Tết ở tim mình

>> Tết khác

Lần “chạy” Tết trắc trở nhất, là năm tôi lên đón Tết cùng đồn biên phòng Ma Lù Thàng – tỉnh Lai Châu. 29 Tết xe mới rời Hà Nội, lên gần tới Mù Cang Chải thì va quệt với người dân địa phương. May không ai bị sao, nhưng giải quyết xong thì trời đã xẩm tối. Sương lập tức bao phủ tứ bề, đèn pha chỉ giúp nhìn được khoảng hơn 1 mét phía trước. Tôi ngồi cạnh ghế lái, phải dùng thêm đèn pin quân đội soi vào bên hông, để nhìn thấy ta-luy, báo hiệu cho tài xế. Xe dò dẫm từng mét một, men theo đường núi quanh co, một bên là vực. 

Đối với nhiều người, những bữa ăn ê hề thịt thà chưa chắc đã mang lại cho họ một cảm giác “Tết”

Sương lùa vào xe, khiến chúng tôi cũng không nhìn rõ được nhau nữa. Chiếc xe như trôi đi trong sương, như thực, như mơ. Đó là một trải nghiệm kỳ lạ. Chiếc xe của chúng tôi có lẽ là chiếc xe cuối cùng của năm chạy ngược lên núi, vượt qua không gian và thời gian. Cảnh huống giống như trong một tác phẩm văn học lãng mạn nào đó của Châu Âu hồi thế kỷ trước. Khoảnh khắc ấy, có lẽ vĩnh viễn thay đổi khái niệm giá trị về thời gian và cuộc sống trong tôi. Kể từ ấy, tôi kết hôn với sự dịch chuyển, và những cái Tết xa nhà, thậm chí trở thành niềm háo hức mới lạ.

Đón giao thừa trong lòng thủy điện Sơn La, giữa tiếng ầm ì của turbine, cũng là một cái Tết không thể quên. Từ mặt đập thủy điện, để xuống được khu điều khiển bên trong, phải leo xuống thang xoáy cao hàng chục mét. Nơi ấy, những turbine khổng lồ xoay tít bởi sức nước, tạo ra nguồn điện năng khổng lồ. Cũng như dòng Đà Giang hung vĩ, những turbine không bao giờ ngừng nghỉ. Ở nơi ấy, khái niệm về những phút nghỉ ngơi, lễ Tết, tưởng như trở thành phù phiếm xa xỉ. Nguyên tắc đảm bảo an toàn khi vận hành, tất cả mọi người đều phải mặc trang phục bảo hộ lao động, không hút thuốc, uống rượu trong khu điều khiển nhà máy thủy điện. 

Nhà báo Gia Hiền – tác giả bài viết

Vậy mà, chỉ một cành đào rừng trong góc phòng quản đốc, cả cỗ máy lạnh lùng ấy bỗng mang không khí Tết đến xuân về. Trong không gian toàn một màu trắng, xám chì, những nụ đào hồng nở bung là hình ảnh tôi không bao giờ quên được. Cái tết bên những kỹ sư, kỹ thuật viên thủy điện Sơn La, nhắc tôi nhớ rằng, để có ánh điện vui tươi rực rỡ cho từng con đường, từng căn hộ trong ngày Tết ở những đô thị xa xôi, thì ở đầu nguồn nước chảy, có những người ngày đêm nghe tiếng ầm ì máy chạy.

Cũng một cái Tết, tôi đã đón cùng những người dân nằm trong khu vực di dời của thủy điện Sông Tranh. Bỏ lại làng cũ sâu dưới hàng chục mét nước, họ chuyển tới làng mới, sống trong những ngôi nhà gạch xây khang trang, nhưng cách xa ruộng rẫy canh tác. Năm ấy, thủy điện Sông Tranh II bị phát hiện nứt thân đập, thậm chí có chuyên gia e ngại khả năng vỡ đập. Những cơn động đất cứ vài ngày lại khuấy đảo đời sống người dân một lần. Họ không còn tâm trí đâu lên nương rẫy. Người lớn, trẻ em, suốt ngày ngồi bó gối trước hiên nhà, chực chạy.

