Tây Ban Nha – đoạn cuối một cung đường

Kỳ cuối

Tác giả Phương Mai đã thực hiện một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu đăng từ số tháng 2/2012.

Tây Ban Nha ư? Tây Ban Nha từng bị chiếm gọn dưới lưỡi gươm của một tên nô lệ Hồi giáo!

Châu Phi cách châu Âu gần như chỉ có một tý tẹo nước. Chiều hôm ấy, tôi và Abdullah trèo lên vắt vẻo ở sân thượng một trường học của Tangier, thõng chân đung đưa, vừa hướng mũi về phía châu Âu vừa tán phét. Abdullah là đại sứ của mạng bạn bè du lịch Couchsurfing tại Fes, nhưng anh chàng đã bị tôi và một cô bạn từ Canada yểm bùa thế nào đó mà bỏ cả công việc hì hụi chạy theo hai đứa con gái ham chơi suốt từ Fes đến tận thành phố biển Tangier.

Người Ma Rốc ở miền này rất xinh, cứ như thể chỉ vừa mới hôm qua họ đã chạy từ Tây Ban Nha về châu Phi sau hơn 7 thế kỷ người Hồi giáo thống trị toàn bộ cửa ngõ châu Âu. Những cô gái Ma Rốc da trắng mịn, mắt nâu đen, sống mũi cao, dáng người nhỏ nhắn rất đặc trưng của người vùng Nam Âu. Cũng dễ hiểu bởi tuy chính thức là người châu Phi nhưng họ chỉ cách Tây Ban Nha, theo cách nói của Abdullah, có một “vũng nước”.

Tôi chẳng thèm cãi Abdullah, dù không cần hỏi “Gú Gồ” thì tôi cũng thừa biết đoàn quân Hồi giáo chiếm được Tây Ban Nha một phần lớn vì nội bộ triều đình Visigoth chia rẽ. Ngày ấy, một người quyền quý tên là Julian gửi con gái mình tới hoàng cung để đi học nhưng lại bị đức vua mới lên ngôi Roderic hãm hiếp. Julian nuôi mối thù, và khi quân Hồi giáo chuẩn bị vượt biển đánh Tây Ban Nha thì ông mở toang cửa ngõ Ceuta. Chỉ trong 3 tháng, vùng đất tươi đẹp nhất của châu Âu thời ấy nằm gọn trong tay Tariq – một nô lệ được trả tự do và bằng tài năng quân sự của mình trở thành tướng tài trong đoàn quân Hồi giáo đi thánh chiến.

Những cột trụ vòm đôi của St Vincent là bước đột phá về kiến trúc, cho phép trần thánh đường được dựng cao hơn mức bình thường.

Người Hồi chiếm Tây Ban Nha, chọc thẳng vào trái tim châu Âu đến tận vùng Tours của Pháp. Bảy thế kỷ sau đó (thế kỷ 8-13) đánh dấu thời kỳ vàng son (Golden Age) của văn minh Hồi giáo, thời kỳ cực thịnh của khoa học kỹ thuật và triết học, nghệ thuật. Châu Âu mông muội bỗng sáng bừng lên bởi những thành tựu rực rỡ của các học giả người Hồi. Chưa một tôn giáo nào lại mang trong mình thái độ cởi mở, tân tiến, hiện đại đối với khoa học đến thế. Những trung tâm học thuật lớn mời gọi chèo kéo rất nhiều tên tuổi hàng “khủng” về giảng dạy, bất kể họ là người của tôn giáo nào. Hàng ngàn cuốn sách cổ có nguy cơ tuyệt chủng của văn minh Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư được sưu tầm, thu thập, và dịch ra tiếng Ả Rập. Được xóa rào cản về ngôn ngữ, dòng kiến thức ào ạt chảy giữa Đông và Tây. Đó là thời kỳ mà “một giọt mực của học giả còn cao quý hơn một giọt máu của kẻ tử vì đạo”.

