình cảm ấm áp của bà dành cho nó. Người bà (là người mẹ của đứa con đã trưởng thành) thấy đứa cháu mình ở nơi xa, nó thiếu thốn tình cảm, ít có được miếng ngon (thành phố trong tâm trí bà luôn là nơi xa lạ, tạm bợ), bây giờ nó về, thôi thì bà cưng nựng, âu yếm, thứ nào đẹp nhất, ngon nhất bà đều cho nó. Bà có nhiều đứa cháu, nhưng rõ ràng, đứa bà thương nhất dịp này chính là đứa cháu thành phố. Lạ là, như bà đã “công tác tư tưởng” với đám cháu ở quê: cái này, cái kia… cho Cún, vì tết Cún về, nên lũ anh chị em không đứa nào ganh tỵ với sự thiên vị của bà; chúng cũng nhẹ nhàng, nhường nhịn, chăm chút đứa anh em thành phố).

Về quê, đứa bé thành phố biết một cuộc sống khác, như một chuyến khám phá, vừa lạ lẫm vừa thân thương. Nó biết cái se lạnh của mùa đông, biết mùi trầu cau của bà sực nức vào cả trong chăn ấm. Có bếp lửa cháy suốt đêm nấu bánh chưng, bánh tét. Có tiếng chày giã bánh đúc. Có đêm giao thừa thức trắng, lễ cúng tổ tiên năm gian nhà ấm cúng khói hương bay và những cụ ông cụ bà trên cao nhìn xuống. Có đoàn múa lân từng bừng đi ngoài ngõ. Những cửa nhà rộng mở, những lời chúc đầu năm… Đứa bé lần đầu tiên thấy tết trắng đêm. Lần đầu tiên nó ngạc nhiên nghe lũ gà gáy hoài: “Sao nó không ngủ? Sao nó cứ gáy? Sáng gì đâu? Hay con gà thức đón năm mới, như con?…”

Có bí mật của thiên nhiên cây cỏ không ai dạy trong sách giáo khoa nhưng bây giờ nó biết: biết cây mai nảy lộc trong đêm, sáng ra khoe hoa vàng rực rỡ; biết thời khắc chuyển giao ngày mới là thời khắc trái cây chuyển từ xanh sang chín, nó chín nó tự rụng (tiếng kêu bịch bịch kia), bà soi đèn dắt cháu ra lượm trái, vì để ngoài vườn dơi chuột vô ăn sáng mai lũ trẻ mất “bữa tiệc”. Nó biết những đêm nó ngủ im lùm, thì ngoài khu vườn sự sống đang chuyển, cây nảy lộc, đơm nụ, nở hoa, lá cây vươn lên chờ đợi tia sáng đầu tiên của mặt trời.

 

Từ ngôi nhà của bà, đứa trẻ nhận ra mối quan hệ họ hàng dây mơ rễ má rộng ra khắp cả ngôi làng: những ông, những bà, những cố, cô dì chú bác… Ở quê hương, nó đâu chỉ ruột thịt với bà, nó ruột thịt với mọi người, cả một cộng đồng mà ở thành phố nó không thể có. Còn có cả một thế giới kỳ lạ, những lăng tẩm đền đài nhấp nhô trong đồi núi, nơi mồ mả tổ tiên, đối với đứa bé không khác gì các lâu đài trong truyện cổ. “Có phù thủy không? Có câu thần chú nào không mẹ?”, nó hỏi. “Có các thần linh, có linh hồn tổ tiên, những đấng vô hình nhưng luôn dõi theo con…”. Bài học tín ngưỡng mẹ dạy cho con, trực tiếp, sinh động, sẽ luôn in dấu trong trái tim con về sự thành kính, về niềm tin.

Đứa bé sống trọn những ngày tết nông thôn: đầu làng đám hò lơ, cuối làng hội cờ người, tiếng trống, tiếng người giục giã. Đám trẻ hí hửng áo mới chạy đầu này đầu khác, thỏa thuê kẹo bánh (vô số thứ bánh nông thôn đứa bé lần đầu tiên nhìn thấy). Mùng hai tết bà dắt lũ cháo đi xem hội đua thuyền, cờ phướn rợp mặt sông. Đứa bé ngạc nhiên vì có cậu, có chú, có anh… ở trong hội đua thuyền. Ngạc nhiên thấy sức người đưa con thuyền lao đi, vượt sóng vượt gió. Dẫu chẳng có siêu nhân nào, như phim, như game.

Cho đến ngày rời quê trở lại thành phố, bắt đầu lại nếp sống hối hả: mẹ đi làm con đi học, đứa bé còn phụng phịu: “Sao Tết nhanh hết vậy mẹ, vậy ba?”. Ừ Tết nhanh, nhưng sang năm đến tết, con sẽ lại về quê… “Sang năm hả mẹ, hả ba? Bao giờ cho đến sang năm?…” Đứa bé đã đợi tết này, khi cái tết năm trước vừa kết thúc. Đợi một chuyến về quê…

Theo Mẹ yêu bé

From the same category