Tết “lưu lạc” đất Lào - Tạp chí Đẹp

Tết “lưu lạc” đất Lào

Các đại gia đình Mercedes, Lexus, Acura, Toyota, Chevrolet cùng 48 thành viên đã vượt qua quãng đường dài gần 2.500km xuyên Tây Nguyên, xuyên rừng đại ngàn Attapeu, băng qua cao nguyên Boloven, vượt sông Mê Kông trên chuyến phà đầy những chuyện lạ lùng, khám phá di sản văn hóa thế giới Wat Phou hoang sơ, tắm nước thác Khôn hùng vĩ, ngọn thác lớn nhất Đông Nam Á,… và quay lại vị trí xuất phát!

Một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm, mà nếu xếp chúng ra có thể giăng kín… gần 2. 500km. Bởi thế những gì tôi kể ở đây có thể chỉ là “vài lát sắn (khoai mì)”, đủ cho những ai bị rớt lại trong chuyến đi đáng nhớ này phải tiếc nuối.

Chị Kim Oanh: Chiếc GLK đỏ tôi mới chạy được một thời gian ngắn và đây là chuyến đi đường trường đầu tiên của tôi với nó. Chân ga còn hơi nặng, cũng đúng thôi vì mới chạy 6.200km, còn chưa hết rô-đa. Tôi nghĩ mình cần có thêm nhiều chuyến đi nữa để “thuần” nó. Tuy thế, chiếc GLK này làm tôi yên tâm chạy trên mọi địa hình vì nó là xe 2 cầu.

Điều khiến tôi thở phào nhẹ nhõm nhất là khi chạy đường trường, nó chỉ tiêu tốn có 9 lít xăng/100km; vậy mà khi mới mua, tôi bị nhiều người dọa rằng nó sẽ uống của tôi tới 12 lít xăng/100km. Nhưng không gì sung sướng hơn là được chạy xe với tốc độ tới 160-170km/h mà không lo bị phạt. Đường ở Lào tuy nhỏ nhưng rất tốt, nếu có thể thì tôi muốn chuyến đi kéo dài hơn để có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thăm thú thêm nhiều nơi ở đất nước này.

Chị Kim Oanh (trái) và chị Lê Nhung (phải)

Chị Lê Nhung: Các chị lái xe rất điệu nghệ khiến các anh đi cùng trong đoàn mắt tròn mắt dẹt. Những quý ông ở xe số 2 và số 7 (hai chiếc xe luôn đi chậm nhất đoàn) nói với tôi rằng họ rất ấn tượng và khâm phục các chị về tài lái xe nhưng lần sau thì họ sẽ không dám đi cùng (vì ngượng!). Ấn tượng khó phai nhất với tôi là khi xe chị Yến hết xăng, đi hết đèo, chúng tôi đã mừng như bắt được vàng khi thấy một tiệm bán xăng tư nhân, 4 chị em nhào xuống bơm xăng bằng tay hết mình. Ở Lào ăn chơi thì rẻ nhưng xăng thì đắt quá!
 

Chị Nguyễn Minh Ngọc: Đây là một chuyến đi… rất dài. Cùng với đoàn, ba mẹ con tôi đã vượt qua khá  nhiều đèo, đi từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn, một con đèo dài tới gần 50km, là đèo dài nhất mà tôi từng đi. Nước Lào có nhiều phong cảnh thiên nhiên còn hoang sơ, chưa bị con người tác động và khai phá, đó là điều rất đáng quý.  

Cháu Phạm Thị Mai Minh (con gái
chị Minh Ngọc): Chưa bao giờ cháu được đi du lịch bằng xe ô tô với một quãng đường dài và cùng một đoàn đông như vậy. Đó quả là một chuyến đi hoành tráng, tinh thần đoàn kết cũng rất cao và vui vẻ.   
 
