Có nhiều yếu tố để tạo nên một bộ phim được dư luận chú ý, hoặc một bộ phim thành công về doanh thu… Tên phim là một trong nhiều yếu tố đó – nếu không muốn nói là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất. Đặt tên phim thể hiện cho sự nhạy bén về kinh tế, sự khôn ngoan trong kinh doanh, sự tinh tế về tâm lý và là sự đẳng cấp về văn hoá!
“Việt hóa” tên phim “Vũ điệu trong bóng mờ”
Trước 1975: Những “phát kiến để đời”
Trên thế giới, một bộ phim nhập khẩu từ nước khác hầu hết đều phải được đặt lại tên cho phù hợp với ngôn ngữ và văn hoá của thị trường nội địa. Tiếng Việt rất phong phú về ngôn từ, do đó việc đặt lại tên cho phim nhập khẩu từ xưa đến nay là một chuỗi những câu chuyện thú vị và nhiều màu sắc, từ những tên phim sang trọng trí tuệ cho đến những tên phim “trời ơi đất hỡi”!
Có hai cách đặt tên cho phim nhập khẩu thường được sử dụng: Dễ nhất là dịch sát nghĩa của tên gốc, thứ hai là đặt tên theo nội dung phim. Cách thứ 2 phổ biến hơn vì dễ tiếp thị quảng bá và có tác dụng trực tiếp gợi mở nội dung đến với khán giả. Đặc biệt cách này rất phù hợp với những tựa gốc khó dịch, hoặc từ ngữ nhạy cảm với văn hoá bản xứ.
Trước 1975, phim nhập khẩu chiếm lĩnh toàn diện thị trường chiếu bóng miền Nam. Có 3 loại phim chủ yếu được nhập về lần lượt là: Phim Mỹ, phim Hồng Kông và phim Pháp.
Phim Hồng Kông về Việt Nam (95% là phim võ hiệp) thường được đặt theo tựa gốc đã phiên âm Hán Việt nên nghe rất xuôi tai, có vần điệu, hấp dẫn và dễ nhớ (Chăíng hạn: “Song hiệp”, “Thập Tam Thái Bảo”, “Thích Mã”, “Độc thủ đại hiệp”, “Hải Âu phi xứ”, “Giang hồ kỳ hiệp”, “Độc hành đại bảo tiêu”, “Đường Sơn Đại Huynh”, “Mãnh Long quá giang”…).
Phim Mỹ lúc ấy chủ yếu được mua nối bản từ Pháp (đã lồng tiếng Pháp) – mà Pháp có truyền thống đặt tựa phim nước ngoài theo nội dung, nên những bộ phim Mỹ chiếu tại Sài Gòn trước đây thường được đặt theo tên đã được “Tây hoá”, điển hình như: Phim “Waterloo Bridge” (Robert Taylor – Vivien Leigh) trở thành “Vũ điệu trong bóng mờ”, “The Sound of Music” (Julie Andrews – Christopher Plummer) là “Giai điệu hạnh phúc”, “Three Coins in the Fountain” (Clifton Webb – Dorothy McGuire) là “Suối tình”, “Tea and Sympathy” (Deborah Kerr – John Kerr) là “Ái tình trong chén trà”…
Phần lớn phim nước ngoài dựa theo các tác phẩm văn học hoặc các vở kịch nổi tiếng thì thường được lấy theo tên gốc để dễ bán vé. Ở đây phải nói đến vai trò đầu tiên vô cùng quan trọng của các dịch giả văn học. Lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận đã có nhiều tác phẩm nước ngoài dịch tựa sang tiếng Việt hay “thần sầu quỷ khốc”, và trong số đó phải “ngả mũ bái phục” 3 cái tựa Việt sau:
“For Whom the Bells Toll” của Ernest Hemingway có tựa Việt “Chuông nguyện hồn ai”, “Gone With the Wind” của Margaret Mitchell có cái tên Việt không thể nào dịch hay hơn là “Cuốn theo chiều gió”, và “The Godfather” của Mario Puzo còn ngoạn mục hơn với cái tên Việt bất hủ, “Bố Già” – Cha đẻ của cái tựa này là dịch giả Ngọc Thứ Lang.
