Tập sao cho đủ? - Tạp chí Đẹp

Tập sao cho đủ?

Giữ Dáng

Người tập Yoga

Nói không ngoa, các lớp tập Yoga hiện nay nhiều như “sao trên trời”, không thể nào đếm xuể, nhất là ở các thành phố lớn. Đi vào chỗ nào, ngóc ngách nào cũng thấy lớp tập “môn phái” này. Chỉ cần hở ra một diện tích, là người ta chộp lấy ngay để mở lớp tập Yoga. Còn người đi tập “đồ nghề” đơn giản chỉ là cái chiếu vừa cho một người ngồi và nằm. Thậm chí tại những khu dân cư mà tấc đất hơn cả tấc vàng, người ta thuê cả trường học gần đấy để thành lập lớp Yoga, bất chấp tiếng học sinh tan trường ồn ã, tiếng xe cộ rầm rập. Tại những khu đô thị mới, những lớp này còn rầm rộ hơn. Gần như tòa nhà nào cũng có lớp tập Yoga và người học đa số là các bà, các chị thuộc “dân” văn phòng. Cũng phải thôi, đối tượng lao động này đặc thù làm việc là đút chân gầm bàn suốt cả ngày, mặt thì “cắm” vào máy tính, khí âm thì không tới, khí dương với không xong nên đi luyện Yoga là phải.

Thực tế mà nói, nếu tập Yoga đúng động tác, phương pháp… thì không chỉ mang lại sức khỏe, đầu óc nhẹ nhõm mà còn mang lại cả nhan sắc, thần thái cho người luyện. Nghĩa là nó mang lại cho con người nội lực từ tận gốc rễ chỉ bằng phương pháp luyện tập mang tính đặc thù rất cao. Tuy nhiên, vấn đề của các lớp Yoga hiện nay lại chính là ở ưu điểm này.

 

Như đã nói ở trên, do chỉ là phong trào và bộc phát hoàn toàn nên các lớp tập Yoga chỉ có lượng mà không có chất. Nhìn từ người dậy, hầu hết họ đều là những môn sinh “trưởng thành” từ chính những lớp tập như vậy sau đó ra mở lớp, thu nạp “học viên” để kiếm tiền hơn là truyền bá một môn phái theo đúng nghĩa của nó. Có ai tưởng tượng được rằng, một cô gái bán trà chanh vỉa hè vì chán cái nghề sinh nhai này đã tham gia một lớp tập Yoga chỉ với mục đích duy nhất sẽ đi dạy Yoga để làm sang mình hơn, kiếm tiền nhiều hơn. Còn một người thất nghiệp, đã “đầu tư” cho mình bằng khóa học Yoga để rồi sau đó trở thành thầy dạy Yoga chuyên nghiệp… Nói chung có rất nhiều trường hợp như vậy.

Còn người học, ở đâu có lớp là ở đó có ta, miễn tìm hiểu thầy dạy ra sao, thể trạng có phù hợp với luyện tập Yoga hay không… Bác sĩ Đỗ Thu Phương, Trưởng khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Hà Nội cũng công nhận điều này và cảnh báo là rất nguy hiểm. Bởi thực tế đã có những trường hợp tử vong ngay khi đang tập Yoga. Vậy người như thế nào thì mới tập Yoga và phải tập như thế nào?

Nên và không nên

Những kỹ thuật cơ bản để luyện tập Yoga tưởng chừng rất đơn giản khi chỉ dựa trên phương pháp thở sâu – nông, thiền. Nhưng thực tế thì không phải ai cũng có thể trở thành môn sinh của Yoga và không phải bài tập nào cũng có thể áp dụng cho tất cả các môn sinh. Như năm 2010, một môn sinh say mê luyện tập ở TP. Hồ Chí Minh chỉ vì tập quá sức và sai khoa học khi nhịn ăn rồi uống nước lọc thay thế đã tử vong ngay trong tư thế ngồi thiền.

Cho nên theo bác sĩ Đỗ Đào Vũ, khoa Phục hồi chức năng, bệnh viện Bạch Mai tập Yoga rất tốt cho sức khỏe nhưng phải biết thế nào đủ. “Đủ” ở đây chỉ người tập mới có thể cảm nhận được như nếu sau tập, môn sinh thấy khoan khoái, tinh thần thoải mái, thể lực tăng dần thì như thế là đủ. Chứ ngược lại, sau tập mà thấy mệt mỏi, đau nhức như vậy là tập quá đà, phải dừng lại ngay nếu không muốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.

 

GS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai cũng nhấn mạnh với báo giới: “Tập Yoga không đúng cách có thể gây ra một số chấn thương có thể là co cứng cơ, bong gân, bán trật khớp, đau khớp hoặc đau thần kinh tọa, cánh tay…”. GS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc tiếp: “… Để tập Yoga hiệu quả, người tập cần tuân thủ đầy đủ các bước của bài tập. Nếu tập tại nhà, không nên bỏ qua phần khởi động. Đây là khâu quan trọng giúp người tập tránh được các chấn thương vì khởi động làm ấm nóng các khớp, đưa cơ thể chuyển từ trạng thái tĩnh sang động một cách từ từ không đột ngột”.

GS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc cũng lưu ý thêm: những người mới tập không cần phải thực hiện ngay những động tác khó, nặng, nhất là ở những tư thế trồng cây chuối, ngồi lâu ở các tư thế gò bó, căng giãn quá mức hoặc quá duỗi quá ưỡn… Trong trường hợp thấy đau khi thực hiện một động tác thì phải dừng ngay lại, không được tập nữa. Bao giờ hết đau, mới được tập tiếp. Ngoài ra, khi tập cần có tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng… Riêng đối với những người bệnh, theo GS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc cần có chế độ luyện tập riêng, phù hợp với tình trạng sức khỏe và tốt nhất nên có chuyên gia có kinh nghiệm hướng dẫn, chứ không được tự tập tại nhà. Còn với những người bị bệnh tim mạch, phổi, tổn thương cột sống, viêm khớp thời gian phục hồi sau chấn thương thì tuyệt đối không được tập.

Bác sĩ Đỗ Thu Phương, Trương khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Hà Nội khuyến cáo: “Hiện tượng nhiều môn sinh luyện tập chưa được bao lâu nhưng đã ra hướng dẫn người khác là điều rất nguy hiểm. Bởi vậy, để “không tiền mất tật mang”, người luyện Yoga phải tìm hiểu kỹ cơ sở cũng như chuyên gia hướng dẫn trước khi đến đó luyện tập để xem đó có phải là nơi uy tín, “thầy” giàu kinh nghiệm dạy không. Thầy giàu kinh nhiệm là người đã học bài bản cả về triết lý sâu sắc của Yoga và luyện tập lâu năm môn phái này.

Xuân Bách (theo Tư vấn tiêu&dùng)

Thực hiện: depweb

13/08/2012, 14:12