"Tay hòm chìa khóa": Nhìn xưa mà ngẫm nay - Tạp chí Đẹp

“Tay hòm chìa khóa”: Nhìn xưa mà ngẫm nay

Sống

Nhìn ngày xưa…

Trong xã hội Việt Nam truyền thống, việc kết hôn phải tính đến yếu tố “môn đăng họ đối” về mặt kinh tế và địa vị, người phụ nữ khi đã kết hôn là phải “tòng phu”. Ngày nay, cuộc sống tự được tự do hơn, chúng ta quan niệm hôn nhân phải đi liền với tình yêu và cho rằng để tiền bạc xen vào chuyện tình cảm sẽ dẫn đến những kết cục thảm hại.

 

Trên thực tế, không hẳn những cuộc hôn nhân truyền thống không đem đến hạnh phúc cho người trong cuộc, và không phải người phụ nữ Việt xưa không có tiếng nói và quyền hạn trong gia đình. Là một đất nước nông nghiệp lúa nước, người phụ nữ Việt vẫn tham gia vào quá trình sản xuất và giữ một vị trí quan trọng trong hạnh phúc và sự ổn định của gia đình, đồng thời là người giữ tay hòm chìa khóa. Người chồng có thể rất oai phong ngoài xã hội, nhưng về nhà vẫn phải nhún nhường trước vợ. Làm việc gì, cần chi tiêu bao nhiêu đều phải thông qua nội tướng – vợ. Thông thường, của cải làm ra đều do người phụ nữ quán xuyến để lo trong lo ngoài, giàu hay nghèo phần lớn là do người vợ biết cách chi tiêu hợp lý hay không.

Chính vì thế ông bà ta thường nói “của chồng công vợ”. Hiếm có trường hợp vợ chồng mâu thuẫn với nhau trong việc phân chia ai là người quản lý tài sản, vì quy chuẩn xã hội truyền thống đã gắn trách nhiệm đó với người phụ nữ. Hơn nữa, hôn nhân phần lớn chịu ảnh hưởng của hai nhân tố kinh tế và địa vị nhưng không thấy trường hợp bỏ nhau vì mâu thuẫn về vấn đề tiền bạc. Vì nếu có bất đồng, người phụ nữ vẫn cố gắng nhường nhịn, chịu đựng vì sự êm ấm của gia đình và tương lai của các con.

… và ngẫm đến nay

Ngày nay, việc nam nữ kết hôn đều xuất phát từ tình yêu. Đồng thời, người phụ nữ dần có được sự bình đẳng với nam giới trong công việc xã hội. Người phụ nữ không nhất định chỉ ở nhà lo nội trợ, có những người rất thành công trong sự nghiệp và thu nhập. Từ đó, họ tự do hơn trong việc lựa chọn đối tượng để kết hôn. Người phụ nữ đã biết tự cân nhắc giữa tình yêu và khả năng tài chính trong hôn nhân. Và vấn đề ly hôn cũng không bị dư luận khắt khe như trong xã hội truyền thống nên người đàng ông bắt đầu coi tiền như một vũ khí để khống chế vợ và dùng nó để giải quyết mâu thuẫn nhằm bảo vệ chính mình. Có những người chồng do thu nhập cao hơn vợ, nên giành quyền “quản gia” trong việc chi tiêu hằng ngày của gia đình, họ “đếm tiền cho vợ đi chợ”. Nhưng cũng có những trường hợp vợ vì có mức thu nhập cao hơn chồng tỏ ra xem thường chồng, thể hiện trong từng lời ăn tiếng nói và cử chỉ.

Có những gia đình, sống theo kiểu phương Tây nửa vời, nghĩa là tiền ai nấy giữ, góp chung để tiêu xài nhưng trong lòng lại không thấy thoải mái. Họ phân chia tài sản nhưng lại không muốn dùng pháp luật để đảm bảo. Nhiều trường hợp người chồng lo sợ nếu mình đóng quỹ chung nhiều hơn đến khi ly hôn sẽ chịu thiệt thòi, còn người vợ sợ đóng nhiều đến khi hôn nhân rạn nứt, mình và các con sẽ thiếu thốn, thế là quỹ đen ra đời trong những gia đình hiện đại. Đồng thời, do chưa chuẩn bị tâm lý tốt cho vấn đề này, khiến cho việc phân chia quá rạch ròi dễ gây tổn thương về mặt tình cảm cho cả hai.

Hơn nữa, truyền thống nắm giữ tài chính thuộc về phái nữ vẫn hiện hữu đâu đó trong tâm thức của người Việt nên sẽ dẫn đến một mâu thuẫn ngầm nếu trong gia đình tồn tại nhiều thế hệ. Những ông bố bà mẹ sẽ không thể hiểu được cách sống: tiền ông, tiền tôi và tiền của chúng ta. Từ đó, họ sẽ có cái nhìn ác cảm về con dâu hoặc chàng rể của mình.

 

Chúng ta đang sống trong thời hiện đại và đang tiến tới sự bình đẳng giữa nam và nữ. Đồng thời, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không thể đưa ra một quy chuẩn cho tất cả mọi gia đình. Tùy vào ai là người có khả năng nắm giữ tài chính tốt thì quản lý, nhưng tất cả mọi chi tiêu đều phải có sự thống nhất giữa vợ và chồng. Cả hai phải thành thật với nhau về mặt tài chính. Giữa hai người phải có sự cảm thông, chia sẻ những khó khăn với nhau không phải vì chồng kiếm nhiều tiền mà đẩy hết trách nhiệm gia đình lên đôi vai của vợ. Ngược lại, phụ nữ nếu có được thành công ngoài xã hội cũng không nên xem thường chồng.

Theo Young.

Thực hiện: depweb

14/09/2012, 10:47