Trong tiếng Anh, Godfather có nghĩa là Cha đỡ đầu, nhưng dịch giả Ngọc Thứ Lang lại thay nghĩa đó bằng hai chữ “Bố Già” để khái quát toàn bộ nội dung của cuốn sách (Hai chữ này được sử dụng hay đến mức, xã hội đã dùng nó để gọi tên những ông Trùm cộm cán của giới giang hồ sau này). Lẽ tất nhiên khi những bộ phim này nhập về Việt Nam, tên phim nghiễm nhiên được sử dụng từ những chuyển ngữ trứ danh đó!
Trước 1975, có cả chục Hãng nhập phim về Việt Nam, hãng nào cũng có một bộ phận biên tập chuyên đặt tên phim. Họ rành 3 ngoại ngữ phổ biến: Anh, Pháp, Hoa và đặc biệt giỏi tiếng Việt! Nhiệm vụ của họ tối ngày chỉ ăn và nghĩ ra những từ ngữ độc đáo, những tên phim hay và hấp dẫn với khán giả.
Vì thế, những phim ngoại nhập thời đó được chuyển tên Việt ngữ thường có câu cú nghe rất văn chương, hấp dẫn và… ít đụng hàng, chẳng hạn như: “Trà thất dưới trăng thu” (The Teahouse of August Moon), “Buồn ơi, chào mi”! (Bonjour Tristesse), “Yểu điệu thục nữ” (My Fair Lady), “Sông lạc đường về” (River of No Return), “Tay súng khẩu cầm” (Once Upon A Time in the West), “Phía đông vườn địa đàng” (East of Eden)…
Sau 1975: “Quyền được sến”
Sau năm 1975, chiếm lĩnh màn ảnh Việt Nam trong suốt một thời gian dài là những phim thuộc khối XHCN (chủ yếu là Liên Xô cũ). Thời điểm này người dân có gì xem nấy, nên chuyện tên phim hay dở cũng chẳng có ai quan tâm. Tên phim thời này được dịch sát nghĩa từ tên gốc.
Ở đây xin đề cập đến một người, bác Châu Nhân Vũ – thường được gọi bằng cái tên thân mật là bác Ba Vũ – Có thể nói bác là một pho từ điển sống về những thăng trầm của điện ảnh Sài Gòn cũ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu bóng.
Bản thân bác Ba Vũ từng sở hữu một vài rạp chiếu bóng nhỏ ở Phú Nhuận. Sau 1975, bác hiến tặng các rạp này cho nhà nước và tham gia làm việc tại Công ty Phát hành phim và chiếu bóng Tp.HCM cho đến ngày nghỉ hưu.
Theo lời bác Ba Vũ kể lại, ngày xưa do rạp của bác là rạp nhỏ, ở xa khu trung tâm, nên phim về đến rạp thường là “nước chót” – sau khi đã được tận thu khai thác ở các rạp lớn. Để thu hút khách đa số là người lao động nghèo, chiêu mà các chủ rạp nhỏ thường dùng là đổi tựa phim cho phù hợp gu khán giả!
Dần dà bác Ba Vũ trở thành một chuyên gia đặt tên phim. Với kinh nghiệm đầy mình, sau này khi làm việc ở công ty nhà nước, bác Ba Vũ thường được cậy xử lý các “ca khó”. Với những tên gốc khô khan hoặc khó dịch cho xuôi tai, bác luôn tìm mọi cách làm cho những tên phim đó trở nên mềm mại, dễ nghe và gây chú ý.
“Fatal Attraction” (Michael Douglas – Glenn Close) – tạm dịch “Sự cám dỗ chết người” nghe cũng ổn – nhưng bác đã biến thành “Chớ đùa với ái tình”, nghe sốc hơn! “Once Upon a Time in America” (Robert De Niro) – thường được dịch là “Ngày xưa ở nước My”ä – đã trở thành “Nước Mỹ một thời như thế”.
Phim “Bus Stop” (Marylin Monroe) không lẽ dịch tên phim là “Trạm xe buýt”? Bác đã đổi thành “Xe tình đỗ bến”, hơi “sến” nhưng nghe là muốn xem thử! Tựa gốc “Nine Month” (Sandra Bullock – Hugh Grant) nghe quá khô khan đã trở thành “9 tháng trước hôn nhân”. Ngoạn mục nhất là “The Good The Bad & The Ugly” (Clint Eastwood) chuyển thành “Thiện Ác Tà”!…
… Và bây giờ: Đĩa lậu – “Sai một ly đi ngàn dặm”!
