Mười sáu năm hoạt động nghệ thuật, âm nhạc của Taylor Swift vẫn đang không ngừng khiến mọi người mê mẩn. Vì đâu mà những bài hát của cô lại có thể “bỏ bùa” người nghe đến vậy?
Kết thúc năm 2022, Taylor Swift được Spotify ghi nhận là nghệ sĩ có lượng stream lớn thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau nam nghệ sĩ Latin Bad Bunny. Ở năm thứ 16 sự nghiệp, với những thành tích “vô tiền khoáng hậu” của album phòng thu thứ 10, dường như sức hút trong âm nhạc của nữ ca sĩ tóc vàng chưa bao giờ thuyên giảm. Tháng 12 này, nàng “công chúa nhạc đồng quê” sẽ bước sang tuổi 33. Hãy cùng Đẹp đi tìm thứ “bùa mê” mà Taylor Swift đã “thả” vào âm nhạc của mình suốt những năm qua nhé!
Từ văn chương cho đến thi ca, từ hội họa cho đến phim ảnh, không có môn nghệ thuật nào là thiếu đi hình bóng của “tình yêu”. Âm nhạc cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Và với âm nhạc của Taylor Swift, “tình yêu” chắc chắn là một trong những chủ đề được đề cập đến nhiều nhất. Bản tình ca đẹp như cổ tích “Love Story” đã đem cái tên Taylor Swift phổ biến đến toàn thế giới, trở thành một trong ca khúc biểu tượng của âm nhạc Âu Mỹ thập kỷ 2000s. Hay “Back to December” – thánh ca tháng 12 về niềm hối tiếc của một mối tình đã qua từng khiến bao người thổn thức mỗi khi đông về,… Và còn vô số những tuyệt tác khác viết về tình yêu mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trong suốt sự nghiệp của Taylor Swift, nhiều đến mức mà đôi khi người ta vẫn “chê” cô là “chỉ biết viết nhạc về tình yêu”.
Nhưng thực tế đã chứng minh, những bản tình ca của Taylor Swift luôn sở hữu một sức hút bền bỉ bất chấp thời gian và sự khác biệt giữa các thế hệ. “Love Story”, “Enchanted”,… vẫn có thể “khuynh đảo” TikTok dù chúng đã ra đời từ hơn 10 năm trước. Bản ballad u sầu “All Too Well” dù dài đến 10 phút vẫn có thể giành được vị trí quán quân trên BXH Billboard Hot 100. “Tình yêu” chắc chắn là một trong những khía cạnh khiến âm nhạc của Taylor Swift phổ biến đến như vậy. Vì đó là chủ đề không bao giờ lỗi thời, chừng nào trái tim còn đập thì người ta còn yêu. Và quan trọng hơn, cùng là tình yêu nhưng với mỗi bài hát, cô lại khai thác nó ở một khía cạnh, một sắc thái riêng biệt. Tình yêu sai trái nhưng mãnh liệt trong “Ivy”, tình yêu trở thành bóng ma ám ảnh suốt cả cuộc đời trong “Would’ve, Could’ve, Should’ve”, hay tình yêu đem đến sự “chữa lành” trong “Begin Again”,… Mọi cung bậc cảm xúc của tình yêu, bạn đều có thể tìm thấy trong âm nhạc của Taylor Swift.
Đã từng có một thời gian, nhạc Pop bị mặc định là chỉ toàn ca từ sáo rỗng, thiếu chiều sâu. Thế rồi, từ địa hạt Đồng quê sang đến nhạc Pop, Taylor Swift đã đem theo thứ “vũ khí” sắc bén nhất của cô để tiếp tục chinh phục cả thế giới, đó chính là “ngôn từ”. Giai đoạn đầu sự nghiệp, Taylor sáng tác nhạc với những ca từ tương đối đơn giản, dễ hiểu. Nhưng kể từ album “Red”, khả năng làm chủ ngôn ngữ của cô đã trở nên điêu luyện hơn rất nhiều. “Miss Americana” bắt đầu sử dụng những từ ngữ đa nghĩa, mang nhiều hàm ý ẩn dụ. Với “folklore” và “evermore”, cô liên tục sử dụng những từ tiếng Anh cổ, mang nhiều chất liệu văn học và thần thoại vào trong bài hát của mình.