Ngày Tết của người Kinh cũng xa lạ với người Ca Dong, vốn ăn Tết vào thời gian sau vụ lúa tháng 11 âm lịch. Bởi thế, giao thừa, rồi 3 ngày đầu năm trôi qua rất đỗi bình thường. Tôi đã ngồi đó, trước sân nhà, loay hoay chụp lại những gương mặt lo lắng, bất an, và mệt mỏi. Đến bữa, chúng tôi cùng ăn cơm với lá sắn luộc chấm muối và nhìn lên những vết nứt chằng chịt trên trần nhà vì động đất. Đó là một cái Tết ảm đạm, ngấm từng ngón tay cảm giác buồn bã bị quên lãng của phận người.

Tôi có anh bạn họa sĩ, cả đời chỉ có một thú vui là sưu tầm tượng Phật. Đến thăm nhà anh, bạn bè thường ngại, bởi đụng đâu cũng thấy tượng Phật, hàng trăm hàng nghìn pho, chật cứng, chỉ chừa ra vài chỗ đi lại đứng ngồi. Anh thì thấy bình thường, không phàm tục hóa, cũng không thần thánh hóa những pho tượng ấy. Cứ qua hăm ba tháng Chạp ông Công ông Táo, thì anh bắt đầu công việc nửa như thú vui, nửa như nghi thức: lau tượng. Anh mang hàng nghìn pho tượng trong nhà ra lau, lau kỹ lưỡng, chậm rãi tới từng kẽ ngón tay, từng lọn tóc cuốn, từng nếp cà sa, từng món pháp khí. Anh nói, ngắm tượng thấy Phật, mà cũng thấy mình. Lau hết ngần ấy bức tượng, thường là đúng đến ngày cuối năm. Khi ấy, anh đóng cửa, ra khỏi nhà đến ra Giêng mới về. Anh đi đâu, gặp ai, làm gì, không có ai biết cả. Những ngày Tết ấy là của riêng anh, trong một hành trình chậm rãi và hướng nội, nuôi dưỡng bản ngã. Bỗng nhiên, một ngày cuối năm nọ, anh gọi tôi: “Lên núi không?”. Tôi đồng ý. Vậy là chúng tôi gặp nhau sau 1 tiếng, mua vé tàu. Đi. 

Bạn có khi nào tự hỏi, khi nào với mình là “Tết”?

Đêm giao thừa năm ấy,chúng tôi đứng trên tầng thượng một khách sạn ở thành phố Sơn La, dửng dưng nhìn kim đồng hồ nhích dần đến số 12, và cảm thấy buồn cười vì pháo hoa bắn ở phố núi bị sương ẩm làm cho tiếng nổ biến dạng, “bìm bịp bìm bịp”, rất khôi hài. Đồng hồ điểm đúng 0 giờ. Anh bạn quay sang vỗ vai chúc mừng năm mới, tôi thoáng thấy mắt anh loáng ướt. Anh vội vã quay người, xuống lầu. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy nhớ nhà.

Đến một tuổi nào đó, Tết sẽ đến rất lạ. Bạn không còn cảm giác háo hức trẻ thơ, dù vẫn xốn xang và chờ đợi điều tươi mới. Bạn chậm rãi nhìn lại, rụt rè hy vọng. Bạn hối hả với cuộc sống, nhưng chậm rãi một cách cố tình với tất cả những tình thân, theo cách nhẩn nha nhấm nháp. Thường thì đó là khi bạn đã già. Nhưng cũng có thể, đó là sự thấm thía nỗi nhân sinh. Mà sự thấm thía ấy, thì ập đến không đợi tuổi. Có thể nó sẽ gõ cửa nhà bạn vào một ngày cuối năm, khi bạn đang nằm dài trên đi văng, hít mùi hương trầm thơm ngát, mà loay hoay tự hỏi, Tết là gì?

Bài: Gia Hiền
logo 

From the same category