Sự cạnh tranh của ngành công nghiệp âm nhạc luôn khốc liệt và không dành cho kẻ yếu. Thế nhưng, vẫn luôn có một Taylor Swift một mình một cõi, ít khi chịu lùi bước suốt 18 năm hành trình mang cá tính âm nhạc chinh phục thế giới, dẫu rằng bủa vây cô không chỉ có sự tung hê mà còn là sóng gió…
Một điểm sáng của Taylor Swift xuyên suốt 18 năm sáng tác và ca hát chính là nguồn cảm hứng bất tận trong trái tim luôn thổn thức với tình yêu và cuộc sống của cô. Không chỉ chinh phục người hâm mộ bằng giọng hát trời phú và khả năng trình lôi cuốn, vũ khí lợi hại nhất giúp Taylor làm liêu xiêu những trái tim yêu nhạc chính là khả năng sáng tác thượng thừa. “Lời ca sâu sắc, đầy cảm xúc và chân thật” hay “Cách dùng từ sáng tạo xứng đáng IELTS 13 chấm”… có lẽ là những nhận xét phổ biến nhất của người hâm mộ ưu ái dành cho sản phẩm âm nhạc của giọng ca sinh năm 1989.
Năm 2006, Taylor Swift chính thức bước chân vào showbiz với album nhạc đồng quê mang tên chính mình, “Taylor Swift”. Kết hợp những yếu tố của hai dòng nhạc Pop và Folk, “Taylor Swift” đã tạo nên nét độc đáo trong âm nhạc của cô gái 16 tuổi khi ấy và trở thành phong cách đặc trưng cho những album về sau của cô. Đồng thời, album đầu tay này cũng đưa cô gái trẻ lên vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng Billboard 200 và đã bán được hơn 2 triệu bản tại Mỹ. Đây là một màn debut không thể thành công hơn cho một nghệ sĩ mới cũng như mở ra cánh cửa cho sự nghiệp đầy hào quang rực rỡ của Taylor Swift sau này.
Thị trường âm nhạc quốc tế mang tính đào thải cao đòi hỏi các nghệ sĩ phải nhạy bén nắm bắt thị hiếu của khán giả để thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, quá trình này chưa bao giờ dễ dàng. Phần lớn các ngôi sao chỉ có thể tạo một vài bản hit để đời trong suốt sự nghiệp dài hàng thập kỷ của mình. Thậm chí, không ít cái tên đáng thương bị gán danh hiệu “One-hit wonder” để mãi đến khi TikTok ra đời mới hồi sinh lại sự nghiệp, tiêu biểu như Meghan Trainor – chủ nhân siêu hit “Made You Look” làm mưa làm gió thời gian vừa qua.
Trong khi các đồng nghiệp bắt đầu tìm cho mình một hướng đi mới như kinh doanh mỹ phẩm, các mặt hàng thời trang thậm chí là bất động sản thì suốt 18 năm theo đuổi âm nhạc Taylor Swift gần như chỉ tập trung cho công việc, khi trải qua ít nhất 3 lần thay đổi dòng nhạc khác nhau và luôn duy trì phong độ đáng ngưỡng mộ.
Xuất phát từ giai điệu đồng quê trong sáng với “Taylor Swift”, “Fearless”, “Speak Now” và “Red”; “công chúa nhạc đồng quê” hóa thiếu nữ thành thị với những ca khúc Pop sôi động, cá tính, nổi loạn của “1989″, hay sự trả thù ngoạn mục của “Reputation”. Cuối năm 2020 đại dịch ập đến, những bản tình ca mang năng lượng chữa lành qua dòng nhạc alternative rock pha chút indie folk của 2 sản phẩm “Folklore” và “Evermore” tiếp tục tạo nên loạt kỷ lục mới cho ngôi sao 34 tuổi. Gần đây nhất, album “Midnights” ra mắt năm 2022 lại tiếp tục đánh dấu màn “tái hợp” giữa cô với thể loại Pop sau gần 3 năm.
Những thương vụ phân chia quyền lợi, hay các vụ kiện cáo tranh chấp bản quyền giữa nghệ sĩ và các hãng đĩa là câu chuyện kể mãi không bao giờ cũ của ngành công nghiệp tỷ đô này. Và để không chỉ bảo vệ quyền lợi cho bản thân mà của những nghệ sĩ khác, “rắn chúa” đã rất quyết liệt trong công việc đòi hỏi những gì xứng đáng nhất dành cho các nhạc sĩ, ca sĩ.
