Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức liên tiếp các hội nghị lấy ý kiến về việc tăng mức lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp từ 1/1/2013. Nhiều chuyên gia cho rằng, đời sống người lao động hiện gặp rất nhiều khó khăn nên việc tăng lương là rất cần thiết.
Tăng lương từ 1/1/2013 là hợp lý
Ông Hoàng Minh Hào – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động – tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trước tình hình chỉ số giá cả sinh hoạt tăng cao, nhất là những tháng cuối năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng thống nhất đối với người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp từ ngày 1/10/2011. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mức lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được khoảng 57-63% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,38% và dự kiến cả năm đạt từ 6-6,5%, mức tăng tiền lương bình quân trên thị trường lao động dự kiến tăng khoảng 8-10%.
“Phân tích như vậy để thấy rằng, năm 2013, cần thiết phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp theo đúng quy định của Bộ luật Lao động” – ông Hào nói.
Tại các hội nghị lấy ý kiến gần đây, đa số các chuyên gia và đại diện các tỉnh, thành phố cũng cho rằng, thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp từ ngày 1/1/2013 là hợp lý.
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận xét, việc điều chỉnh lần này nằm trong lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu chung do Chính phủ đề ra. Thực tế, đa số các doanh nghiệp đã trả cho người lao động mức lương cao hơn so với mức lương sắp điều chỉnh.
Mức lương hiện nay chỉ mới đáp ứng được 57-63% nhu cầu tối thiểu của người lao động (Trong ảnh: Công nhân may mặc đang hết sức khó khăn). Ảnh: Nguyễn Hà |
“Điều cần bàn là mức lương mới sẽ là căn cứ để doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi xem xét hai phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị lựa chọn theo phương án 1” – ông Chính cho biết.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh cũng đề xuất nên áp dụng ở phương án 1 là tăng lên 2,7 triệu đồng. Theo các đại biểu này, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đã trả lương cho người lao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng nên việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng lần này tuy có ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng không đáng kể. Thực tế hiện nay cũng cho thấy, nếu Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 2,7 triệu đồng thì các doanh nghiệp cũng sẽ lấy khoản tiền hỗ trợ thêm cho người lao động trước đây vào thu nhập của người lao động để chi trả các loại tiền bảo hiểm.
Ngoài ra, các ý kiến của đại biểu cũng đề xuất thời gian áp dụng điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào ngày 1/1/2013 là hợp ý đối với các doanh nghiệp. Nếu điều chỉnh lùi xuống ngày 1/5/2013 cùng với việc điều chỉnh mức lương tối thiểu với hệ thống khu vực hành chính sự nghiệp sẽ gây tác động ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của doanh nghiệp và người lao động.
Tăng lương, doanh nghiệp khốn đốn
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà – đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM nhìn nhận, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sẽ khiến cho các doanh nghiệp thực sự gặp khó trong giai đoạn hiện nay. Theo bà Hà, qua lấy ý kiến của các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp đề xuất chỉ nên tăng 10-11%. Một số ý kiến khác lại đề xuất tăngmức lương tối thiểu vùng lên khoảng 20-30%.
“Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp chưa đồng tình với mức điều chỉnh mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra. Còn nếu điều chỉnh, hai phương án do Bộ đề xuất đều quá cao” – bà Hà nói.
Theo bà Hà, nên đưa ra phương án khác khả thi hơn và mang tính thuyết phục hơn để việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng là chiến lược lâu dài. Hiện các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, như hàng sản xuất không tiêu thụ được, hàng tồn kho quá nhiều, nhất là các ngành như thủy sản, may mặc, chế biến gỗ, bất động sản… Vì thế, nếu tăng lương vào năm 2013, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản.
Ông Nguyễn Tiến Định, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp TP.HCM, đề nghị, nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2013 ở mức khoảng 2,6 triệu đồng/tháng.
Còn ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng nên áp dụng điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 2,5 đến 2,6 triệu đồng/tháng và thời điểm áp dụng là vào ngày 1/1/2013. Theo ông Xê, hiện nếu áp dụng phương án 1 là 2,7 triệu đồng thì các doanh nghiệp sẽ khó mà thực hiện được.
Ông Phạm Minh Huân cho biết, trong năm 2013, Hội đồng tiền lương Quốc gia đi vào hoạt động sẽ tạo ra tiếng nói chung nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp cùng phát triển.
Đầu tháng 9, hai phương án lương sẽ được trình Chính phủ quyết định vào cuối tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh phía Bắc đều nghiêng về đề nghị áp dụng phương án 1 theo đúng lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã trình Hội nghị TƯ (vùng 1: 2,7 triệu đồng/tháng/người; vùng 2: 2,4 triệu đồng; vùng 3: 2,130 triệu đồng; vùng 4: 1,930 triệu đồng).
Còn đại diện VCCI và các KCN kiến nghị chọn phương án 2 (vùng 1 là 2,5 triệu đồng, vùng 2 là 2,25 triệu đồng, vùng 3 là 1,95 triệu đồng và vùng 4 là 1,8 triệu đồng).
Theo Vietnamnet