Quá trình da tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ khiến bụi bẩn dần tích tụ trên bề mặt, làn da sần sùi, xỉn màu và kém tươi tắn. Điều này cũng làm chậm cơ chế đào thải tự nhiên của da. Chính vì thế, việc tẩy tế bào chết sẽ giúp da sạch sâu, thông thoáng khi loại bỏ lớp da sừng hóa khỏi bề mặt, từ đó tăng hiệu quả hấp thu các tinh chất, duy trì làn da ẩm mịn, bóng khỏe.
Tẩy tế bào chết vật lý sẽ loại bỏ sự tích tụ bụi bẩn, dầu nhờn bằng cách tác động vật lý lên bề mặt da. Đó là hành động ma sát trên da với các dụng cụ như miếng bọt biển, bàn chải, xơ mướp… hoặc các sản phẩm tẩy da chết dạng hạt từ đường, muối biển, hạt cà phê, yến mạch… Cách tẩy tế bào chết này rất dễ thực hiện, có thể mang lại kết quả sáng da nhanh hơn, cũng như cải thiện bề mặt mịn màng, giúp các dưỡng chất chăm sóc da thẩm thấu sâu hơn.

Tẩy tế bào chết vật lý không xâm lấn quá sâu vào trong da, nên chỉ tác động và lấy đi bã nhờn, bụi bẩn ở lớp da ngoài cùng. Tuy nhiên, các thao tác ma sát có thể mài mòn da quá mức, làm da dễ bị tổn thương và tạo điều kiện cho vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập. Vậy nên, với tẩy tế bào chết vật lý, từng chuyển động tròn nhẹ nhàng sẽ là chìa khóa ngăn ngừa kích ứng, đặc biệt đối với làn da nhạy cảm hoặc dễ nổi mụn.
Tẩy tế bào chết hóa học không cần ma sát trực tiếp lên da, mà sử dụng các thành phần acid (AHA, BHA…) và enzyme để làm tan các tế bào da chết. Các hoạt chất acid có khả năng phá vỡ liên kết giữa các tế bào da, loại bỏ lớp da sừng hóa để thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới.

Theo đó, AHA (Glycolic Acid, Lactic Acid…) là một dạng acid gốc nước, có hiệu quả tẩy da chết, cải thiện kết cấu làn da. Hoạt động tương tự AHA, nhưng PHA (Gluconolactone, Lactobionic Acid) có khả năng xâm nhập sâu vào da kém hơn do kết cấu phân tử lớn.
Thành phần này có tính dịu nhẹ, hạn chế kích ứng khi dùng trên da, thích hợp với da nhạy cảm vì bổ sung công dụng dưỡng ẩm và chống oxy hóa. Trong khi BHA (Salicylic Acid) là nhóm acid hòa tan trong dầu, đi sâu vào nang lông, hòa tan bã nhờn, làm thông thoáng lỗ chân lông.

Chính vì thế, không chỉ giúp làn da căng mịn hơn, tẩy tế bào chết hóa học còn có thể cải thiện các vấn đề khác như mụn trứng cá, da không đều màu, cũng như giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa. Tuy nhiên, mức nồng độ và tính acid trong các thành phần có thể khiến da dễ kích ứng và nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Bằng cách thực hiện tẩy tế bào chết vật lý hoặc hóa học, bạn sẽ loại bỏ phần da chết trên lớp sừng, tái tạo lớp tế bào mới chắc khỏe hơn. Phương pháp vật lý sẽ tạo lực ma sát lên da nhờ vào các hạt mịn và dụng cụ tẩy da chết. Trong khi đó, tẩy tế bào chết hóa học sẽ tác động vào sâu lỗ chân lông thông qua các hoạt chất acid.
Với cơ chế hoạt động trên, tẩy tế bào chết vật lý sẽ lấy đi lớp da sừng hóa trên bề mặt, còn tẩy tế bào chết hóa học làm sạch cả bụi bẩn dưới bề mặt da, kích thích sản sinh collagen, ngăn ngừa tình trạng lão hóa. Do đó, phương pháp hóa học thường an toàn và hiệu quả hơn so với tẩy tế bào chết vật lý.
Cả hai cách tẩy tế bào chết vật lý và hóa học đều giúp loại bỏ lớp da sừng hóa, thúc đẩy sự phát triển lớp tế bào mới. Với cơ chế hoạt động khác nhau của hai phương pháp này, bạn cần lựa chọn kỹ thuật tẩy tế bào chết phù hợp với tình trạng và nhu cầu của làn da. Điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ kích ứng và tăng hiệu quả cho chu trình chăm sóc da.
Tẩy da chết hóa học gần như thích hợp với mọi loại da do mức tác động dịu nhẹ và ít ma sát hơn, đặc biệt đối với da khô, da nhạy cảm. Bởi các sản phẩm tẩy da chết vật lý có thể làm mỏng hàng rào độ ẩm, lấy đi cả một số loại dầu tự nhiên, làm da bị mất nước. Sau quá trình tẩy da chết, bạn nên sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm chứa nhiều Ceramide, Hyaluronic Acid, Glycerin để củng cố lớp màng lipid bảo vệ da, ngăn ngừa sự “bốc hơi” độ ẩm của da.

