Tết là mùa đoàn tụ của gia đình - Tạp chí Đẹp

Tết là mùa đoàn tụ của gia đình

Sống

Có lẽ đây là lần đầu tiên, một sư cô Làng Mai (Pháp – nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh và các tăng chúng tu tập) chấp thuận để tôi làm cuộc phỏng vấn trên Đẹp. Sư cô tên thật là Trần Hoàng Kim Yến, sinh năm 1983, pháp danh Tâm Phật Chủng, pháp tự là Chân Kính Nghiêm (sự tôn kính chân thật), và nickname là chankinh. Sư cô nói chuyện rất hòa đồng và gần gũi, chúng tôi thường gọi nhau là chankinh và codet.

Xin chào chankinh, chankinh có thể cho biết đôi chút về bản thân được không?

Chankinh sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, bố mẹ là người Việt. Nhà có 4 chị em gái, chankinh là áp út. Xuất gia năm 14 tuổi (1997), hiện tại chankinh đang ở Pháp tu tập tại làng Mai với sư ông Thích Nhất Hạnh.

Xin hỏi, điều gì đã dẫn duyên chankinh trở thành một sư cô?

Chỉ có một lý do đơn giản là chankinh muốn giúp những người bạn gặp khó khăn trong đời. Chankinh cảm thấy mình may mắn khi có cơ hội tiếp xúc với sư ông khi 14 tuổi, và được sư ông hướng dẫn trong khóa tu Gia đình Phật tử. Chankinh thấy mình may mắn mà muốn giúp cho những người bạn thân thấy còn đường thoát ra khỏi những khổ đau của thân và tâm.

Chankinh đã trở về Việt Nam vào những dịp nào, và thời gian bao lâu?

Vì chankinh sinh ra ở nước ngoài, nên hầu như ký ức ban đầu về Việt Nam chỉ qua lời kể của ba mẹ. Chankinh đã có dịp về Việt Nam ba lần rồi, gần đây nhất là năm 2007, và được ăn Tết Việt năm 2005, đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được.

Ấn tượng của lần đầu tiên về Việt Nam, có rất nhiều thứ chankinh thấy thật lạ, trước đó, một số chị em dặn là về coi chừng bị “lạ” văn hóa. Nhưng chankinh không thấy mình xa lạ mà ngược lại, vẫn có thể hòa mình với mọi người một cách dễ dàng.

Những năm về sau, chankinh rất thích, và mong được về Việt Nam, bởi mỗi lần về là được học thêm, biết thêm những điều mới mẻ của quê hương mình, của nhà mình.

 
 

Được ăn Tết duy nhất một lần ở Việt Nam, vậy ấn tượng về Tết Việt của chankinh như thế nào?

Phải thành thật nói rằng, Tết đối với những người trẻ tuổi ở nước ngoài không có gì quá đặc biệt, chỉ là một ngày được lì xì của gia đình. Thậm chí, có nhà coi Tết chỉ là một ngày bình thường, và Tết, có chăng là truyền thống, chứ không mang ý nghĩa sâu xa.

Hồi nhỏ, chankinh cũng chỉ coi Tết như vậy thôi. Nhưng, khi đi tu, chankinh mới thấy không khí tết có ý nghĩa nhiều hơn. Tết, là thời gian để đoàn tụ gia đình, Tết, là những giây phút hạnh phúc có nhau, và dường như có sự hiện hữu vô hình của tổ tiên ông bà. Ở Việt Nam, chankinh còn có ông nội, cậu mợ, và dì.

Tuy chankinh sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nhưng ít nhất chankinh cũng biết Tết là mùa đoàn tụ gia đình, chankinh về thắp nhang cho ông bà tổ tiên cũng như về nhà tổ phụ của mình, lúc đó, thấy trong lòng mình trào dâng cảm xúc rất thiêng liêng.

Còn Tết ở làng Mai thì sao? Có gì đặc biệt?

Ý nghĩa Tết bây giờ khác với ý nghĩa Tết của chankinh khi xưa. Hồi còn nhỏ, chankinh không hiểu ý nghĩa bánh chưng ngày Tết, cho dù có đọc sách, cũng chỉ hiểu sơ sơ. Nhưng khi về làng Mai, chankinh đã tự tay gói được bánh chưng, bánh tét, thức khuya cùng các bạn đồng môn đốt củi nấu bánh.

Không khí Tết nhờ thế mà tràn ngập nơi đây. Tất cả lo chuẩn bị Tết như làm các món ăn ngon, dọn dẹp phòng, trang trí chùa cho thật đẹp, đó là một không khí tràn đầy sự hoan hỷ, ấm áp, không gì sánh được. Cả chùa đều thật vui.

Phút giao thừa đối với người Việt Nam rất thiêng liêng, còn ở làng Mai, các nhà tu hành đón giao thừa ở đâu và như thế nào?

 

 Nghe giảng pháp

Ở làng Mai, sư ông và đại chúng có tổ chức đón giao thừa, và đón cùng giờ với Việt Nam. Lúc đó, khoảng chừng 6 giờ chiều ở Pháp, tiếng chuông Bát Nhã được thỉnh lên, vang khắp làng Mai. Khi tiếng chuông trống Bát Nhã đã được thỉnh xong, sư ông và đại chúng khai kinh.

Sau đó, mọi người thắp một cây nhang đứng trước bàn thờ tổ tiên đọc lời khấn nguyện đầu năm. Lễ diễn ra rất đơn giản chứ không cầu kỳ. Sau buổi lễ, mọi người lấy thức ăn vào trong thiền đường ăn chung với nhau.

Dường như sư ông Thích Nhất Hạnh rất hòa nhập với đại chúng…

Vâng, sư ông cũng ngồi trong vòng tròn ăn chung với đại chúng xuất gia và cư sĩ. Mùng 1 Tết có chúc Tết thầy và được bói Kiều rất vui. Ở Việt Nam, những ngày Tết là đi thăm gia đình, ở đây thì đa số gia đình ở xa nên đại chúng được thăm gia đình tâm linh. Tức là những ngày Tết là mở cửa phòng cho mọi người vào thăm. Những người xuất gia cũng như những người tại gia cũng được đi thăm phòng nhau. Không khí Tết thật vui.

Đúng là không khí Tết tràn ngập làng Mai, ngoài ra, Tết còn có gì vui nữa, thưa chankinh?

Vào những ngày Tết sau khi mọi người thăm phòng mình rồi thì cũng có truyền thống là không được quét dọn mà phải để như thế cho đến hết mồng 4… nhưng quý thầy quý sư cô “ăn gian” một chút là đợi đến hết bốn ngày Tết chơi “chung hôi”. Vì không chịu nổi khi phòng mình quá dơ, phòng nào được đại chúng “thương” luôn luôn là phòng bẩn nhất.

Thỉnh thoảng có mấy sư chú nghịch thì lại lấy đồng hồ báo thức và chỉnh lại giờ khác cho người chủ phải bị thức giấc nửa đêm… nhưng không ai giận ai vì biết đây là những ngày Tết. Ai ai cũng hoan hỷ lắm.

Chankinh mới được ăn Tết một lần ở Việt Nam, nên rất mong muốn được nếm vị Tết cổ truyền của các vùng miền đất nước. Nhân dịp này, cho chankinh được gửi lời chúc các độc giả và gia đình một năm mới an khang, thân tâm an lạc!

 Codet
Ảnh: Web Làng Mai; QB

 

 

 

Thực hiện: depweb

22/01/2008, 11:01