Tập truyện “Căn phòng máu” của Angela Carter: Khi nữ quyền được cổ tích viết lại

Sẽ ra sao nếu như cô bé quàng khăn đỏ là một thiếu nữ dậy thì và nảy lòng khao khát một chàng trai tuấn mỹ để rồi nhận ra hắn là con chó sói lông lá đội lốt hóa thành?

Viết lại cổ tích

Một nàng công chúa không bao giờ xuất đầu lộ diện giữa ban ngày, nàng ru rú trong một ngôi nhà cao vút đã hoang phế từ lâu, đợi một người tình tới đánh thức những khao khát ngủ vùi. Bạn có nhận ra đó là câu chuyện cổ tích nào không? Vâng, chẳng gì khác, chính là “Công chúa ngủ trong rừng”. Chỉ có điều, nàng công chúa của Angela Carter là một con ma cà rồng, hậu duệ cuối cùng của dòng tộc Dracula tại Transylvannia.

Vậy còn câu chuyện này thì sao? Một cô gái xinh đẹp bị dâng cho một con hổ, nàng sống trong dinh cơ của hắn, nơi hắn gần như đơn côi tách biệt khỏi thế gian, và con hổ thì mê say nàng. Nhất định rồi, đây là “Người đẹp và quái vật”, nhưng khác ở chỗ, quái vật ở đây thỉnh cầu người đẹp cho hắn được chiêm ngưỡng nàng khỏa thân, và thoạt đầu khi nàng chưa đồng ý, hắn đã buộc nàng ngắm nhìn hắn trần truồng. Đến khi con hổ lần đầu liếm láp cơ thể nàng, lớp da ngoài của nàng dần bong ra, để lộ một lớp lông măng sáng màu. Nàng cũng đã hóa thú.

Cổ tích nữ quyền

Mười truyện từ vừa đến rất ngắn trong tập “Căn phòng máu” (theo bản dịch của Nam Yên, NXB Phụ nữ Việt Nam) là mười truyện cổ tích được viết lại. Chúng không còn là truyện cổ tích cho thiếu nhi nữa, mà là thứ truyện cổ tích trộn lẫn với chủ nghĩa suy đồi của Sade, những truyện cổ tích có khả năng, theo như chính lời Angela Carter mô tả với các học trò văn chương của mình, “cứa vào gốc dương vật của đàn ông như một lưỡi thép”. Những người đẹp và công chúa của Angela Carter không còn chỉ là những hình mẫu nữ giới luôn thụ động bị trù ếm rồi thụ động được giải cứu hay những thánh nữ xinh đẹp thoát tục trong “ánh nhìn đàn ông”, thay vì thế, họ được nhìn nhận như những người phụ nữ bình thường. Nghĩa là có kinh nguyệt. Nghĩa là có ham muốn nhục cảm. Có khát khao. Thậm chí khát khao đến độ đôi khi sẵn sàng trao thân cho mãnh thú.

Giải hoặc huyền thoại trinh nữ

Những trang viết hay nhất của Angela Carter là những trang viết về cảm thức sắc dục ở nữ giới, và gần như luôn luôn là cảm thức sắc dục nơi những “nàng dâu” mới. Huyền thoại trinh nữ gắn liền với tính thiện thuần khiết trong các nền văn hóa cổ xưa đã đem đạo đức đặt giữa hai chân người thiếu nữ, và Carter cho họ mặt đối mặt để hóa giải huyền thoại trinh nguyên đó.

Trung tâm của hầu hết các câu chuyện là sự biến đổi từ cô gái đồng trinh ngây thơ trở thành một người đàn bà. Và trải nghiệm tình ái lần đầu luôn có vẻ giống như bước qua cửa tử. Trong “Nàng dâu của hổ”, người đẹp cảm giác như sắp sửa bị quái thú ăn tươi nuốt sống tấm thân trắng hếu mong manh. Trong “Căn phòng máu”, truyện mở đầu tập sách này, người chồng giàu có bí hiểm đưa người vợ trẻ của y vào một căn phòng đầy hoa huệ tây, loài hoa tang tóc trong văn hóa châu Âu, cùng vô số những tấm gương treo xung quanh khiến cảnh tượng hắn lao vào nàng được nhân lên gấp bội, như một sự phóng đại quyền lực của hắn lên nàng. Ngay cả trong thiên truyện hài hước nhất kể từ góc nhìn một chú mèo ủ mưu cho chủ mình chiếm đoạt cô vợ một tay nhà buôn già bất lực, cuộc ái ân cũng xảy ra trong tình cảnh đầy nguy hiểm, rủi ro, và cô gái coi như đã đánh cược cả vận mình trong giây phút ngả vào lòng người tình.

