Tết này nằm nhà đọc "Mẹ, thơm một cái" - Tạp chí Đẹp

Tết này nằm nhà đọc “Mẹ, thơm một cái”

Review

Cửu Bả Đao được bạn đọc Việt Nam biết đến qua tác phẩm “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên. Câu chuyện tình yêu tuổi học trò ngốc nghếch, vụng dại giữa nam sinh Kha Cảnh Đằng (tên thật của Cửu Bả Đao) và Thẩm Giai Nghi giống như một “cỗ máy thời gian” đem bạn đọc trở về thời tuổi trẻ bồng bột, sôi nổi của chính mình. 

Nhật vật Thẩm Giai Nghi và Kha Cảnh Đằng phiên bản điện ảnh

Văn phong giản dị mà đầy nhiệt huyết ấy lại một lần nữa được thể hiện trong “Mẹ, thơm một cái”. Vẫn là câu chuyện thuật lại những sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời anh, nhưng nếu “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi” khiến người đọc hoài niệm thì “Mẹ, thơm một cái” lại mang đến sự thức tỉnh. “Thức tỉnh” ở đây không phải là ngộ ra triết lý sâu sắc gì, mà là biết trân trọng thứ tình cảm vẫn hiện hữu đầy ắp trong cuộc đời của mỗi con người: tình mẫu tử. 

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2004, mẹ của Cửu Bả Đao mắc bệnh ung thư máu, bắt đầu quá trình trị liệu đầy tốn kém. Gia đình lúc đó còn nợ đến 5 triệu nhân dân tệ. Cửu Bả Đao vì kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ đã viết cật lực, vừa vào viện chăm sóc mẹ vừa viết 5000 – 8000 chữ mỗi ngày, mỗi tháng xuất bản 1 quyển sách. Sau 14 tháng, mẹ khỏi bệnh, 14 quyển sách cũng ra đời và quyển thứ 14 chính là “Mẹ, thơm một cái”. 


Bìa sách “Mẹ, thơm một cái” do NXB Nhã Nam phát hành

Sách là một quyển nhật ký ghi lại khoảng thời gian cả nhà cùng vượt qua biến cố, không chứa đựng kỹ thuật viết điêu luyện hay tình tiết ly kỳ mà chân thật, gần gũi. Ngày mẹ được bác sĩ thông báo bệnh tình, đỏ hoe mắt đạp xe đạp về nhà thấy bố đã khóc đầm đìa từ lâu. Lúc mẹ nhập viện, bà nội xuống bếp nấu không ra bữa ăn mới nhận ra cô con dâu mình bấy lâu nay chu đáo thế nào. Trong khoảng thời gian đồng hành cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh là lúc cả nhà thấy hối hận vì trước giờ thản nhiên chấp nhận sự hi sinh của mẹ, từ đó trở nên dựa dẫm, ỷ lại. Đến con chó Puma già trong nhà, không có mẹ cũng trở bệnh sắp chết…. Chuyện nhà Cửu Bả Đao vì vậy khiến mỗi người đọc hình dung lại chuyện nhà mình. 

Song song với chuyện về mẹ là những chia sẻ về hành trình sáng tác và quan điểm với nghề viết. Bắt đầu viết vào năm 1999 lúc 17 tuổi, đến nay Cửu Bả Đao đã có 60 tác phẩm ở nhiều thể loại, được chuyển thể thành game online, truyện tranh, phim… và được xem như nhà văn có “biên độ sáng tạo” lớn nhất trên văn đàn Hoa ngữ hiện nay. 

Đọc “Mẹ, thơm một cái”, sẽ thấy được 60 tác phẩm ấy được viết nên không chỉ bởi tài năng thiêm bẩm, mà còn bởi sự chăm chỉ tuyệt đối và nỗ lực không ngừng. “Bất kể ở đâu và khi nào cũng viết được, đó là quan điểm của tôi, chỉ cần cái mông đang được ngồi. Sáng tác, sự khiên tốn như vậy đã tạo nên đằng sau nó phong cách hoang dã tự nhiên của tôi. Nhưng có ai biết đâu? Đa số mọi người chỉ thấy cái mặt tự đắc của tôi mà không cần hỏi đến lý do.” – một trích đoạn của sách.

Cửu Bả Đao viết không chỉ để thỏa mãn “giấc mơ trở thành người kể chuyện giỏi nhất, kể được nhiều chuyện nhất, có thể dùng nhiều phương thức nhất để kể nhiều loại chuyện…” mà còn vì những động cơ rất thật thà, thực tế: kiếm sống, trả nợ, nuôi mẹ. Một trong những minh họa rõ nhất là chuyện tham gia thi Truyện phim Comic với quyết tâm giành giải nhất 1 triệu nhân dân tệ (bằng 1/5 số nợ gia đình). Trong thời gian ngắn ngủi, Cửu Bả Đao viết nên tác phẩm 129.000 chữ, với thủ pháp kể chuyện đậm chất điện ảnh “nếu xóa sạch trơn tất cả các đối thoại, câu chuyện vẫn đẹp đẽ”, giành được giải nhất vượt qua những đối thủ kỳ cựu. 

Đọc sách, những người trẻ đang loay hoay đi tìm mục tiêu cho mình sẽ thấy rốt cuộc, thành công chính là quá trình nghiêm túc thực hiện ước mơ. Thành công của Cửu Bả Đao có một phần may mắn, nhưng anh không ăn may. Cái may mắn của Cửu Bả Đao đến từ việc có một người mẹ tuyệt vời, trở thành động lực cho anh tiến lên phía trước.

Sách xuất bản từ 3/2014, nhưng sẽ không bao giờ quá cũ – hay quá muộn để đọc. 

Những trích dẫn thú vị từ sách:

– Tôi thích ngồi bên giường bệnh, sờ tay của mẹ, mân mê nhẹ nhàng những đường tĩnh mạch màu xanh xung quanh vị trí kim truyền, ấn, trượt, gảy gảy từng ngón tay. Sau cùng nắm trọn. Chăm sóc một người từng li từng tí có thể khiến bản thân trở nên dịu dàng.

– Ba yếu tố của một cây bút: Tình cảm, nguồn cảm hứng và động lực. Trong cuộc đời tôi, tình yêu mà mẹ dồn cho tôi có đủ ba thứ đó.

– Sự thành công đạt được một cách vất vả sau những nỗ lực có ý thức thì mới đủ sâu sắc, mới có vị mặn của mồ hôi, mới có chất lãng mạn của người đàn ông.

– Cho dù biết rõ người đó không phải một nửa đích thực của mình, cũng nên yêu chân thành. Bởi vì ta chỉ có thể yêu người ấy một lần thôi.

– Trên thế gian này tồn tại những giấc mơ mà có cố gắng bao nhiêu cũng không thể đạt tới, nhưng nếu nỗ lực gấp trăm lần để đổi lấy chỉ còn cách giấc mơ đó một hơi thở, tôi sẽ thực hiện.

Hạ Chi

logo

Thực hiện: depweb

06/02/2015, 09:01