Thế nào là tế bào chết?
Muốn tìm hiểu tế bào chết thì ta cần phải biết đến cấu tạo da. Da gồm có ba lớp:
+ Thượng bì: Lớp trên cùng của da, rất mỏng, khoảng 0,1 mm. Lớp này có chức năng bảo vệ, chống lại vi sinh vật cũng như một số hóa chất bên ngoài xâm nhập vào. Từ dưới lên trên, lớp thượng bì bình thường có từ 4 đến 5 lớp, tùy theo khu vực.
1. Lớp tế bào đáy là lớp dưới cùng có nhiệm vụ sinh sản ra lớp tế bào phía trên, xen kẽ với những tế bào đáy là tế bào hắc tố có nhiệm vụ sản sinh ra hắc tố melanin làm da có màu sẫm, giúp chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời.
2. Lớp tế bào gai
3. Lớp tế bào hạt
4. Lớp sừng hay lớp tế bào chết: Lớp này được cấu tạo bởi chất keratin do các tế bào ở dưới di chuyển dần lên phía trên và sau cùng bị tróc ra do tắm rửa hoặc can thiệp bằng cách sử dụng mỹ phẩm tẩy tế bào chết. Trung bình cứ khoảng 4 tuần là lớp tế bào chết được đổi mới một lần. Khoảng 2 tuần thì tế bào chết bong tróc và rơi ra ngoài.
Lợi ích của lớp tế bào chết là góp phần chống lại sự tấn công của yếu tố bên ngoài như vi trùng, hóa chất và ngăn chặn sự thấm nước và mất nước của da. Lớp sừng ở trẻ sơ sinh và người già rất mỏng nên có tính thấm cao và dễ bị tổn thương.
+ Lớp bì: Giúp da săn chắc khi còn trẻ.
+ Lớp hạ bì: Chứa nhiều mô mỡ, mạch máu.
Nếu có dịp đọc các mục làm đẹp của nhiều tờ báo, tạp chí dành riêng cho phụ nữ, chúng ta thường thấy có giới thiệu đến việc tẩy tế bào chết bằng nhiều loại mỹ phẩm khác nhau, dưới nhiều dạng khác nhau như kem, dung dịch, gel… Vậy thế nào là tế bào chết? Tẩy tế bào chết có lợi hay có hại cho làn da? |
Sử dụng mỹ phẩm để tẩy tế bào chết
Trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm để tẩy tế bào chết. Cách thực hiện có khi khác nhau tùy theo từng loại.
+ Mỹ phẩm có chứa chất AHA (Alpha Hydroxy Acid) là những chất axit trích từ trái cây như axit xitric, axit glycolic (từ cây mía). Loại mỹ phẩm có chứa AHA thường hay được sử dụng dưới nhiều dạng, có loại được sử dụng dưới dạng nước rửa mặt, kem bôi, mặt nạ.
+ Mỹ phẩm có chứa chất axit salixylic với nồng độ thấp được bào chế dưới dạng nước rửa mặt.
+ Kem bôi dạng mặt nạ: Thường được sử dụng sau khi rửa mặt. Mặt nạ thường chứa chất kaolin (đất sét), hạt polietylen, AHA… Đắp một lớp kem dày lên mặt, nằm giữ yên trong 15 phút, sau đó rửa sạch với nước.
+ Sữa rửa mặt tẩy tế bào chết chứa những hạt nhỏ chiết xuất từ trái cây, thảo mộc. Bôi một lớp mỏng, dùng hai đầu ngón tay massage nhẹ nhàng trong 10 phút rồi rửa sạch.
Tẩy tế bào chết bằng sản phẩm thiên nhiên
+ Giã nhuyễn hay xay nhuyễn dưa leo (hoặc cà rốt, cà chua), rồi đắp lên da mặt, để khoảng 30 phút rồi rửa sạch. Vài ba ngày thực hiện một lần vào buổi tối.
+ Lòng đỏ trứng (cho da bình thường và da khô) hay lòng trắng trứng gà (cho da nhờn), đánh cho tan đều, rồi bôi lên da mặt, để khoảng 30 phút, sau đó rửa sạch. Mỗi tuần thực hiện một lần.
+ Sản phẩm thiên nhiên hiếm khi gây phản ứng, dễ tìm mua, rẻ tiền.
Lợi và hại của việc tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết thường ít gây ra hiện tượng kích ứng hoặc phản ứng so với những chất lột da khác. Sau khi tẩy xong da mặt trở nên sạch láng, trắng sáng hơn.
Tuy nhiên khi tẩy tế bào chết quá thường xuyên thì da trở nên mỏng hơn vì liên tục làm mất đi lớp tế bào sừng mới hình thành. Khi da bị mỏng đi thì dễ bị yếu, tổn thương, bắt nắng…, do đó dễ bị nám mặt hơn.
Vì vậy nên tránh nắng sau khi tẩy tế bào chết và không thường xuyên tẩy tế bào chết hàng ngày, chỉ nên thực hiện 1-2 tuần/lần. Riêng với người có làn da khô, dễ mẫn cảm thì nên hạn chế tẩy tế bào chết./.