Nếu có làn da dầu, dễ lên mụn, bạn nên thận trọng khi dùng các sản phẩm chứa hoạt chất mạnh, bao gồm cả sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học. Với tính chất tan trong dầu, sản phẩm chứa Salicylic Acid sẽ là lựa chọn phù hợp cho da dầu mụn. Thành phần này có tác dụng chống viêm, thẩm thấu vào tuyến bã nhờn, tiêu diệt vi khuẩn, qua đó làm thông thoáng lỗ chân lông, tăng cường hàng rào độ ẩm và hỗ trợ quá trình điều trị mụn. Ngoài ra, những người có làn da dầu có thể thử phương pháp tẩy da chết vật lý để loại bỏ lớp bụi bẩn đang tích tụ trên da.

Da hỗn hợp có sự kết hợp giữa da dầu và da khô, khi đó bạn nên tập trung vào tình trạng ở từng vùng da và có thể lựa chọn một trong hai phương pháp vật lý hay hóa học. BHA tẩy tế bào chết hóa học như Salicylic Acid thích hợp cho da dầu, còn vùng da khô sẽ phản ứng tốt với các acid như Lactic Aci, Glycolic Acid. Công thức chứa AHA (Mandelic Acid) cũng có tác dụng loại bỏ dầu thừa trên da, mà vẫn đủ độ dịu nhẹ để sử dụng cho cả những vùng da khô.
Tẩy tế bào chết quá nhiều có thể mài mòn bề mặt, làm suy yếu hàng rào bảo vệ da. Tần suất tẩy tế bào chết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại da, mức độ nhạy cảm, các vấn đề về da như mụn, đốm đen, phát ban… Tình trạng nhạy cảm, khô căng, ửng đỏ là dấu hiệu của làn da đang bị tẩy tế bào chết quá mức.
Ngược lại, không tẩy tế bào chết thường xuyên có thể khiến da khô, bong tróc, xỉn màu, đồng thời hiện rõ những nếp nhăn và vết chân chim. Bước vào quá trình tẩy tế bào chết, bạn nên hạn chế sử dụng cùng lúc các hoạt chất mạnh như sản phẩm trị mụn đặc trị, nhóm retinoid hoặc Vitamin C để tránh làm tăng độ nhạy cảm của da và gây kích ứng.

Thời điểm tốt nhất trong ngày để tẩy tế bào chết cho da thường là vào ban đêm trước khi đi ngủ. Đây là lúc bạn tẩy sạch lớp trang điểm, dầu và cặn bẩn tích tụ trong ngày, đồng thời làn da sẽ được phục hồi và tái tạo nhờ vào cơ chế thải độc của cơ thể. Phương pháp tẩy tế bào chết vật lý nên được thực hiện trên làn da ẩm, tránh chải khô hoàn toàn ở những vùng nhạy cảm như má, trán và mắt.
Mặt khác, sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học sẽ được dùng cho da khô (sau khi rửa mặt). Ngoài ra, bạn cũng không nên tẩy tế bào chết vào ban ngày, bởi có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn dưới ánh nắng mặt trời và dễ tổn thương trước các tác nhân gây hại từ môi trường.