Sau những nỗ lực cất tiếng nói đấu tranh giành quyền sử dụng các bản hits cũ cùng sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ và giới nghệ sĩ, cuối cùng Taylor Swift cũng có thể trình diễn những ca khúc của mình tại American Music Awards (AMAs) 2019, nơi ngôi sao 29 tuổi được vinh danh là “Nghệ sĩ của thập kỷ”. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể thay đổi được cục diện của cuộc chiến bản quyền này.
Thành quả 15 năm ca hát phút chốc như “dã tràng xe cát”
Trước đó, vào tháng 6/2019, Braun Scooter đã mua lại công ty Big Machine Records, công ty quản lý cũ của Taylor Swift, với giá 237 triệu bảng Anh. Vì thế, Braun trở thành chủ nhân mới của 6 albums phòng thu đầu tiên của cô, từ album “Taylor Swift” (2006) cho đến “reputation” (2017). Nữ ca sĩ cho hay chính Braun và nhà sáng lập Big Machine Records – ông Scott Borchette không cho phép cô trình diễn những bài hát cũ của mình trên sóng truyền hình vì chúng phải được thu lại. Theo điều khoản mà cô đã ký trước đó, đây là điều Taylor Swift không thể thực hiện được một cách hợp pháp cho đến tận năm 2020. Taylor Swift bày tỏ nỗi bức xúc trong tâm thư: “Những người này chẳng hề đóng góp gì cho những sáng tác ấy. Họ chẳng làm gì để gầy dựng mối quan hệ của tôi với người hâm mộ cả“.
Không đơn giản là không cho phép Taylor Swift hát những bài hát cũ, Scooter Braun còn đổi tên album “reputation” thành “Reputation“; tiếp tục cho thay đổi dòng nhạc của hai ca khúc gắn liền tên tuổi của nữ ca sĩ là “Speak Now” và “Fearless” từ nhạc đồng quê chuyển sang thể loại pop. Điều này khiến người hâm mộ của Taylor Swift cũng như dòng nhạc US-UK tức giận và phản đối kịch liệt.
Scott Borchetta và Taylor Swift giằng co không khoan nhượng
Trong thời điểm căng thẳng như hiện nay, những vấn đề xoay quanh cuộc chiến giành bản quyền của Taylor Swift là tâm điểm trên hầu hết các mặt báo. Về trường hợp của Taylor Swift, xét về mặt pháp lý, Taylor hoàn toàn không thể kiện Big Machine hay Braun Scooter vì hợp đồng mua bán giữa Braun và Big Machine là hợp pháp.
Trước đó, Taylor từng có cơ hội mua lại bản quyền những bài hát gốc nhưng cô đã từ chối. Scott Borchetta giải thích về việc này rằng nữ ca sĩ hoàn toàn có quyền sở hữu 100% khi cô ấy ký một thỏa thuận mới, nhưng cô ấy đã chọn cách rời khỏi. Giọng ca “Blank Space” từng giải thích về việc “dứt áo ra đi” rằng nếu tiếp tục ký thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc những thành quả cô đạt được như danh tiếng, doanh thu bán đĩa, giải thưởng… sẽ tiếp tục rơi vào tay người khác. Đồng thời, cô cũng lường trước việc Scott Borchetta sẽ bán Big Machine Records và một lần nữa, số phận của những albums và tên tuổi của cô cũng trở thành một thương vụ giữa các ông bầu với nhau.
Chưa dừng lại ở đó, Big Machine còn cho biết Taylor còn nợ công ty hàng triệu đôla và nhiều tài sản khác thông qua bài đăng tố Taylor Swift cố tình bóp méo sự thật. Ngay lập tức, Tree Paine, đại diện của nữ ca sĩ phản pháo: “Big Machine đã làm chuyển hướng sự việc sang vấn đề tiền bạc và nói rằng Taylor Swift nợ họ, nhưng một kiểm toán viên chuyên nghiệp độc lập đã xác nhận rằng Big Machine còn nợ Taylor Swift 7.9 triệu USD tiền thù lao chưa trả trong nhiều năm qua“. Đến thời điểm hiện tại, hai bên vẫn đang trong giai đoạn đấu tố nhau để chứng minh ai vẫn còn nợ tiền ai.
“Công chúa đồng quê” sẽ chẳng còn gì nếu mất đi quyền sở hữu bản quyền 6 album
Không ít ý kiến cho rằng Taylor Swift cần tập trung quảng bá album “Lover” vừa phát hành hồi tháng 8/2019 thay vì níu kéo việc tranh chấp bản quyền. Tuy nhiên, một sự thật phũ phàng rằng nếu Taylor thua trong cuộc chiến này thì cô chẳng còn lại gì. Năm 2019, Taylor Swift đứng đầu trong bảng xếp hạng những ngôi sao giải trí có thu nhập cao nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Trong đó, doanh thu từ tour diễn Reputation – tour diễn có doanh thu cao nhất lịch sử nước Mỹ -chiếm phần lớn thu nhập của cô. Những con số biết nói đó đã đặt ra một câu hỏi, phải làm sao khi Taylor Swift không thể biểu diễn những bài hát cũ của chính mình?
Sáu album phòng thu không chỉ nắm giữ vai trò quyết định trong thu nhập hàng năm, chúng còn gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp và thành quả chất xám của cô. Theo hợp đồng cũ, đến năm 2020, Taylor mới có thể bắt đầu thu âm lại những hits cũ của mình. Như vậy, nếu 1 năm tái thu 1 album thì trung bình gần 10 năm mới lại có một tour diễn. Việc mất đi bản quyền album phòng thu đồng nghĩa với việc Taylor mất đi nguồn thu nhập chính, tour diễn và thành quả trí tuệ từ những sáng tác ấy.
Tương tự như trường hợp của Taylor Swift, trận chiến pháp lý giữa nhóm nhạc huyền thoại The Beatles và “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson cũng là một trường hợp kinh điển cho việc tranh chấp bản quyền tác phẩm âm nhạc. Năm 1985, Michael mua lại hãng ATV Music, đơn vị sản xuất âm nhạc của The Beatles, với giá 47.5 triệu USD. Paul McCartney muốn đòi lại quyền sở hữu những bài hát của nhóm nhưng bị công ty này từ chối. Tình bạn giữa McCartney và Michael Jackson bị rạn nứt. Đến năm 2017, căn cứ theo luật Bản quyền Hoa Kỳ năm 1976, nhóm The Beatles mới có thể giành lại quyền sở hữu những bản nhạc của mình.
Những dòng đăng tải của Taylor Swift trên trang mạng xã hội phần nào thể hiện rõ sự tuyệt vọng và bất lực khi cô không thể toàn quyền sử dụng những ca khúc của mình. Nhiều ý kiến cho rằng cô cố tình gây sự chú ý, hoặc lấy lòng người hâm mộ, nhưng không thể phủ nhận sáu albums này mang ý nghĩa đặc biệt đối với Taylor Swift. Mặc dù trong tương lai, Taylor Swift có thể tạo nên hàng loạt bản hit để đời khác, nhưng thật khó để gạt bỏ những thành quả bao năm đã gầy dựng nên tên tuổi của Taylor Swift như hiện nay. Một cuộc chiến dài hơi vẫn còn chờ đợi Taylor Swift phía trước.