Tàu hỏa đối chiếu - Tạp chí Đẹp

Tàu hỏa đối chiếu

Sống

Tàu Shinkansen của Nhật Bản có một sự thuận tiện kinh hoàng: khách đi tàu không bao giờ phải ngồi quay lưng về hướng đi của đoàn tàu, vì băng ghế ngồi có thể dễ dàng xoay ngược lại. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể nhất định lúc nào cũng ngồi ngược, nếu thuyết phục được những người bên cạnh.



Ấn tượng về một đời sống tàu hỏa, đời sống phong phú nhà ga phòng chờ chỉ thật rõ tại châu Âu, cho dù hình ảnh đoàn tàu bu kín người cả trên nóc ở Ấn Độ mới thật gây choáng váng tinh thần.

Mọi thành phố châu Âu đều được xây dựng xung quanh ga tàu và nhà thờ, một số thành phố như Leipzig có nhà ga (Bahnhof) to đến mức đi mãi không hết, lại rất mỹ thuật, và giới trẻ thành phố tụ tập ở đây như giới trẻ Hà Nội tối tối tập trung ở tượng đài Lê Nin hay tượng đài Lý Thái Tổ, để mà vui chơi, sinh hoạt lành mạnh lẫn không lành mạnh lắm.

Nhất là khi sống tại Pháp, một đất nước không mấy thịnh hành xe khách liên tỉnh, muốn tiện lợi mà không phải tự lái xe đường dài rất nhức vai nhức cổ mà lại bị khống chế tốc độ, thế nào bạn cũng lựa chọn tàu hỏa. Tàu TGV chạy Paris-Marseille mất chừng ba giờ đồng hồ, còn nhanh hơn đi máy bay.

Khi đi tàu, người Pháp hay đọc sách, người Anh hay đọc báo, còn người châu Á nói chung (Hồng Kông, Nhật Bản) chơi điện tử hoặc nhí nhách nhắn tin điện thoại, nhưng không ở đâu hoạt động trên tàu phong phú như trên tàu hỏa Việt Nam: trên các chuyến tàu chợ, người ta thường ăn trứng vịt lộn và đánh bạc kiếm tiền, rồi uống nước chè, hút thuốc lào xòng xọc. Hồi tàu Thống Nhất Bắc-Nam còn chạy mất hai ngày, mỗi lần đi người ta khao khát đợi tới ga Đà Nẵng để được tắm một trận đã đời và nôn nóng đợi ga Diêu Trì để ăn xôi gà.

Đi tàu ở Pháp đã thích, nhưng sang đến những chuyến tàu nước Đức, EC hay IC, tàu liên thành phố, mới thấy thật là văn minh tiến bộ. Người ngoài châu Âu nếu muốn đi du lịch ngắn ngày khắp châu Âu thì nên mua vé “eurail”, được đi tàu thoải mái trong một quãng thời gian nhất định, từ tàu TGV, tàu Thalys, tàu Eurostar tới tàu Trenitalia (tàu Ý thì phải nói là hơi bẩn và hơi lộn xộn); nếu tính toán khéo để qua đêm trên tàu thì còn tiết kiệm được khối tiền khách sạn.

Nhưng cũng phải tìm hiểu cặn kẽ những khác biệt để khỏi rơi vào trường hợp khó xử; vì không biết ban đêm nhà ga ở Thụy Điển đóng cửa nên tôi đã có lần suýt chết vì cái lạnh tháng Chạp bên ngoài một nhà ga trung tâm miền Bắc Âu lạnh hơn tủ lạnh.

Ở Việt Nam ngày nay, nếu căn cứ vào “chi phí cơ hội” thì rất ít người thoải mái chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. Trừ phi đi từ Hà Nội vào Sài Gòn bằng tốc độ của TGV, chứ bao nhiêu chục năm mà mới chỉ rút ngắn được từ 48 tiếng xuống còn 32 tiếng và sự tròng trành lắc lư vĩnh viễn không thay đổi, thì tàu hỏa rõ ràng không phải một lựa chọn khôn ngoan, cho dù các nhà thơ Việt Nam đã dành những dòng thơ đẹp nhất cho đoàn tàu, nhà ga: “Những ngày nghỉ học tôi thường tới/Đón chuyến tàu đi đến những ga” (Tế Hanh), “Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt/Buồn ở đâu hơn ở chốn này” (Nguyễn Bính) hay “Tàu chạy mau mà qua rất lâu/Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau/Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu” (Tô Thùy Yên).

Bỏ không đi tàu nữa cũng đồng nghĩa với từ bỏ một ước vọng lên đường đi xa. Máy bay không đại diện nổi cho ước vọng ấy ở phương diện ẩn dụ, khơi gợi về một phương xa huyền bí. Máy bay trơ trẽn là một cục sắt biết bay, trong khi tàu thủy, tàu hỏa chứa đựng hai thành tố của ngũ hành nên có ý nghĩa rất sâu sắc.

Con người ta mơ lên đường là mơ đến khói bay từ ống khói tàu thủy hay tiếng còi tàu (như tiếng kèn saxophone đầy sexy, theo Ngô Phan Lưu) chứ ai thèm mơ check-in và boarding card.

Mai Thảo để nhân vật của mình nghĩ trong tiểu thuyết “Mười đêm ngà ngọc”: “Xưa kia Nguyên đã mơ ước được như thế, được là một cánh chim giang hồ, người lữ hành của những sân ga”, và hai nhà thơ giang hồ Nguyễn Bính cùng Vũ Hoàng Chương khi liên vận làm một bài thơ dịp đi thăm nhà thơ Bàng Bá Lân trên miền trung du đã mở đầu ngay bằng một câu nức nở: “Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương”.

Cá nhân tôi chủ trương làm theo các bài học đầy lợi ích nhìn thấy được của “chi phí cơ hội” và luôn luôn nghĩ đoàn tàu trông giống con giun đất, nhưng trong những ước mơ thầm kín nhất tôi vẫn mơ mình là một cánh chim giang hồ gian khổ tham gia xúc tuyết cùng hành khách trên tuyến đường xuyên Siberia huyền thoại nghe đâu là sản phẩm của Stalin, hay phè phỡn phòng riêng xa xỉ như một ông hoàng Trung Đông trên tàu Orient Express.

Đã là mơ, thì phải mơ cho đáng, bét nhất tôi cũng muốn ở trên chuyến tàu North-Express giống như trong bộ phim “Strangers on a train” mà Alfred Hitchcock từng quay dựa trên tác phẩm của Patricia Highsmith, để được một lần tận mắt chứng kiến một tấn thảm kịch thật là ly kỳ rùng rợn.

Bài: Nhị Linh



Thực hiện: depweb

15/07/2010, 16:19