Tết ngày xưa còn bé (P 1)

Sau khi đưa ông Táo về chầu Trời, bà bắt đầu mang lá dong ra rửa.  Trong khi rửa, lá được xếp ra làm hai loại:  lá nhỏ sẽ dùng để lót bánh lớp trong cùng, gọi là “lá áo”, và lá lớn sẽ gói bọc lớp ngoài, gọi là “lá quân”.  Bà nhúng từng cái lá vào một chậu nước lớn, và dùng một cái khăn sạch kỳ cọ từ cọng đến ngọn lá.  Mỗi cái lá đều được rửa ba lần nước; đến lần cuối cùng, nước rửa phải vẫn còn trong như chưa dùng; như thế bánh mới sạch và giữ được lâu.

 Sau khi rửa xong, mẹ tôi lại dùng một cái khăn sạch khác lau từng cái lá cho khô rồi mới xếp thành từng chồng để đó. Gạo nếp đã ngâm một đêm, vớt ra để vào ba bốn cái rổ to cho ráo nước rồi xóc vào chút muối cho bánh đậm đà. Đậu xanh cũng ngâm qua đêm để đãi vỏ, đựng đầy ba bốn cái rổ to nữa.  Đám lau nhau (hai đứa em tôi và tôi) đã nghỉ Tết được mẹ giao cho làm “Tấm Cám” ngồi xăm xoi nhặt từng cái vỏ đậu xanh còn sót lại cho đến lúc rổ đậu chỉ còn một màu vàng tươi.  Đậu cũng được xóc vào một ít muối, rồi hấp trong chõ như nấu xôi. Đậu vừa chín tới và còn nóng, mẹ tôi đổ ra cối và giã ngay cho nhuyễn rồi nắm lại thành từng nắm to hơn quả cam để đấy.

Những ngày này mẹ tôi đi chợ rất sớm, để mua được những thức tươi tốt nhất.  Những miếng thịt ba chỉ, da trắng trẻo sạch sẽ được bà cắt ra thành những miếng to bản và đều nhau, ướp với hành ta, hạt tiêu, chút muối và một chút nước mắm. Mọi thứ đã sắp xong, bày chung quanh một tấm chiếu mới trải giữa phòng, bà bắt tay vào việc gói bánh.

 Ở nhà chỉ có độ ba hay bốn cái khuôn gói bánh mà mẹ tôi rất quí, và giữ không biết đã bao nhiêu năm. Những khuôn này đã được một ông thợ mộc giỏi, chọn mua gỗ tốt và làm tặng bà.  Khuôn dùng qua bao nhiêu cái Tết cũng không bị cong, mặt gỗ bóng láng, có vân nâu, bốn cạnh thẳng tắp và đều đặn.  Bốn thanh gỗ nhỏ lồng vào với nhau bằng những cái mộng nhỏ được đục đẽo ở hai đầu, thành một cái khuôn vuông vức.  Khi đặt xuống, khuôn bánh nằm ngay ngắn trên mặt bàn phẳng, không một kẽ hở.

Bốn sợi lạt, hai sợi ngang, hai sợi dọc, được đặt dưới khuôn bánh. Lá dong đã được bẻ góc sẵn đặt vào khuôn đối diện nhau, bốn lá quân ở ngoài, bốn lá áo ở trong. Bắt đầu bằng một chén gạo nếp, san bằng vào các cạnh, nửa nắm đậu xanh rải đều trên mặt, hai miếng thịt sắp cạnh nhau cho vừa kín khuôn, xong nửa nắm đậu xanh còn lại, và cuối cùng là một chén gạo nếp nữa trên mặt. Lá áo gói vào trước, rồi đến lá quân. Một tay giữ lá bánh, tay kia gỡ khuôn, mẹ tôi buộc lạt, xoắn lại cho chặt và gài đầu lạt vào trong cho khỏi tuột.  

 Thỉnh thoảng dừng tay lại, nhìn những cái bánh vuông vức, xinh xắn sắp thành từng chồng cao dần, bà gật đầu hài lòng. Bao nhiêu năm quan sát mẹ tôi gói bánh, tôi cũng thuộc cách làm và luôn luôn muốn được thực tập.  Từ khi còn bé, tôi đã được mẹ khen là khéo tay nhất nhà. Tôi thường thích quan sát mẹ tôi lúc bà trang điểm để đi ăn cưới.  Bà tô son đỏ hình trái tim và kẻ lông mày với bút chì nâu. Thỉnh thoảng vì tôi vẽ khéo, bà để cho tôi giúp bà tô lông mày. Đến năm tôi 12 tuổi, tôi mừng rỡ và hãnh diện khi được mẹ tôi cho phụ bà gói bánh, các chị lớn của tôi ngồi chung quanh thán phục. Hai mẹ con gói từ sáng đến chiều cũng đủ một trăm cái bánh.

