Tăng lương để... phòng chống tham nhũng? - Tạp chí Đẹp

Tăng lương để… phòng chống tham nhũng?

Tin Tức
Tư duy logic hình thức?

Ai tham nhũng? Người có chức quyền. Vì sao họ tham nhũng? Lương thấp, lương không thực chất.

Và vì thế phải tăng lương cho họ. Tăng thu nhập cho họ ở mức khá. Để phòng chống tham nhũng.

Về hình thức, tư duy này có vẻ hợp logic: Quan chức thu nhập thấp, dễ tham nhũng. Lương bổng khá hơn, sẽ bớt tham nhũng đi. Nhưng thực chất có phải vậy không?

Người viết bài, nhớ tới ngành giáo dục. Một dạo cũng lý luận na ná kiểu này. Tăng thu nhập cho giáo viên, để tăng chất lượng. Nhưng thu nhập tăng đủ kiểu, mà chất lượng giáo dục, giờ thế nào, ai cũng có thể trả lời!

Chủ đề lương cho viên chức, công chức đã được hơn một lần cải tiến, cải cách. Mục đích đều nhằm làm sao để những người làm công ăn lương sống được, sống tốt, ít nhất nuôi được bản thân và một đứa con.

Không chỉ dừng ở đó mà lương còn để đánh giá trình độ năng lực, để người được hưởng lương tận tụy với công việc được giao, để thực thi đúng pháp luật, để thực sự là người phục vụ nhân dân…

Tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng, chắc thấy nổi lên vấn đề chống tham nhũng chưa có hiệu quả, nên giải pháp sẽ là tăng lương cho người có chức quyền.

Nhìn vào bảng lương mà Chính phủ trả cho “người làm thuê” cho nhân dân (viên chức, công chức) thì thấy lương cho người có chức quyền không thấp (so với mặt bằng chung của xã hội).

Chưa kể, lương và thu nhập là hai khái niệm khác nhau. Thế nhưng tham nhũng vẫn cứ càng lúc càng tăng. Tham nhũng đã thành “quốc nạn”. Tham nhũng đã được gọi là giặc.

Vậy thì tăng lương cho những người có điều kiện tham nhũng (người có chức quyền) liệu có giải quyết được vấn nạn này không? Tăng lương rồi mà vẫn tham nhũng, thì làm gì nữa? Chả lẽ lại…tăng lương tiếp?

 

Tăng lương có chống được tham nhũng? Ảnh minh họa 

Trị chứng, không trị căn nguyên

Rõ ràng, giải pháp này (tăng lương), phác đồ điều trị chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng. Không thể chữa khỏi bệnh. Bệnh tham nhũng nằm ở những nguyên nhân khác.

Tham nhũng vốn là thuộc tính con người. Cơ chế quản lý vận hành càng có nhiều sơ hở, khiếm khuyết, tham nhũng càng có cơ “chui sâu, leo cao”.

Vậy thì phải làm sao? Kinh nghiệm phòng chống tham nhũng từ nhiều quốc gia phát triển, từ nhiều quốc gia láng giềng cũng đã cho ta nhiều giải pháp tốt. Vấn đề là chúng ta có làm không, có dám làm đến nơi đến chốn không. Hay chỉ “đánh trống bỏ dùi”, chỉ “đánh rắn giữa khúc”…

Đây là một cuộc chiến không kém cam go. Chẳng thế chúng ta đã dùng chữ “giặc nội xâm”. Tham nhũng hiện nay tràn lan, khắp mọi nơi. Đâu phải chỉ là người có chức quyền nắm giữ trọng trách, mới tham nhũng, mà một nhân viên bảo vệ, một nhân viên cảnh sát…vẫn có thể tham nhũng.

Vậy thì giải quyết ra sao?

Người viết bài thiển nghĩ, nếu ngay tháng sau, Chính phủ tăng lương khởi điểm cho y tá 5 triệu đồng/ tháng, cho nhân viên cảnh sát giao thông, cảnh sát phường 10 triệu đồng/ tháng, và tất cả đều tăng, thì tham nhũng vẫn cứ là bài ca với điệp khúc cho ta trèo hái mỗi ngày”

Phòng chống tham nhũng cần những giải pháp khác. Mà trước hết rất cần một biện pháp mạnh đối với những người nắm trọng trách, có nguy cơ tham nhũng hơn nhiều người khác.

Quan trọng hơn phải làm sao có cơ chế kiểm soát tốt những người có chức quyền, hạn chế quyền lực lâu nay khá vô biên của họ.

Đừng để tồn tại hiện tượng phổ biến là cấp dưới luôn luôn phải chấp hành cấp trên, ngay cả khi nhận thấy cấp trên sai, để bao chuyện đau lòng như đi tù thay, hoặc cùng đi tù với họ.

Cuối cùng, để làm tốt mọi việc trong đó có phòng chống tham nhũng, để một Việt Nam phát triển tốt sau 2020 thì giải pháp của mọi giải pháp là công khai minh bạch, phải cho dân biết, dân bàn…, phải dân chủ.

Vì thế, tăng lương cho người có chức quyền không phải là biện pháp căn bản giải quyết nạn tham nhũng. Mà thậm chí có khi lại tạo ra bất công mới, ở góc độ lao động và đãi ngộ.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

25/09/2012, 07:36