Có đủ “muối mặn, gừng cay”
“Gừng cay” ở đây dĩ nhiên là ngôi sao sinh năm 1952 – Liam Neeson. Sắp vào tuổi thất thập cổ lai hy, vậy mà người đàn ông gốc Ireland vẫn giữ được phong độ đáng kinh ngạc trong bộ phim hành động mới nhất. Hơn thế, giống như “gừng càng già càng cay”, ở “Run all night”, Liam Neeson sắm một vai khá nặng về tâm lý và ông đã thực sự thuyết phục khán giả.
“Gừng cay” – ngôi sao sinh năm 1952 – Liam Neeson
Còn “muối mặn” ở đây là gì? Không ít người đã bày tỏ, xem traler, nghe qua giới thiệu về “Run All Night”, cứ như thể đây là “Taken” phần thứ 4. “Lại mô típ quen thuộc người hùng cứu con, người hùng mưu trí, xả thân, băng qua các làn đạn”, khó tránh khỏi những mặc định như thế từ khán giả. Nhưng đi xem rồi sẽ thấy phim này khác đấy. Hay hơn cả chuỗi “Taken” và tốt hơn cả mấy phim “đơn sắc” gần đây của Neeson.
Không còn giống như mật vụ CIA Bryan Mills trong loạt phim hành động mà Liam Neeson phải vượt qua muôn trùng vây để cứu con gái. Ở “Run All Night”, Liam Neeson vào vai Jimmy Conlon – một người cha vốn luôn sống trong mặc cảm tội lỗi vì những sai lầm đã gây ra trong quá khứ. Ngay từ đầu phim, đạo diễn Jaume Collet-Serra đã tập trung diễn tả sự khổ đau, dằn vặt với quá khứ của một tên trùm giang hồ từng là sát thủ khét tiếng – vai diễn của Neeson.
Quá khứ u ám bủa vây, còn hiện tại thì cô đơn, nghèo túng; khi người ta sum họp, đoàn tụ thì Jimmy Colon phải đối mặt với tuổi già hoang lạnh. Nhưng sự nghiệt ngã vẫn chưa buông tha kẻ tay đã nhúng chàm.
Khi người con trai mà Jimmy ruồng bỏ bị truy đuổi vì nghi án giết người; Jimmy một lần nữa phải đứng dậy. Trong một đêm ngắn ngủi, tay cựu sát thủ này cùng con trai phải đối mặt với gã trùm độc ác Shawn Maguire (Ed Harris), cũng chính là người bạn thân bấy lâu, để có thể bảo vệ con trai của mình. Để làm được việc này, Conlon sẽ phải dấn thân vào một cuộc trốn chạy mà trong đó gã trở thành con mồi bị săn đuổi của cả hai phe: cảnh sát và xã hội đen.
Một cảnh trong “Run all night”
Một cốt truyện không mới, không chứa nhiều lắt léo, nhưng nhờ kịch bản chặt chẽ, gọn gàng, “Run All Night” trở thành bộ phim rất cuốn hút. Không lạm dụng kỹ xảo, không sa đà vào những cảnh hành động cháy nổ, phô trương; vì thế, khán giả có thể cảm nhận được sự chân thực, có sự lan toả cảm xúc qua diễn biến tâm lý của các nhân vật.
Ngôn ngữ điện ảnh và nhịp phim cũng được xử lý khá tốt trong phim, bởi vậy, “Run All Night” giống như một bản giao hưởng kịch tính mà nhạc trưởng là đạo diễn Collet-Serra đã thành công khi cuốn người xem trải qua từng lớp lang câu chuyện.
Không quá nhanh, nhưng nguy hiểm!
Luôn giữ phong độ là diễn viên hành động hạng A của Hollywood từ bao năm nay, đến “Run All Night” Liam Neeson thể hiện độ đằm của một người đàn ông từng trải. Vẫn là vừa đấu súng, vừa đấu trí – giống như hình ảnh quen thuộc của nam chính trong “Non stop” hay gần đây là “A Walk Among the Tombstones” – nhưng Liam tập trung vào diễn xuất nội tâm nhiều hơn.
Bóng tối trong đêm chạy trốn sự truy đuổi của tên trùm Shawn Macguire như bóng tối trong đôi mắt Jimmy và bóng tối phủ lên cuộc đời người đàn ông này. Ngoài yếu tố hành động, thì tính ly kỳ (thriller) cũng được nhấn mạnh như nhiều phim khác có Neeson đóng. Bởi vậy, “Run All Night” giống như một bộ phim Noir. Ở đây, thời gian ban đêm là chương chính mang nhiều tiết tấu dồn nén của bản giao hưởng có chủ đề tình cảm gia đình.
Trong phim, mối quen hệ cha – con được thể hiện qua hai tuyến nhân vật song song. Một bên cha mất con và nung nấu trả thù, một bên cha bị con khước từ tình cảm và người con ấy đang bị đe dọa mạng sống. Tâm thế của người cha ở phía nào cũng đau lòng cả.
Tình cảm gia đình ở đây được diễn tả qua những sự lựa chọn và cách hành động của mỗi nhân vật trong phim; chứ không phải qua lời nói hay rao giảng (như trong nhiều phim “bom tấn” khác). Cách mà người cha ghi nhớ những ký ức, nhìn những đứa trẻ của con mình, không muốn con mình nhúng chàm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào… có thể dấy lên sự đồng cảm của người xem.
Một số màn đua xe và cách dàn dựng cảnh hành động trong phim khá thật, chứ không phải theo xu hướng “siêu thực” bây giờ; khiến bộ phim không rơi vào tình trạng cường điệu, cố “tỏ ra nguy hiểm”. Sau những tiếng súng, sau bóng đêm và lỗi lẫm, ánh sáng mở ra ở cuối phim, đủ để khiến khán giả thấy điều gì còn lại ở tình thân và những năm tháng “không gia đình”…
Ngoài diễn xuất của Liam Neeson thì vai người con Mike Conlon cũng được nam diễn vên điển trai người Thuỵ Điển Joel Kinaman thể hiện khá tốt. Đặc biệt, vai người vợ của Mike do nữ diễn viên Génesis Rogdriguez đảm nhiệm. Kiều nữ sinh năm 1987 này được cho là bóng hồng cuối cùng trong cuộc đời của tài tử đào hoa đoản mệnh Paul Walker. Người đẹp và nam diễn viên “Fast & Furious” hẹn hò sau khi gặp nhau trong phim “Hours”.
Bài: Bùi Dũng
Ảnh: CGV cung cấp