Trước tiên phải nhắc đến đội ngũ sản xuất đĩa lậu. Do vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, những kẻ làm đĩa lậu đã mặc sức “bịa” tên phim thoải mái vô tội vạ, miễn sao tạo chú ý cho người mua. Tên phim một đằng chuyện phim một nẻo, như thể “treo đầu dê bán thịt chó” là điều mà người mua gặp phải như cơm bữa.
Dân làm đĩa lậu thường rất quan tâm đến những thông tin phim mới được đăng tải trên báo chí, rồi từ đó chọn ra những tên phim mà báo chí dịch để đặt tên cho sản phẩm lậu. Tuy nhiên, thi thoảng, tự họ cũng nảy ra những “phát kiến” khá thông minh như: “The Eye” thành “Con mắt âm dương”, “Sex is Zero” thành “Tình dục là chuyện nhỏ”!
Gần 10 năm trở lại đây, phim nước ngoài đã được các hãng nhập về rộng rãi. Nhưng có cảm tưởng, các hãng nhập phim hình như không chú trọng lắm về vấn đề đặt tên Việt ngữ cho phim. Đó là chưa kể rất nhiều hãng đã bỏ qua cơ hội ăn theo nhiều tên phim đã được giới báo chí nhắc đến thường xuyên.
Đơn cử trường hợp của bộ phim đoạt giải Oscar Gladiator, báo chí đã dịch tên gốc sát nghĩa là “Võ sĩ giác đấu” hàng mấy tháng trời, đến khi phim nhập về Việt Nam, bỗng dưng “thòi” ra cái tên lạ hoắc: “Người hùng thành Rôm”. Kết quả khán giả chẳng hề biết đó là bộ phim rất hấp dẫn vừa đoạt giải Oscar!
Tương tự là trường hợp của “Infernal Affair”, trước đó đã được báo chí đưa tin với cái tên Việt rất quen thuộc: “Vô gian đạo”. Khi phim về Việt Nam, tự nhiên xuất hiện cái tên “Điệp vụ nội gián”. Tên này không dở, nhưng điều này chứng tỏ sự ù lì kém thích ứng của các nhà nhập phim, bởi họ đổi tên mà không biết đã làm mất đi một lượng fan lớn đang đón chờ xem “Vô gian đạo”. Đến khi khán giả biết ra sự thật thì phim đã dẹp!
Sau đó hãng này nhập về bộ phim “Confession of Pain”, báo chí dịch tên Việt là “Thương thành”. Nhưng khi phát hành, hãng đã “cả gan” đặt tên phim là… “Vô gian đạo 5”, trong khi nội dung chẳng dây mơ rễ má gì với “Vô gian đạo” gốc cả! – Thật ra kiểu đặt tên ăn theo rẻ tiền này, chỉ có giới đĩa lậu mới hay thường sử dụng.
Hay là hãng nhập phim thấy phim “Thương thành” cũng có diễn viên Lương Triều Vỹ và đạo diễn cũng là đạo diễn của “Vô gian đạo”! (Đó là chưa kể làm gì có “Vô gian đạo 4”, mà tự dưng xuất hiện “Vô gian đạo 5”!?).
Cũng liên quan đến việc các hãng phim không biết chớp thời cơ mà giới truyền thông đã tạo ra. Năm 2004, khán giả Việt Nam xôn xao với thông tin “Thập diện mai phục” – bộ phim võ thuật thứ 2 của đạo diễn Trương Nghệ Mưu sẽ được chiếu ở Việt Nam.
Suốt mấy tháng liền báo chí liên tiếp “đóng dấu” trong đầu khán giả tên phim “Thập diện mai phục”, thì đùng một cái bộ phim ra rạp tự nhiên mang cái tên lạ hoắc: “Giữa muôn trùng vây”! Lý do được đưa ra: tên “Thập diện mai phục” có nhiều từ Hán Việt quá! Trời đất, vậy xin hỏi tên “Giữa muôn trùng vây” có khác gì không, có phải là từ thuần Việt 100% không?!
Trước đó không lâu (tháng 12/2003) hãng này cũng làm một việc “không giống ai” khi nhập bộ phim “Hero” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và đặt tên là… “Người hùng”! Trong khi cả thế giới đều biết tựa phim này – dù ở bất cứ ngôn ngữ nào – đều có tên chuẩn dịch ra là “Anh hùng” (xin nhớ “Người hùng” và “Anh hùng” là 2 nghĩa hoàn toàn khác nhau!).
