“Táo Quân” dừng phát sóng, ngày Tết như thiếu vị bánh chưng

Dù thông tin chương trình hài kịch nổi tiếng “Gặp nhau cuối năm” (hay còn gọi là “Táo Quân”) dừng phát sóng đã được VFC (Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam) chính thức xác nhận, nhưng từ khán giả đến ê-kíp làm phim chẳng ai đành lòng nói lời từ biệt. Một phần trong họ vẫn hy vọng về một phép màu đưa “Táo Quân” trở lại, một phần cảm thấy tiếc nuối vì niềm vui đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến chỉ còn là kỷ niệm đẹp.

Thân quen như bánh chưng ngày Tết

Được phát sóng vào ngày Tất niên Âm lịch hằng năm vào năm 2003, “Táo Quân” đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với khán giả Việt và gắn liền với dàn nghệ sĩ Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng. Thông qua tiếng cười trào phúng, “Táo Quân” trực tiếp nói về những vấn đề làm người dân trăn trở bao gồm kinh tế, giáo dục, giao thông, xã hội và y tế. 15 năm bền bỉ lên sóng của “Táo Quân” được phần đông khán giả ví von như hương vị không thể thiếu của ngày Tết, giống như mùi hương trầm, mùi bánh chưng, bánh mứt. “Gặp nhau” dịp cuối năm với tiếng cười tống cựu nghênh tân, người xem dần coi lời tổng kết của Ngọc Hoàng cuối mỗi chương trình như tiếng chuông, tiếng pháo tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới.

Khó ai ngờ được “Táo Quân” của dịp Tết Kỷ Hợi lại là “mùa Táo” cuối cùng.

Với sự phát triển chóng mặt của mảng truyền hình giải trí với sự xuất hiện của ngày càng nhiều nghệ sĩ hài, tiếng cười từ lâu đã không còn khan hiếm với người xem. Thậm chí, khán giả và nghệ sĩ cũng không cần phải đợi đến mỗi “cuối tuần” hay “cuối năm” mới được “gặp nhau”. Tương tự, chúng ta vẫn có thể ăn xôi, thịt, bánh chưng mà không cần phải chờ đến dịp lễ Tết. Thế nhưng “Táo Quân”, hay bánh chưng theo thời gian đều trở thành một nét văn hóa thân thuộc “báo hiệu” Tết đến xuân về.

“Táo Quân” đã cùng khán giả chứng kiến những thay đổi lớn của xã hội, đời sống, bước tiến ngoạn mục của lĩnh vực giải trí và sự phát triển của các phương tiện truyền thông.ời gian đều đã trở thành một nét văn hóa thân thuộc “báo hiệu” Tết đến xuân về.

Một vài năm trở lại đây, mùa “Táo Quân” nào cũng có những khen chê từ lời thoại, than phiền về thời gian quảng cáo quá nhiều. Dẫu vậy, khán giả còn chê là khán giả còn yêu. Chê bởi vì người xem vẫn tiếp tục muốn lặp lại những trải nghiệm sảng khoái lẫn xúc động mà mỗi mùa “Táo Quân” đem đến. Vậy nên ngay cả khi “mùa sau nhạt hơn mùa trước”, rating của chương trình vẫn luôn ở mức ngất ngưởng, những lời thoại, nhạc chế từ “Táo Quân” vẫn được nhiều khán giả thuộc lòng, hát lại.

Chưa ai sẵn sàng cho lời từ biệt

Không phải đến bây giờ, tuổi đời của “Táo Quân” và dàn nghệ sĩ mới được đưa ra bàn luận. Khán giả Việt đã chuẩn bị tinh thần để tạm biệt lứa nghệ sĩ lớn tuổi và đón nhận những gương mặt mới. Ở các mùa “Táo Quân” 2017 và 2018, sự xuất hiện của những gương mặt trẻ miền Bắc như Trung “ruồi”, Mạnh Dũng, Minh “tít” được xem là động thái để đưa lớp diễn viên trẻ ra mắt khán giả. Đến mùa “Táo Quân” 2019, trong vai Thiên Lôi và Phó Thiên Lôi, Trung “ruồi”, Mạnh Dũng và Đỗ Duy Nam tung hứng nhịp nhàng ở nhiều trường đoạn đặc sắc, thậm chí có thể đẩy tiếng cười lên đến cao trào – điều mà các năm qua chỉ những nhân vật chính mới làm được.

Ở các mùa “Táo Quân” 2017 và 2018, sự xuất hiện của những gương mặt trẻ miền Bắc được cho là một động thái tiếp tục phát triển và làm đa dạng thêm “Táo Quân”.

Những động thái này càng củng cố thêm niềm tin rằng “Táo Quân” sẽ vẫn tiếp tục được phát triển và đa dạng hơn. Lớp nghệ sĩ trẻ sẽ thay các thế hệ trước gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này, trong khi những gương mặt như Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Vân Dung vẫn còn khả năng đồng hành cùng “Táo Quân” đến một vài năm nữa. Ngay cả ê-kíp sản xuất “Táo Quân” cũng chưa sẵn sàng cho lời từ biệt này. “Mỗi năm hoa đào nở.. Là các Táo lên chầu… Năm nay đào vẫn nở… Mà chả thấy Táo đâu… Em không thích Táo kết thúc đâu các anh chị ơi!!! Em đau lòng lắm!!! Buồn lắm đi thôi”, nữ danh hài Vân Dung chia sẻ trên trang cá nhân.

Danh hài Vân Dung cảm thấy lời từ biệt “Táo Quân” quá đến bất ngờ.

“Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng, người nắm vai trò viết kịch bản cho “Táo Quân” trong 12 năm, cũng thẫn thờ khi hay tin chương trình dừng lại: “Đang ở phương trời xa, lòng không khỏi bàng hoàng khi nghe tin năm nay không còn Táo Quân nữa. Bình thường đầu tháng 11 là đạo diễn đã mời đi ăn uống, vuốt ve động viên ngọt ngào… Năm nay qua cả ngày Nhà giáo mà vẫn không thấy gọi đi ăn, tưởng anh ấy đã có người khác, ai dè là kinh phí mời ăn năm nay không được duyệt nữa”. Còn đại diện của VFC hứa hẹn: “Táo Quân dừng lại nhưng không phải để kết thúc mà để mở ra một chương trình với format khác biệt, hứa hẹn hấp dẫn hơn, tươi mới hơn. Đây sẽ là thách thức lớn đối với VFC”.  Và cũng là thách thức đối với cả khán giả.

15 năm “Táo Quân” giờ chỉ còn là những kỷ niệm đẹp trong lòng khán giả.

Trên thực tế, vô số chương trình giải trí khác được khán giả yêu thích, nhưng điều giữ chân khán giả với “Táo Quân” là nét văn hóa đã được hình thành nhờ “15 cái Tết”. Nội dung và việc sản xuất “Táo Quân” không phải để đem lại không khí ngày Tết nhưng trong suốt hơn 10 năm qua, chỉ mình “Táo Quân” làm được điều đó khi việc cả gia đình quây quần xem chương trình đã trở thành một nét văn hóa khó thay thế. Và khán giả cũng khó lòng đón nhận một chương trình hoàn toàn mới mà không so sánh, hoài cổ.


From the same category