Chính nhờ Hồi giáo và các chế tài luật pháp của họ (sharia) mà lần đầu tiên trong lịch sử phụ nữ được chính thức đứng ngang hàng với nam giới về quyền con người. Lần đầu tiên có một tôn giáo quy định đàn ông bị giới hạn số vợ có thể lấy (bốn vợ), không phải vì họ siêu việt hơn đàn bà mà do quyền lợi của những phụ nữ có chồng chết trận phải được chăm sóc. Luật Hồi giáo cũng quy định đàn ông chỉ được quyền lấy thêm vợ khi họ có thể đảm bảo việc đối xử công bằng và khả năng lo toan tài chính cho đại gia đình. Lần đầu tiên phụ nữ có quyền thừa kế, quyền sở hữu tài sản, quyền ly hôn, thậm chí quyền yêu cầu chồng phải có trách nhiệm không lơ là cuộc sống tình dục với mình. Lần đầu tiên trẻ em gái được chính thức bảo vệ bằng tuyên ngôn tôn giáo. Lần đầu tiên các bậc cha mẹ được yêu cầu phải bảo vệ trẻ em gái, cho các bé được học hành thì mới được lên thiên đàng. Lần đầu tiên người mẹ được tôn vinh ở vị trí đỉnh cao.

Người sáng lập ra Hồi giáo, nhà tiên tri Muhammad nói rằng: “Chúng ta phải yêu thương mẹ mình nhất, nhì cũng là mẹ, ba cũng là mẹ, sau đó mới đến người cha”. Bằng tất cả những gì ông làm được vào cái thời mà phụ nữ còn bị coi như của cải trong nhà, đàn ông lấy vợ rồi đuổi vợ vô tội vạ, và những hài nhi nữ bị vùi vào cát sa mạc, thì Muhammad xứng đáng là kẻ tiên phong trong phong trào giải phóng phụ nữ.

Hẳn nhiên, cũng như mọi triều đại khác, Golden Age của Hồi giáo dần dần lụi tàn. Thiên Chúa giáo trở lại Tây Ban Nha, dần dần đánh đuổi hết người Hồi về phía bên kia “vũng nước”, quay trở lại Bắc Phi và Trung Đông. 700 năm trôi qua cũng là 700 năm đế chế Hồi giáo bỏ lại sau lưng một thời kỳ vàng son. Giờ đây, từ phía bên này “vũng nước”, mỗi ngày có đến hàng chục, hàng trăm kẻ liều mạng tìm cách đặt chân lên châu Âu bằng đủ mọi kế sách: trốn dưới gầm xe tải, chen chúc như cá hộp trong các ngăn chứa đồ ở xe buýt, vượt biển bằng thuyền tự chế hoặc trả từ 4000 đến 5000 đô la cho các tay mối lái. Tôi từng đặt chân đến vùng cửa khẩu nơi có đến cả trăm thanh niên lang thang lởn vởn chờ các chuyến xe chạy qua để đu người lên. Nhưng thê thảm nhất vẫn là những chiếc thuyền bị lật chìm trên đường vượt biển.

Hồi giáo không cho phép họa tả hình ảnh con người và thế giới động thực vật. Chúa Trời sáng tạo ra muôn loài và vì thế chỉ có Người mới được phép tạo hình muôn loài. Chính vì vậy, nghệ thuật Hồi giáo phát triển rực rỡ với các họa tiết đối xứng cầu kỳ, tinh xảo.

Eo Gibraltar nối hai châu lục chỉ dài có hơn chục km nhưng sở hữu những trận gió khủng khiếp thổi qua Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Gió mạnh, biển xanh, cát trắng, nắng vàng tạo nên một thiên đường cho những tay đua thuyền buồm và lướt dù gió bên bờ châu Âu. Nhưng thảm thương thay, ở bờ bên này, cũng chính trận gió này mỗi năm lật nhào hàng trăm chiếc thuyền, cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người cố sức rời bỏ châu Phi đi tìm miền đất mới. Rất nhiều trong số họ là phụ nữ có thai. “Tại sao?” – Tôi hỏi Abdullah khi hai đứa đã ngồi tới hàng giờ trước biển, chong mắt nhìn về châu Âu như một dải mờ mờ xa hút. “Vì họ tin rằng châu Âu văn minh nhân quyền sẽ nương tay với những phụ nữ đang ở cữ. Thế nên họ cố tình làm mình có thai trước khi lên đường vượt biển”.

Rất khó chống lại cảm giác có lỗi, hoặc ít nhất là khó chịu trước sự bất công của cuộc sống khi tôi bước chân lên chuyến phà từ Tangier rời châu Phi để cập bến châu Âu. Chuyến đi này tôi mất chưa đầy 30 phút, trong khi có những kẻ mất cả một đời người, tôi trả 30 đô la trong khi họ phải trả bằng cả mạng sống của mình.