Lấy một câu hát trong phiên bản 10 phút của bài hát “All Too Well” làm ví dụ, cũng đủ cho thấy sự xuất chúng trong tư duy ngôn ngữ của Taylor Swift:
“And did the twin flame bruise paint you blue?”
“Twin flame” là ngọn lửa đôi, ẩn dụ cho mốt liên hệ khăng khít giữa hai con người, tựa như một linh hồn chia vào hai thân xác. Với cụm từ “Paint you blue” hàm ý về nỗi buồn, Taylor muốn hỏi rằng “ngọn lửa đôi” kia liệu có đang đau khổ như mình hay không? Tuy nhiên, lửa ở nhiệt độ cao nhất sẽ chuyển sang màu xanh tím (blue-violet), nên câu hát này cũng có thể hiểu theo nghĩa khác: “Anh có đau đớn như đang bị ngọn lửa cháy bỏng nhất thiêu đốt không?”. Ngoài ra “bruise” nghĩa là “vết bầm”, mà vết bầm thường có màu tím xanh, nên câu này còn được hiểu thành: “Nỗi đau ấy liệu có làm bầm tím trái tim anh không?”
Nét đặc sắc nổi bật khác trong ca từ của Taylor Swift, đó là cô luôn biết biến tấu những câu hát đơn giản theo cách hoa mỹ hơn. Nàng “Rắn chúa” không còn bày tỏ tình cảm bằng một câu “I love you” đơn thuần nữa. Ngôn ngữ để miêu tả tình yêu của cô phong phú và đặc sắc vô cùng.
Âm nhạc của Taylor Swift không chỉ cuốn hút người nghe nhờ ca từ đẹp đẽ, mà còn bởi những câu chuyện mà nó đem lại. Từ xưa đến nay, chúng ta luôn hứng thú với những “câu chuyện”. Vì vậy, kể chuyện là một hình thức truyền đạt thông tin dễ dàng đi sâu vào tiềm thức và cảm xúc của con người nhất. Với chủ nhân bản hit “Love Story”, kỹ thuật storytelling của cô đã đạt đến trình độ có thể “vẽ” ra trước mắt người nghe cả một thước phim có đầy đủ bối cảnh, tâm lý và xung đột. Đó là “Getaway Car” với câu chuyện về cặp đôi trộm cướp cùng nhau chạy trốn khỏi công lý, nhưng rồi cô gái nhận ra “không có kết cuộc tốt đẹp” cho những kẻ như họ. Đó là “nobody, no crime” và vụ án mạng bắt nguồn từ sự phản bội của người chồng. Hay chúng ta có câu chuyện đầy hoài niệm thanh xuân về “tam giác tình yêu” của Betty – James – August trong album “folklore”… Giữa một thị trường âm nhạc có phần bị bão hòa bởi những ca khúc ngắn, lyric đơn giản, giai điệu bắt tai để dễ thành xu hướng, thì những sáng tác với cốt truyện cuốn hút như một bộ phim lại trở thành điểm nhấn đặc biệt cho âm nhạc của Taylor Swift.
Và cuối cùng, những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim, cảm xúc chính là thứ “bùa mê” mạnh mẽ nhất khiến người ta không thể ngừng nghe nhạc của Taylor Swift. Đến với âm nhạc của “Người tình nước Mỹ”, là đến với thế giới của cảm xúc, của những cung bậc tình cảm đôi khi chính ta cũng không thể diễn giải được. Taylor hát về nỗi lòng của bản thân, mà tựa như đang nói lên tâm tư của hàng chục triệu con người khác. Bạn đang ngây ngất trong thứ tình yêu đẹp tựa một giấc mơ, bạn nhận ra mình chỉ là người thứ ba bất đắc dĩ trong mối quan hệ tình cảm, hay bạn đang ngổn ngang trước ngưỡng cửa cuộc đời,… Dù là ai và đang cảm thấy như thế nào, thì bạn luôn có thể tìm thấy bản thân mình trong những ca khúc của Taylor Swift. Khi ai đó nói rằng, họ nghe nhạc của Taylor mà lớn lên, thì đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện về âm nhạc, mà đó còn là sự đồng cảm sâu sắc về tâm hồn và cảm xúc.