Một lò than đã đỏ hồng ở sân sau. Mẹ tôi sắp bánh vào một cái nồi lớn chỉ dùng để nấu bánh chưng. Cái nồi này ba bốn đứa trẻ con chúng tôi chui vào đứng cũng lọt. Bánh sắp vào nồi xong, nồi được khiêng đặt lên bếp lò; bà dằn lên trên một nồi nước to để bánh khỏi bị nổi, rồi đổ nước vào cho vừa ngập bánh. Mẹ tôi dọn dẹp, rồi trong khi anh chị em tôi đi ngủ, cùng với bố tôi pha trà thức canh nồi bánh. Ngày hôm sau thức dậy, chúng tôi đã thấy các tấm bánh đã được sắp thành hai hàng ngay ngắn trên một miếng gỗ lớn để trên bếp; ba bốn nồi nước to để trên mặt một miếng gỗ lớn để tạo sức nặng ép bánh. Bánh phải ép chặt thì ăn mới ngon và để được lâu.

 

Một bức tranh về chủ đề Tết do bé Thanh Lan (học sinh Trường Tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội) vẽ

Qua hôm sau, bánh được gỡ ra, lau bằng khăn sạch cho hết lớp nước mỡ bám bên ngoài.  Các anh tôi được mẹ sai mang bánh đi biếu họ hàng.  Một ít khác được để dành đấy để hễ có ai mang quà Tết đến bất ngờ, thì cũng sẽ được biếu lại một cặp bánh. Ngày mồng một Tết, bố tôi được vinh dự bóc cái bánh chưng đầu tiên. Nếu một góc của cái bánh bóc đầu tiên ngày đầu năm mới này bị “hấy” (gạo còn sống, thường do gói chặt tay quá), thì bố tôi sẽ reo to vui vẻ vì đó là điềm sẽ phát tài làm cả nhà cũng cười theo!  

Mẹ tôi gói bao nhiêu là bánh chưng thế, nhưng nhà cũng nhận được bánh chưng của họ hàng hay bạn bè khác gởi tặng.  Bao nhiêu năm ăn bánh của mẹ gói, chúng tôi… chê tất cả bánh chưng của nhà khác gói, không ăn. Những bánh này khi đã hết Tết, mẹ tôi đem ra chiên. Một cái bánh cắt làm bốn, bà kiên nhẫn chiên với một chút dầu vừa tráng mặt chảo, trên ngọn lửa rất nhỏ.  Mỗi lần trở mặt bánh, bà ấn từ từ cho bánh dẹp xuống vừa vào lòng chảo tròn như một cái trứng chiên.  Chúng tôi lại được dịp thi nhau thưởng thức những cái bánh chiên giòn, vàng óng như màu mật ong này, cùng với món củ cải phơi khô ngâm với nước mắm gừng của mẹ.  

(Đọc tiếp phần 2: Những món ngon của mẹ)

Tác giả bài viết “Tết ngày xưa còn bé” tên thật là Trần Yến Chi, quê Nam Đinh, hiện đang sống và  lập nghiệp tại Calofornia (Mỹ). Năm 2011, bà về Hà Nội và lần đầu tiên tìm về quê nhà sau mấy chục năm thất lạc tin tức. Mỗi lần về Việt Nam bà thường đi thăm thú, tìm hiểu cuộc sống của dân cư các vùng miền và luôn sẵn lòng giúp đỡ những người đồng hương. Bà  thích làm vườn, trồng cây, nấu ăn, sưu tập tranh, đặc biệt là tranh của thiếu nhi. Bà rất tâm lý, chiều chuộng trẻ nhỏ nhưng cũng rất coi trọng lễ giáo. Trong bài này có sử dụng một số trang minh họa của bé Thanh Lan (học sinh Trường Tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội) đã được bà lưu giữ với tấm lòng trìu mến. 

Bài: Yến Chi

logo
 


From the same category