Bước chân vào Tây Ban Nha, tôi bắt xe thẳng tới Cordoba và dành nguyên một ngày chỉ để đi vòng quanh và lang thang trong khuôn viên của một trong những công trình kiến trúc tôn giáo đẹp nhất châu Âu: St Vincent. Được xây dựng từ hơn 1400 năm trước với tư cách là một nhà thờ Thiên Chúa, St Vincent là biểu tượng của sự khoan dung trong tư tưởng cai trị của nhà cầm quyền Hồi giáo. Dù là kẻ thắng cuộc, họ không có chủ trương đốt sạch phá sạch giết sạch mà chỉ yêu cầu tín đồ các tôn giáo khác phải đóng thuế và chịu thần phục. St Vincent bị chia làm đôi, một nửa vẫn là nhà thờ Thiên Chúa, một nửa được xây dựng lại thành thánh đường Hồi giáo. Kết quả của sự giao hòa tuyệt vời ấy để lại cho hậu thế một công trình kiến trúc đẹp đến nín thở với sảnh đường khổng lồ được nâng đỡ bằng 856 cột đá và hàng nghìn mái vòm đôi xây bằng gạch đỏ rực rỡ. Giữa trùng trùng lớp lớp của rừng cột đá đó là những thánh điện Thiên Chúa và Hồi giáo uy nghiêm dát vàng son lộng lẫy. Từng nhóm du khách ngửa cổ lên cao, xuýt xoa trầm trồ thán phục.

Cả thánh đường Thiên Chúa lẫn Hồi giáo đều chú trọng vào các tháp chuông gọi cầu kinh 

Giữa hàng trăm con người ấy, tôi tình cờ để ý thấy một nữ du khách người Hồi đội khăn xanh. Cô len lén rời nhóm bạn và lẩn vào sau một bệ thờ lớn. Tôi tò mò bật máy ảnh và zoom ống kính dõi theo. Thật bất ngờ khi thấy cô ngồi thụp xuống, nhằm hướng Mecca, và bắt đầu nghi lễ quỳ lạy của người Hồi.

Tôi hốt hoảng nhìn quanh, may thay, tất cả nhân viên bảo vệ đều đứng ở rất xa. Cô gái Hồi đang vi phạm một trong những điều cấm kị của thánh đường Thiên Chúa St Vincent. Tôi chợt thấy buồn thắt cả tim. Thốt nhiên thấm hết cái oái ăm của vòng xoay phát triển. Loài người té ra có những cái mà trải qua hơn 1000 năm cũng chẳng văn minh hơn. Chuyện hai tôn giáo thù địch vẫn có thể chung nhau một mảnh đất thiêng là chuyện chỉ có thể xảy ra hơn 1000 năm trước. Cũng như chuyện Hồi giáo với tư cách là tôn giáo đi đầu trong khoa học công nghệ và nam nữ bình quyền cũng đã là chuyện của hơn 1000 năm trước. Ai có thể giải thích được một tôn giáo cởi mở như thế, tân tiến hùng mạnh đi trước thời đại như thế cả ngàn năm sau lại bị nhân danh để làm công cụ vùi dập chính những điều mà nó từng tôn vinh?

Chín tháng lăn lê qua 13 đất nước Trung Đông, một đất nước nội chiến, hai đất nước trong tình trạng vô chính phủ, số còn lại ì ầm biểu tình hàng ngày, chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ hơn sức mạnh của tôn giáo và đức tin. Trở về nhà lòng dạ rối bời còn hơn cả lúc mới đặt chân lên đường, tôi nhận ra mình đang biến thành một kẻ vô thần. Đó là khi tôi lờ mờ hiểu rằng sản phẩm lớn nhất của con người không phải là những nền văn minh rực rỡ mà là một khái niệm chạm đến tận cùng của sự trừu tượng: Đức Chúa toàn năng.

Một trong những thánh đường hiếm hoi, nếu không phải duy nhất, có sự hòa trộn của hai tôn giáo: Nhà thờ Thiên Chúa ở Tangier nơi ban thờ Chúa được trang trí bằng những câu trích lấy từ kinh Hồi giáo Koran

Nhịp sống trầm lặng trong khu phố cổ Cordoba

Nguyễn Phương Mai


From the same category