Tẩy chay lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh: Sự kỳ thị thiếu văn minh - Tạp chí Đẹp

Tẩy chay lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh: Sự kỳ thị thiếu văn minh

Review

 Đạo diễn Phan Đăng Di

Đeponline (ĐOL) Này, ông nhận được thiệp cưới của Đỗ Hải Yến chưa?

– Phan Đăng Di: ( PĐD): Ừ, rồi! Hôm tới gặp ở đấy nhé!

 – ĐOL: Thiệp hơi bị ấn tượng đấy nhỉ! Cặp này công nhận lãng mạn ghê, thấy bảo cầu hôn mà còn phải đánh đường sang tận Bhutan cơ mà!

– PĐD: Phải dân trường Điện ảnh thì chỉ cần đọc luôn bài rap: “Tau thích mi” là xong! Chả cần phải đi đâu, thậm chí còn không cần rời khỏi ghế!

 – ĐOL: “Tau biết mi không cho nhưng tau thích như rứa đó…”. Công nhận về khoản “tiết kiệm mà hiệu quả”, dân Nghệ nhà ông bao giờ cũng nhất!

– PĐD: Nhầm rồi bà ơi, vụ “tau thích mi” này là các bác Huế nhé!

 – ĐOL: Gớm, Huế hay Nghệ thì cũng đều là “đường vô quanh quanh” hết, khác gì!

– PĐD: Khác chứ. Không khác mà hôm rồi có vụ tẩy chay lao động Nghệ An, Thanh Hóa… mà Huế có bị làm sao đâu!

 – ĐOL: Ừ, vụ đấy công nhận “a cay” nhỉ! Đúng là nhục… tỉnh thể! May cho ông là nhà làm phim độc lập chứ nếu không có khi cũng bị sa thải rồi!

PĐD: Ai bảo bà nghề này không bị sa thải! Thời đại sa thải, công chúng sa thải, những bạn nghề giỏi hơn sa thải… – bằng ấy thứ là coi như xong chứ còn gì nữa!

 – ĐOL: Thấy bảo trăm sự cũng chỉ bởi tình đồng hương thôi đấy: một anh bị sa thải, cả “đồng hương hội” đình công….

– PĐD: Ba chữ “tình đồng hương” ở đây xem ra không được ổn cho lắm nhỉ! Vì nếu nói về tính cộng đồng thì người Nhật phải là đầu bảng, vậy nhưng có bao điều còn cao hơn thế, như: tính kỷ luật, chữ tín, tác phong chuyên nghiệp… Cứ nhìn cách họ biểu tình thì biết, tinh thần ái quốc rõ là cao, nhưng một mặt, chưa bao giờ là quá khích…

 – ĐOL: “Thương hiệu” của dân Nghệ là tình đồng hương, vậy mà sao lại có câu: “Một ‘Nghệ nhân’ rơi xuống hố thì tự bò lên được, nhưng nếu là hai anh thì chả anh nào lên được”, thế nghĩa là sao nhỉ?

– PĐD: Thì là vì níu áo nhau chứ sao! Vì có thể môi trường sống khắc nghiệt ở vùng đất ấy đã khiến con người ta quen dựa vào nhau mà sống và điều đó là cần thiết trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng một mặt, cũng vì thế mà người ta không dễ chấp nhận chuyện người khác hơn mình, trong một hoàn cảnh thuận lợi hơn cho một ai đó trong số họ, chẳng hạn…

 – ĐOL: Lại thêm một cái “tội” để tẩy chay dân Nghệ!

– PĐD: Tẩy chay, không riêng gì trường hợp này, nếu với ý nghĩa thức tỉnh và cảnh báo thì tôi nghĩ đều nên! Nhưng cái gọi là tẩy chay lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh ở Bình Dương thì tôi e là chưa đúng tinh thần tích cực của hai từ tẩy chay đó. Phải nói đó chính là kỳ thị thì đúng hơn, mà trong lịch sử phát triển của nhân loại, sự kỳ thị chưa bao giờ là một thái độ văn minh và đúng đắn. Và nếu những người được coi là có trình độ văn hóa cao hơn (tức người sử dụng lao động) mà làm thế, thì liệu có khác gì hành động quá khích của những người lao động chân tay (bị cho là có trình độ học vấn thấp hơn) mà họ đang lấy đó làm nguyên nhân của việc tẩy chay?

 – ĐOL: “Chuột chù chê khỉ hôi” đấy nhỉ. Ấy vậy mà thấy bảo đang rộ lên mốt… Nghệ ngữ đấy nhé – “như chưa hề có cuộc… tẩy chay”!

– PĐD: Biết tiếng Nghệ mà phát biểu thì hăng lắm! Cái giọng giàu màu sắc phản kháng thế kia mà, học là phải! Và đừng quên, chỉ có sự quyết liệt mới đưa lại những thay đổi lớn!

 – ĐOL: Ông quên câu “Chửi cha không bằng pha tiếng” à?

– PĐD: Câu đấy làm gì còn chỗ trong thời hội nhập!

 – ĐOL: Thì chả bảo “hòa nhập chứ không hòa tan” đấy là gì!

– PĐD: “Tan” được có khi lại còn may và đã không có chuyện kỳ thị nói trên rồi! Rộng ra, đất nước mở cửa bao năm, chắc gì mỗi chúng ta đều đã hiểu được hết ý nghĩa của từ “hội nhập” và biết cách hành xử cho đúng với nó!

 – ĐOL: Ờ, thế nên hôm rồi sao Việt nhà mình mới bị một quả hớ trong một màn gọi là “giao lưu quốc tế”: định ghé vào kiếm cái ảnh chung, không ngờ bị sao Hàn quay lưng từ chối! Cái quay lưng đó, theo ông có là “kỳ thị”?

– PĐD: Kênh kiệu thì quả là cũng có hơi kênh kiệu thật (tuy chưa đến mức “kỳ thị”), nhưng một mặt, đó cũng là nguyên tắc làm nghề chuyên nghiệp của những ngôi sao đẳng cấp trong ý thức quản lý hình ảnh của họ. Còn về phía chúng ta, dù là khách mời hay chủ nhà thì thiết tưởng, cũng cần phải ý thức được chỗ đứng của mình ở đâu. Và ngay cả khi chỗ đứng của mình chưa phải là nơi trang trọng nhất, trung tâm nhất (với một nền công nghệ giải trí còn khiêm tốn như của ta hiện nay khi đi ra ngoài) thì cũng đừng vì thế mà đứng ké ai hết, dù chỉ là để chụp một bức ảnh chung…

Thực hiện: depweb

22/10/2012, 07:09