Thần chết và tình nhân như thể hai lá bài tarot mà họ luôn bắt được cùng một lúc. Yêu là đem mạng sống đặt lên sới bạc. Nhưng nàng sẽ không để mạng sống mình cho kẻ khác tùy nghi định đoạt, nàng hoặc sẽ thuần hóa dã thú, hoặc sẽ biến thành dã thú, hoặc sẽ siết cổ dã thú. Còn nếu phải chết, thì ấy là bởi vì nàng tự muốn cái chết.

Đàn ông hay quái vật?

Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích “Yêu râu xanh” của Charles Perrault, “Căn phòng máu” bắt đầu khi một gã đàn ông hào hoa hỏi cưới một cô nghệ sĩ dương cầm nhỏ bé. Gã cầu hôn nàng bằng chiếc nhẫn ngọc mắt mèo, đưa nàng tới lâu đài mênh mông của mình. Hắn am tường nghệ thuật, tiền bạc rủng rỉnh, thoạt nhiên, gã có vẻ là người chồng đáng mơ ước nhất trên đời. Thế rồi, nàng mở khóa căn phòng bí mật của gã, nơi gã trưng bày những cỗ máy tra tấn cùng xác các cô vợ cũ. Hóa ra, người chồng trong mơ là một kẻ biến thái.

Giống đực gần như luôn có hai lốt trong tác phẩm của Carter. Vừa là ông hoàng vừa là sát nhân, vừa là hoàng tử vừa là sư tử, vừa là chàng thanh niên điển trai vừa là sói ăn thịt người, vừa là vị thần rừng thổi tiêu vừa là kẻ lừa biến những cô gái mới lớn thành chim nhốt trong lồng, vừa là lãnh chúa vừa là hổ. Ngay cả một con mèo đực cũng vừa là vũ công vừa là tay lừa bịp siêu hạng.

Đàn ông là “những tên đồ tể dịu dàng”. Cái ve vuốt của đàn ông vừa êm ái vừa có khả năng đoạt mạng. Nhưng Carter không phủ nhận đàn ông. Thậm chí, với bà, sự man trá chính là vẻ quyến rũ của đàn ông, sự tàn nhẫn là đức hạnh của họ. Và nếu đàn ông nhìn đàn bà qua những huyền thoại, thì đây, đàn bà cũng nhìn đàn ông bằng huyền thoại của riêng mình.

Angela Carter – Đại pháp sư của ngôn từ

Angela Carter mất vào năm 51 tuổi. Trong bài viết tưởng nhớ bà, nhà văn nổi tiếng Salman Rushdie đã nói mất đi Carter là văn chương Anh đã mất đi một “nữ đại pháp sư, nữ hoàng – phù thủy nhân từ, một nghệ sĩ hoạt kê với tài năng thiên bẩm và nét duyên quái đản”.

Không lời tán tụng nào là quá khi nói về Angela Carter. Bà là bậc phù thủy ngôn từ, người tạo nên một thế giới kỳ ảo rùng rợn của những hành lang tăm tối dẫn vào ác mộng, những khu rừng lẩn khuất bầy sói cùng lời nguyền của chúng, những thư viện tù mù chứa đầy sách cấm, hay nói cách khác, của những cái đẹp đầy nọc độc.

Thế nhưng, cũng như cô bé quàng khăn đỏ của Carter khi bị con sói dụ hoặc đã lần lượt cởi quần áo ném vào lò sưởi, và phì cười khi con thú khát máu nói muốn ăn thịt cô vì cô biết mình “sẽ không trở thành món thịt cho kẻ nào hết”, trong thế giới tua tủa nọc độc, Angela Carter và những người phụ nữ như bà sẽ duyên dáng lướt qua, dù có chút xây xát, song vẫn ổn và hoàn toàn chẳng hề hấn gì.

SPOTLIGHT
– D16 Creative Class
– Pakistan
– Căn phòng máu


From the same category