Năm 2014, Taylor Swift quyết định chia tay nền tảng nghe nhạc Spotify khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Lúc bấy giờ cô quyết định rút tất cả các bài hát của mình khỏi dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lớn nhất hành tinh này vì cho rằng Spotify không trả thù lao xứng đáng cho các nghệ sĩ. Sau nhiều cuộc đàm phán, năm 2017 Spotify thành công chào đón Taylor Swift trở về “nhà” sau khi đạt được thỏa thuận cho một con số phù hợp hơn cho nghệ sĩ khi gửi gắm những đứa con tinh thần của mình vào tay các nhà phát hành nhạc trực tuyến.
Con đường chinh phục hào quang chưa từng dễ dàng với bất cứ ai, và với ngôi sao quyền lực nhất nhì làng giải trí Taylor Swift cũng thế. Năm 2019, sự nghiệp của giọng ca “Don’t Blame Me” tiếp tục gặp sóng gió khi cô quyết định ký hợp đồng với hãng đĩa mới, Republic Records, sau khi hợp đồng cũ với BMLG kết thúc. Tuy nhiên, công ty chủ quản cũ lại gây khó dễ cho Taylor khi tuyên bố nữ ca sĩ sẽ phải tay trắng ra đi vì họ đã mua lại toàn bộ bản quyền 6 album đầu tiên của cô, bao gồm cả các bản thu âm và bản quyền sáng tác.
Sau 3 năm đấu tranh miệt mài nhằm thoát khỏi “chiêu trò” của công ty cũ, Taylor Swift khép lại vụ tranh chấp bằng một kết thúc có hậu khi Scooter bán bản quyền 6 album này cho một công ty tư nhân với giá 300 triệu USD sau khi đàm phán bất thành với nữ ca sĩ. Trong khi đó, cô cũng quyết định tái thu âm các album cũ để toàn quyền sở hữu bản quyền các ca khúc. Cũng từ đây ngôi sao nước Mỹ tiếp tục để lại bài học đắt giá cho thế hệ nghệ sĩ mới về vấn đề bản quyền cho các sản phẩm sáng tạo của mình.
Gần 18 năm sự nghiệp, 12 album, 6 world tour, hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ, hơn 50 triệu album và 150 triệu đĩa đơn được bán ra trên toàn cầu có lẽ là cách ngắn gọn nhất để tổng kết gần hai thập kỷ hoạt động âm nhạc của ngôi sao Taylor Swift danh giá. Những cống hiến của chủ nhân của 12 chiếc kèn vàng Grammys đối với nền âm nhạc nước nhà là cả một quá trình vấp ngã, trưởng thành đáng trân trọng và mang tính biểu tượng đối với các thế hệ sau này.
“Khi bạn cất tiếng hát, bạn sẽ nghe thấy tiếng của mọi người hòa vào lời ca của bạn, và đó chính là ước mơ lớn nhất trong cuộc đời tôi. Ngay lúc này nó đang diễn ra trước mắt tôi.” – Taylor Swift từng trải lòng. Chinh phục trái tim người nghe bằng âm nhạc chân thành, gần gũi, không quá khó hiểu lượng người hâm mộ hùng hậu sẵn sàng trút hầu bao mua các sản phẩm của Taylor Swift. Với con số hơn 254 triệu người theo dõi trên toàn thế giới, Taylor hiện đang là một trong những sao nữ quyền lực nhất sở hữu số người hâm mộ khổng lồ.
Bảo chứng cho tài năng, cống hiến của người đẹp nước Mỹ còn có sự công nhận, yêu mến đến từ các đồng nghiệp, các vị tiền bối và cả những nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng. Tạp chí Times từng đánh giá Taylor Swift là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của thế hệ hiện tại, với những ảnh hưởng lớn của cô ấy đến nhiều khía cạnh của văn hóa đương đại. Trong khi đó, Neil Tennant thuộc nhóm nhạc Pet Shop Boys lại nhận xét Taylor Swift giống như “bà đầm thép” Margaret Thatcher của dòng nhạc Pop.