Vào cuối năm ngoái, thông tin nghệ sĩ Chí Tài đột quỵ khi leo cầu thang bộ đã khiến nhiều người lo lắng. Mới đây, biến cố đau buồn của hoa hậu Thu Thuỷ hay cầu thủ Đan Mạch Christian Eriksen bất ngờ đổ gục xuống sân dù không có bất kì va chạm nào càng khiến nhiều người lo lắng.
Theo thống kê của Gevenahealth, một tổ chức chăm sóc sức khỏe ở NewZealand, cứ mỗi năm sẽ có 1 triệu ca đột quỵ được ghi nhận trên toàn cầu. Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng não bị tổn thương do quá trình cấp máu bị gián đoạn, dẫn đến xuất huyết và não bộ thiếu oxy. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau thiếu máu cơ tim (báo cáo được ghi nhận vào năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19).
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến đột quỵ, liệu việc tập luyện thể thao có phải là một trong số đó?
Nói đến chuyện đột quỵ khi tập thể dục, có hai điều cần được làm rõ để tránh gây nhầm lẫn. Theo bác sĩ Lê Nguyễn Hoàng: “Một người tử vong do vận động quá sức trong tập thể dục và căng thẳng tâm lý là do đột tử, không phải đột quỵ. Nhóm này được xếp vào nhóm nguy cơ stress dẫn đến cái chết đột ngột”. Còn đột quỵ khi tập thể dục chỉ xảy ra khi bản thân người đó đã mắc các bệnh lý nền, cơ thể có sẵn yếu tố nguy cơ của bệnh, dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc vỡ mạch máu não. Theo đó, nói tập luyện thể thao là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ là không đúng.
Trong các yếu tố liên quan đến đột quỵ, có thể kể đến bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, béo phì, hút thuốc, lối sống ít vận động, trạng thái căng thẳng kéo dài. Đột quỵ là bệnh thường gặp ở người già, tuy nhiên, người trẻ vẫn đối diện với rủi ro do các yếu tố di truyền, mạch máu không ổn định, mắc bệnh đông máu dẫn đến nguy cơ vỡ mạch hoặc nghẽn mạch.
Với những ai muốn tránh được rủi ro đột quỵ, tập thể dục đều đặn chính là lời khuyên hiệu quả nhất.
Tập thể dục thể thao giúp giảm bớt các tác nhân gây bệnh như chứng tăng huyết áp, đái tháo đường, lượng cholestorerol cao và căng thẳng thần kinh. Theo Genevahealth, chỉ cần giữ nhịp độ 5 lần trên tuần, mỗi lần tập luyện 30 phút sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ tới 25%.
Để tối đa hiệu quả, bạn cần phải biết tập luyện đúng cách. Tập thể dục với cường độ cao sẽ hại nhiều hơn lợi, vì vậy nên giữ cường độ ở mức trung bình hoặc thấp, miễn là thực hiện một cách đều đặn. Nên tập luyện 2 tiếng rưỡi mỗi tuần, và mục tiêu đó sẽ hoàn thành dễ dàng nếu chúng ta tập luyện 5 lần mỗi tuần, mỗi lần 30 phút. Nếu bạn cảm thấy cơ thể không đáp ứng được cường độ tập luyện liên tục 30 phút, bạn có thể chia nhỏ thêm thời gian tập luyện. Ví dụ, bạn có thể tập luyện 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 phút.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử xây dựng một số thói quen trong sinh hoạt, chẳng hạn như dùng cầu thang bộ thay vì thang máy, tùy vào khoảng cách mà chọn đi bộ thay vì đi xe máy hoặc ô tô. Làm việc nhà, chăm sóc vườn tược cũng giúp giải phóng áp lực trong cơ thể bạn.
Động lực là điều cần thiết để bạn kiên trì ở tất cả mọi việc, bao gồm tập thể dục thể thao. Có một câu thần chú giúp bạn điều đó, và cũng có thể là một điều bạn chưa biết: Cơ thể con người tạo ra là để chuyển động.
Bạn có thể đang ngồi đọc bài viết này, và ngồi một vài phút sẽ chẳng có tác động gì to lớn, ngược lại còn giúp bạn giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng nếu bạn ngồi liên tục, cơ thể bạn sẽ bị hủy hoại dần dần. Nếu bạn nghĩ rằng mình thích ngồi hơn, thì đấy là bạn nghĩ, còn cơ thể bạn thì đang gào thét chờ đợi từng giây một để được đứng lên và chuyển động.
Cơ thể chúng ta có hơn 360 khớp xương và 700 cơ xương, cho phép sự chuyển động linh hoạt và dễ dàng. Cấu trúc khung xương độc đáo giúp chúng ta đứng thẳng, máu phụ thuộc vào sự vận động để lưu thông bình thường, da cần bạn di chuyển để có thể đàn hồi tốt, dây thần kinh hưởng lợi từ sự vận động. Vì vậy, lười vận động sẽ khiến chúng ta bị trì trệ cả về thể chất lẫn tinh thần.