Cà phê 30/4 dinh Thống Nhất, 4 ngày trước khi xuất phát

Đây là cuộc họp cuối cùng trước khi lên đường nhưng vẫn còn ngổn ngang nhiều gian khó: 3 chiếc xe còn trong tình trạng chờ bổ sung thủ tục để cấp visa, nhiều cảnh báo về tình trạng đường sá phức tạp, đặc biệt ở chặng mở màn, đoạn từ Tp.HCM đi Kontum. Thậm chí, ông giám đốc công ty vệ sinh môi trường Buôn Ma Thuột còn phải kêu lên: “Trời ơi, phụ nữ lái xe chi cho cực, đường xấu lắm, từ sáng tới khuya mới tới Kontum, mà lại là xe hai cầu, phải là tay lái đàn ông!”. Vậy mà vẫn cười nói rổn rảng, khó khăn không làm họ chùn tay lái.

Tp.HCM, 4 giờ sáng ngày 30/12/2010

Sài Gòn còn ngái ngủ, 11 chiếc xe xếp hàng dài trước công viên Tao Đàn, logo số má đã sẵn sàng, bộ đàm thử gọi nhau í ới. Chưa có chuyến đi nào của CLB khởi hành sớm như thế mà các thành viên lại… đúng giờ như thế!

Ra đi trong thành phố mờ sương, dẫn đầu đoàn là gia đình Mercedes, đông đúc nhất (3 chiếc GLK và 1 chiếc C200) và cũng thời trang nhất (2 chiếc màu trắng lộng lẫy, 1 chiếc màu đen mạnh mẽ và ăn chơi nhất là chiếc GLK mới tậu màu đỏ ớt của chị Kim Oanh với biển số thuộc loại hàng “độc” 86A-00001!). Nối đuôi là các gia đình Lexus, Toyota, Chevrolet, riêng “anh” Acura “chạy loăng quăng” lo mảng truyền thông, truyền hình.

Cửa khẩu Bờ Y, ngày 31/12/2010

So với thời chủ tịch CLB “dò đường”, khu vực hải quan phía bạn đã được xây dựng mới, khang trang, cán bộ hải quan đã làm việc với máy vi tính nhưng vẫn “tinh vi” kiểu.. Lào, nghĩa là gõ chữ rất chậm và thỉnh thoảng lại có kẻ “chen ngang”.

Nhưng thủ tục có “hành” tới đâu cũng không ngăn cản được đoàn xe lăn bánh. Cột mốc số 0 tại biên giới Việt – Lào trở thành “đạo cụ” đặc biệt cho các người mẫu tạo dáng đủ kiểu.

Trên đường tới Attapeu, ngày 31/12/2010

Con đường 13 như dải lụa uốn lượn băng qua rừng đại ngàn – quả là đường test tuyệt vời cho các tay lái thả sức đua với tốc độ trên dưới 100km. Tuy nhiên, đường đèo dốc với nhiều cua ngoặt cũng là một thử thách không hề nhỏ. Đây chính là lúc những chiếc xe Mercedes hiện đại trang bị hệ thống cân bằng phanh điện tử ESP phát huy thế mạnh của công nghệ an toàn mới.

ESP – hệ thống tự động cân bằng, hiểu một cách ngắn gọn thế này: nó gồm các cụm kiểm soát điện tử kiểm soát liên tục tốc độ quay của bánh xe, tỷ lệ lệch ngang hướng xe chạy, đo góc lái chủ động trên vô lăng, vị trí xe so với đường đi,… nếu phát hiện tình huống bất thường như gặp đường trơn trượt, nhiều sỏi đá hoặc vòng cua gắt trong thao tác bẻ lái một góc quá lớn và đột ngột của người lái, ESP lập tức can thiệp đưa xe về vùng an toàn bằng cách tác động vào phanh hoặc giảm cường độ hoạt động của động cơ. Tóm lại, ESP có tác dụng hạn chế việc xe bị trượt, văng, giúp người lái kiểm soát được những tình huống nguy hiểm. Cùng với hệ thống chống bó cứng phanh ABS, ESP góp phần đáng kể nâng cao tính năng an toàn chủ động cho xe hơi.