Đến khi dự buổi chiếu ra mắt mới vỡ lẽ, thì ra lý do hãng phim này phải đổi tên là do phụ thuộc vào nhà tài trợ quảng cáo! Lúc ấy bia Tiger đang lấy hình ảnh “Người hùng” (uống bia!?) cho chiến dịch quảng cáo của họ. Và để đổi lại quyền lợi tài trợ phát hành phim “Anh hùng”, hãng phim phải đổi tựa phim thành “Người hùng” cho phù hợp với tiêu chí của sản phẩm! Bó tay!
Điều tai hại là kể từ đó, báo chí Việt Nam mỗi khi nhắc đến phim “Anh hùng” của Trương Nghệ Mưu, hầu hết đều nhắm mắt ghi là “Người hùng”. Thực chất người ta đã thay tên phim của ông một cách thô bạo mà không cần quan tâm đến tựa phim đã đổi mang ý nghĩa gì!
Tên phim trong nước “Chết vì thiếu hiểu biết… khán giả”!
Phim tư nhân: Không quá 4 chữ!
Thị trường phim tư nhân 99,9% nằm ở miền Nam nên dễ hiểu việc đặt tên phim là vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định trong quy trình sản xuất phim.
Giai đoạn phim “mì ăn liền” thập niên 1990 là một bằng chứng sôi động, với vô số những bộ phim video được sản xuất với tốc độ tên lửa, và lợi nhuận thu được là không thể tính nổi. Góp phần không nhỏ cho kỷ nguyên phim “mì ăn liền”, không thể thiếu được những tên phim đẫm mùi câu khách.
Nghe qua một vài tựa có thể… “nổi gai ốc”: “Sau những giấc mơ hồng”, “Trái tim lỡ hẹn”, “Tỷ phú không tiền”, “Nước mắt học trò”, “Sơn thần thủy quái”, “Oan… oan tình”, “Ngã ba lòng”, “Tiếng khóc dậy thì”, “Linh hồn hành quyết”, “Em không dối lừa”…
“Quá sến!”, nhiều người đã từng dè bỉu như vậy, nhưng họ không phải là số đông người mua vé, nên lý lẽ đều thuộc về nhà sản xuất. Tựa phim kiểu gì, khán giả kiểu ấy, không thể khác được. Điều quan trọng cuối cùng là kết quả doanh thu.
Chỉ thị trường phim tư nhân sôi động thời ấy mới có những đắn đo tranh cãi tựa phim phải nên 3 chữ, 4 chữ hay 5 chữ! Nếu ai tinh ý sẽ thấy, đa số tựa phim thời “mì ăn liền” thường có 4 chữ theo quan niệm… Tứ quý! Đó là chưa kể, nhiều chủ phim tránh tuyệt đối những từ ngữ liên tưởng đến việc chết chóc, xui rủi đại loại như: cuối cùng, lặng lẽ, tàn héo, âm thầm, cái chết, số phận…
Chuyện hy hữu cách đây vài năm, 2 hãng Phước Sang và Thiên Ngân còn suýt tranh chấp nhau một cái tựa phim (Võ lâm truyền kỳ). Hiện giờ, điện ảnh Việt Nam chỉ tồn tại một mùa phim Tết, nên các chủ phim tư nhân rất chú trọng trong việc đặt tên phim sao cho hấp dẫn, gợi tò mò, thậm chí gây sốc. Bởi ai cũng xác định, một cái tên phim hay và phù hợp có thể quyết định số phận của cả một hãng phim!
Phim nhà nước: Những tên phim 6 chữ!
Đã có người đặt câu đố vui: Cho biết một sự khác biệt giữa phim nhà nước và phim tư nhân trong vòng 5 chữ? Trả lời: Chỉ cần 2 chữ thôi – Tên phim!
Quả thật, nếu thử đưa ra một mớ tên phim lẫn lộn với nhau, những fan điện ảnh sẽ dễ dàng nhặt ra, tên phim nào là của tư nhân, tên phim nào là của nhà nước! Phim nhà nước ngay từ cái tên phim đã thấy một đặc điểm rất dễ nhận ra đó là… không đếm xỉa gì đến khán giả! Chỉ cần tính từ 5 năm trở lại thôi, đã có một tên phim nào của Hãng phim nhà nước được khán giả nhớ đến!
“Tiếng cồng định mệnh”, “Cầu ông Tượng”, “Hàng xóm”, “Hải Quỳ”, “Đi trong giấc ngủ”, “Sống trong sợ hãi”, “Có một chuyến đi”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Đường thư”, “Sinh mệnh”, “Khi nắng thu về”… Một loạt tên phim mà mới nghe qua đã… “oải”, huống hồ phải móc tiền mua vé vào xem! Chắc có lẽ vì thế mà 2/3 trong số những tựa phim kể trên vẫn còn đang nằm trong kho!
