Thực phẩm nhập lậu – Bài toán khó có lời giải
Vào thời điểm này các loại thực phẩm như: thịt gia cầm, bánh kẹo, mứt…, thậm chí cả gia vị không có xuất xứ rõ ràng, thời hạn sử dụng cũng như các loại tem nhãn theo quy định của Cục ATVSTP được bày bán tràn lan. Hầu hết các loại thực phẩm này đều được bán tại các chợ cóc, các sạp tạp hóa, thậm chí còn len lỏi vào những siêu thị lớn nhỏ trên khắp cả nước.
Trong năm 2012, những vụ thực phẩm bẩn “đình đám” nhất phải kể đến là: gà dai Hàn Quốc, gà nhập lậu Trung Quốc; giá đỗ “ngâm” hóa chất; hoa quả chứa chất gây vô sinh, ung thư; cá khô chứa chất diệt côn trùng; phô mai que làm từ cao su… Tất cả các thực phẩm này đều được nhập lậu từ Trung Quốc, không qua kiểm dịch, kiểm định và đều được bán công khai.
Chưa bàn đến thói quen mua sắm các loại thực phẩm trên tại các chợ cóc – những nơi các cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết, tại nhiều siêu thị lớn, gà dai, gà thải lại được bày bán công khai, đơn cử như tại siêu thị Big C và một số siêu thị lớn nhỏ khác.
Những loại thực phẩm không thể thiếu trong dịp Tết bao gồm: rượu bia, giò chả, bánh kẹo, các loại mứt, ô mai… Nhưng liệu trên thị trường có bao nhiêu thực phẩm đủ tiêu chuẩn ATVSTP, đó quả là một câu hỏi không có lời giải đáp.
Mặc dù những ngày cuối năm, các cơ quan chức năng ráo riết thắt chặt tình trạng thực phẩm quá hạn sử dụng, không nguồn gốc, không tem nhãn, hạn sử dụng… bằng cách lập đến các đoàn thanh – kiểm tra thực phẩm Tết nhưng lại chỉ hoạt động tại các tỉnh thành lớn. Đối với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, Chi cục phó Cục phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội – Cấn Xuân Bình cho hay, trong công tác kiểm soát sản phẩm động vật nhập về đã có sự chuyển biến song tình trạng vi phạm chất lượng ATVSTP vẫn gia tăng.
Mặc dù được cảnh báo nhiều về nguy cơ độc hại của thực phẩm nhập lậu của Trung Quốc như: bánh kẹo, xì dầu, nấm, thảo quả, nước giải khát, mứt… nhưng các mặt hàng này với màu sắc, mẫu mã bắt mắt vẫn được bày bán công khai. Mặt khác, giá thành những loại thực phẩm này khá rẻ, đơn cử như: bánh kẹo hương khoai lang, kẹo mùi, kẹo bắp có giá bán từ 50.000 đồng – 65,000 đồng/ kg; nước hoa quả đóng chai nhiều hương vị, hình thức đẹp, giá chưa đến 10.000 đồng/ chai. Điều đáng lo ngại là cả người mua kẻ bán đều không thể biết đến chất lượng, thành phần, thời hạn sử dụng vì trên bao bì đều in bằng chữ Trung Quốc.
Thực phẩm trong nước: vừa bẩn vừa độc
Nếu như thực phẩm nhập lậu gây nên những mối nguy hại khôn lường thì thực phẩm phục vụ Tết cũng rơi vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng về việc mất ATVSTP đáng báo động.
Theo số liệu của Cục ATVSTP, số ca ngộ độc thực phẩm dịp Tết năm 2012 giảm 10% so với năm 2011. Tuy nhiên, với sự “thống trị” và bao vây của các loại thực phẩm bẩn từ Trung Quốc, thực phẩm sản xuất mất an toàn trong nước có dư lượng các chất có hại với cơ thể vượt quá trăm ngàn lần ngưỡng cho phép thì đây là vấn đề khá nan giải. Và e rằng Tết năm 2013, số ca ngộ độc thực phẩm có chiều hướng tăng mạnh đáng kể.
Để minh chứng cho điều này, chúng tôi đã xuống nơi được xem là “thủ phủ” sản xuất bánh kẹo, mứt Tết lớn nhất miền bắc đó là làng La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Tại đây các lò sản xuất bánh kẹo bốc mùi hôi thối khó chịu, mứt được phơi ngoài đường làng, nhà xưởng bám bẩn, phân chuột, phân gián khắp nơi. Hơn thế các chất phụ gia, tạo màu, đường hóa học được sử dụng một cách bừa bãi, theo công thức… áng chừng của các chủ sản xuất. Nhiều người dân tại đây cho biết, trước Tết Nguyên đán cả mấy tháng trời, La Phù bắt đầu nhộn nhịp làm bánh kẹo như mở hội. Các loại bánh trái tại đây đều được chở đi tiêu thụ từ Bắc chí Nam.
Không chỉ riêng bánh kẹo, các loại rượu bia nhái, giả, kém chất lượng, hạt dưa chứa phẩm màu, tồn dư chất bảo quản thực phẩm trái phép cũng được bán tràn lan. Đặc biệt thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc như rượu nhái, rượu giả, rượu kém chất lượng và đã xử lý kịp thời. Nhưng chắc chắn trong dịp Tết này, nhưng loại đồ uống này sẽ khó lòng được kiểm soát hết.
Giò chả, bánh chưng cũng không nằm ngoại lệ trên. Ngoài những nhà hàng, cơ sở kinh doanh uy tín thì có sự kiểm định của các cơ quan chức năng, tình trạng bánh chưng, giò chả kém chất lượng, tồn dư vi nấm, vi khuẩn có hại, chất bảo quản thực phẩm… cũng đáng báo động. Hơn thế, người dân lại chưa có thói quen mua sắm tại những nơi uy tín, có chứng nhận nên nỗi lo này sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Gần Tết, tình trạng mất ATVSTP đã đến mức báo động. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết hơn với những trường hợp vi phạm về ATVSTP để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.