Các thống kê cho thấy loại tai nạn nghiêm trọng do xe bị trượt trên đường chiếm 20% tổng số sự cố, tỷ lệ tử vong lên đến 43%, trong đó trên 2/3 số vụ là xe văng khỏi mặt đường. Hệ thống ESP đã làm giảm 12% nguy cơ lật xe, hạ mức độ nghiêm trọng của tai nạn từ 15% xuống còn 5% (theo VnExpress). Những chiếc Mercedes GLK được dịp phô diễn khả năng hoạt động tuyệt vời của hệ thống ESP mà bình thường khi đi trong thành phố người lái chưa cảm nhận được hết. Hai người bạn đồng hành ở băng ghế sau, Thu Hằng và Phú Đức cũng đều cảm thấy khỏe khoắn và phấn khích trong suốt quãng đường quanh co đèo dốc.

Paksé, đêm 31/12/2010

Tới nơi, cả đoàn nhanh chóng sắp xếp chỗ nghỉ ngơi và chuẩn bị cho bữa tiệc tối. Bữa tối được dọn ngay trong nhà hàng của khách sạn Champa Xaise, nằm bên bờ của nhánh sông Mê Kông và ông chủ ở đây lại là Việt kiều. Buổi gặp gỡ với các thành viên Hội Việt kiều tỉnh Champasak diễn ra ấm cúng, thân mật trong không khí thiêng liêng của giờ phút chuẩn bị bước sang năm mới 2011.

Đêm đó, Paksé, thủ phủ tỉnh Champasak náo nhiệt khác thường, tại sân vận động đã diễn ra cuộc thi Hoa hậu Lào toàn quốc, có truyền hình trực tiếp và có bắn pháo hoa hẳn hoi. Nhưng điều đặc biệt là Miss Lào không có màn thi áo tắm – anh bạn người Lào nói tiếng Việt rất sõi: “Không thi áo tắm giống hoa hậu Việt Nam đâu, con gái Lào kín đáo”, rồi cười hì hì.

Đường tới Wat Phou, ngày 1/1/2011

Tọa lạc dưới chân núi Phou Kao, tỉnh Champasak, cách sông Mê Kông 6km là Wat Phou, khu di tích nổi tiếng nhất ở Nam Lào, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2001. Để tới Wat Phou, chúng tôi phải vượt sông bằng phà, một chuyến phà với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. 11 chiếc xe phải chia thành 3 chuyến, bởi phà ở Lào rất nhỏ, mỗi chuyến chỉ chở được 5-6 xe. Đường xuống phà vẫn còn rất sơ sài, nhưng các anh nhân viên thì rất nhiệt tình. Khách bộ hành qua phà được miễn phí, nhưng xe qua phà thì phải tốn kha khá (40.000 kíp, tương đương gần 120.000 đồng).

Hành hương nơi vùng đất thiêng, ngày 1/1/2011

Tương tự Angkor Wat ở Campuchia, Buriam ở Thái Lan hay Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam, Việt Nam, Wat Phou vốn là quần thể đền thờ Khmer, được xây dựng vào loại sớm nhất trong khu vực. Quần thể này có một ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 tuy nhiên đã bị phá hủy gần hết, các cấu trúc còn sót lại thì có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, nghĩa là sớm hơn Angkor Wat. Ngôi đền có kết cấu độc đáo dẫn đến một điện thờ, nơi có một linga tắm trong nước từ một dòng suối trên núi chảy xuống. Tuy nhỏ hơn nhiều so với Angkor Wat hay Mỹ Sơn nhưng Wat Phou có một vẻ đẹp lặng lẽ và hoang sơ. Sự vắng vẻ nơi đây cũng mang tới cho khách hành hương một tâm trạng thanh tịnh, bình yên quý hiếm.