Rồi có ai đó sẽ trả lời, bộ phim “Gái nhảy” của Hãng phim Giải Phóng cũng là phim nhà nước! Nhưng xin thưa, kịch bản gốc của bộ phim này có tên là “Trường hợp của Hạnh”. Mãi đến khi phát hành, phó giám đốc Thái Hoà và đạo diễn Lê Hoàng quyết định đổi tên thành “Gái nhảy”, thì số phận của bộ phim sau đó mới được bốc lên 9 tầng mây! Dám cược 1 ăn 1 tỷ, nếu bộ phim này vẫn giữ nguyên tên cũ “Trường hợp của Hạnh” mà trụ được ở rạp quá 3 ngày!
Từ trường hợp của “Gái nhảy”, bỗng nhớ tới một bộ phim ban đầu có cái tên khá xinê là “Người hàng binh”, nhưng khi phim ra đời lại đổi thành “Ký ức Điện Biên” – một cái tên “thấm đẫm” chất… tài liệu! Có người lý giải (đại ý) rằng: “Có gì đâu khó hiểu, phim làm để kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, thì tên phim bắt buộc phải “nhét” 2 chữ Điện Biên vào để dễ làm… quyết toán kinh phí đặt hàng với nhà nước!”.
Điều đáng sợ ở đây là, tất cả những tựa phim kể trên đều thuộc các hãng phim ở phía Bắc. Những tựa phim ít nhiều cho thấy sự thiếu trách nhiệm với kinh phí của nhân dân, thờ ơ với nhu cầu của khán giả…
Không ít bận, các Hãng phim nhà nước đã làm khán giả mất lòng tin, dẫn đến phim thương mại ở phía Bắc nhiều năm nay trở thành một vùng trắng, là sân chơi độc quyền của điện ảnh phía Nam! Điều này lý giải vì sao, dù có bề dầy thành tích, có chiều sâu về văn hoá, nhưng điện ảnh phía Bắc vẫn không thể tham gia vào thị trường phim giải trí!
Cách đây vài năm, phía Bắc cũng có làm 2 phim để tham gia thị trường Tết và đều “chết”, bắt nguồn từ cái tên: “Tết này ai đến xông nhà”, “Em muốn làm người nổi tiếng”. “Chết là phải, tựa phim 6 chữ dài ngoằng thế ai mà nhớ!”, một nhà sản xuất kỳ cựu ở phía Nam đã nhận xét như vậy.
Cũng thuộc hàng 6 chữ là “Chiến dịch trái tim bên phải” – một bộ phim về tuổi teen khá dễ thương của đạo diễn Đào Duy Phúc, cũng “chết thảm” vì cái tên. Thật ra chẳng ai hiểu tại sao một bộ phim dành cho tuổi teen, mà tên phim bỗng dưng “thò vào” 2 chữ “Chiến dịch”… sặc mùi bao cấp như vậy!
Liền sau đó, như để nối dài sự đen đủi từ phim “Chiến dịch”… đạo diễn Đào Duy Phúc đã tiếp tục “tiễn” bộ phim Tết “2 trong 1” của hãng Thiên Ngân… “lên núi”! Kể từ đó đến nay, không một hãng tư nhân nào ở Sài Gòn “dám” có ý định mời các đạo diễn phía Bắc làm phim thương mại nữa!
Mất lòng tin với khán giả là mất mát lớn nhất! Ảnh hưởng nhãn tiền đã diễn ra mới đây với “Vũ điệu tử thần” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và “Rừng đen” (đạo diễn Vương Đức) là 2 phim có tên gọi khá thị trường, nội dung phim cũng không hề kém cỏi, vậy mà khán giả cả 2 miền Nam – Bắc vẫn cứ quay lưng!
Rồi sắp tới đây, sẽ là một loạt phim “đình đám” sắp ra mắt khán giả như: “Chơi vơi”, “Đừng đốt trong đó đã có lửa”, “Mùi cỏ cháy”, “Trung úy” những cái tên phim không hề để lại chút ấn tượng ban đầu nào với khán giả, sẽ có số phận ra sao? Hay lại tiếp tục là một cú nốc-ao, không biết bao giờ mới gượng dậy nổi dành cho điện ảnh phía Bắc?