Đi chợ Đào Hương, sáng 2/1/2011

Ngôi chợ lớn nhất Paksé, do nữ chủ nhân người Việt, chị Lượng, tức Đào Hương, xây dựng. Người phụ nữ này cũng là nữ doanh nhân thành đạt nổi tiếng ở Lào, chủ nhân của khu nhà rộng lớn như một khách sạn 5 sao ở trung tâm Paksé hướng mặt ra bờ sông Mê Kông. Mặt hàng nhiều nhất ở chợ Lào là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, từ rau củ quả, trái cây đến thịt bò. Và “chiến lợi phẩm” được chị em thu lượm nhiều nhất để làm “mồi nhậu” trong dịp Tết Nguyên đán là thịt bò và thịt nai sấy kiểu Lào.

Tắm thác Khôn hùng vĩ, chiều 2/1/2011

Mê Kông chảy Cây lao đá đổ Ngẫm nghĩ voi đi
Thác Khôn cười trắng xóa


Những câu thơ của Nguyên Hồng trong bài “Cửu Long Giang ta ơi” từng chỉ đọc trên giấy, giờ là đây. Thác Khôn (Khon Phapheng), nói đúng hơn là một quần thể thác lớn nhất Đông Nam Á – tứ bề đều thấy thác. Chúng tôi đã có một buổi tắm thác đã đời, ngâm mình trong dòng nước Mê Kông cuộn chảy. Mở ngoặc nói thêm rằng có rất nhiều tình yêu đã thăng hoa ở chốn hoang sơ hùng vĩ này!

Buôn Mê Thuột, ngày 3/1/2011

Hành trình đã gần tới ngày chia tay. Chặng về vượt mức kế hoạch, từ Paksé cả đoàn về thẳng Buôn Mê Thuột, quãng
đường với độ dài hơn 700km! Trước đó, không ai tin được mình có thể lái xe cả một quãng đường xa thế chỉ trong một ngày. Về tới Buôn Mê Thuột, đồng hồ mới chỉ 19 giờ, vẫn đủ thời gian massage và thưởng thức món đặc sản nem cuốn của vùng cao nguyên này.

Sài Gòn, sáng 4/1/2011

Về Sài Gòn, check email, tôi nhận được những dòng thân thương này:

Dear Thủy và Vân Anh


Chuyến đi này, theo đồng hồ xe, mình đã đi được một chặng đường 2.400 km đó. Chị cầm lái 800km, anh Thắng đảm nhận phần còn lại. Chị mới có bằng lái tháng 4/2010 thế mà dám cả gan “đánh đu” với các tay lái điêu luyện… hì hì. Nghĩ lại vui thật.


Hôm ở chợ, chị gặp chú Lạc, Việt kiều Lào, chú bảo đi Vientiane từ Paksé bằng xe buýt giá 150.000 kíp/người (20h chạy, 6h sáng hôm sau đến nơi) và đi từ Tp.HCM bằng xe buýt vào các ngày thứ 3 và thứ 6 qua Campuchia đến Paksé chỉ trong ngày (4h sáng đi – 15h đến Paksé), giá vé 210.000 kíp (có bao bữa trưa). Chị có “contact” rồi. Tết Âm lịch, bác nào được phép trốn ra khỏi nhà thì chúng ta lại đi bụi nhé. Hôm trước là đi bụi cao cấp, lần này là đi bụi bình dân. Đến Paksé lần này, chị sẽ mang quà sang cho 2 bạn Phượng và Tuấn. Họ tốt quá em ạ.


(À quên, lúc nào rảnh cho chị danh sách đoàn và “contact” của mọi người để vừa làm kỷ niệm và khi nhớ nhau thì điện thoại nhé.)
Chào em nhé
Chị Trâm

Thư của chị làm tôi bồi hồi nhớ lại hành trình 6 ngày vừa đi qua. Vừa mới qua mà đã nhớ, đã cồn cào, “Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (“Nhớ”, Phạm Tiến Duật). Và tôi chắc rằng cả 48 thành viên trong chuyến đi này cũng đều có những nỗi nhớ của riêng mình – một hành trang tuyệt vời cho những chuyến đi ở phía trước.

Bài: Thủy Phạm
Ảnh: Thế Hưng – Minh Hạ

Thực hiện: depweb

19/02/2011, 11:08