Tăng lương 100 nghìn đã là cố gắng

Về lương của khối doanh nghiệp, bà Phạm Thị Hải Chuyền nói, doanh nghiệp đồng ý tăng nhưng cũng phản ánh đang gặp khó, chi phí sản xuất tăng…

“Mức tối thiểu nay chia làm 4 vùng; cao nhất 2 triệu, thấp nhất hơn 1 triệu, không đủ sống, nên cơ quan lập chính sách thấy cần có lộ trình tăng ngay năm 2013 và chúng tôi đã đề xuất, và phải theo đề nghị của doanh nghiệp là phải được thông báo trước, từ tháng 10 hoặc tháng 11.

Tuy nhiên, cũng chia sẻ cho người sử dụng lao động nên mức đề xuất không phải đủ 100% như lộ trình mà từ 1/1/2013, nhưng khoảng 20%.

Mức kiến nghị tăng 20% dựa trên điều tra xã hội về mức sống của người lao động. Hiện nay lương tối thiểu chỉ đảm bảo được trên 60% nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng phải có lộ trình. Nếu mình đòi hỏi quá, doanh nghiệp đóng cửa thì người lao động không có việc làm chứ chưa nói đến thu nhập.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tăng lương khối DN phải có lộ trình. Nếu đòi hỏi quá, DN đóng cửa thì người lao động không có việc làm chứ chưa nói đến thu nhập

Chúng tôi quy định mức tối thiểu, bắt buộc doanh nghiệp phải trả. Chứ anh đã trả cao hơn được rồi thì tốt. Trước mắt là đảm bảo lương tối thiểu theo thang bảng lương. Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ một phương án nhưng còn chờ kết luận”.

Bộ máy không thể cồng kềnh, ‘ngốn’ ngân sách

Cũng trao đổi với báo giới, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết bà ủng hộ phương án Bộ Tài chính báo cáo QH –  tăng lương tối thiểu của công chức thêm 100.000 đồng.

Về dài hạn, bà Mai cho rằng phải hướng tới tinh gọn bộ máy.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Người dân không thể chấp nhận một bộ máy nhà nước cồng kềnh, dùng ngân sách quá lớn để trả lương được 

Bà Mai nói, Nhà nước phải tiếp tục tăng lương cho khu vực hành chính để đảm bảo mức cơ bản sao cho công chức toàn tâm toàn ý trong công việc. Còn khu vực dịch vụ công là khu vực có thu, hoạt động theo luật Viên chức, chúng ta có lộ trình tăng giá học phí, viện phí, tăng các dịch vụ công cơ bản, rồi dùng nguồn đó để trả lương cho khu vực này.

Cho khu vực này tự chủ về nhân lực, về lương, để họ hoạt động hiệu quả hơn, chuyển dịch mạnh mẽ hơn. Khi đó hoàn toàn có thể lấy nguồn lương của khu vực này chuyển sang cho khu vực hành chính.

Người dân không thể chấp nhận một bộ máy nhà nước cồng kềnh, dùng ngân sách quá lớn để trả lương được – bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Hai là sắp xếp lại tiền lương cho các khu vực. Như thế thì Nhà nước chỉ tập trung cho khu vực hành chính, còn khu vực dịch vụ công đã có thu, anh dùng nó chi trở lại.

Ta phải đi theo lộ trình, không thể nhanh quá để người dân bất ngờ, như lộ trình bảo hiểm y tế bắt buộc đi cùng lộ trình tăng viện phí. Hai là cho phép khu vực dịch vụ công chủ động từ từ.

Thứ ba là thay đổi cơ cấu đầu tư: để các bệnh viện, trường học ở thành phố lớn chủ động trước, còn vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, Nhà nước vẫn ưu tiên. Khi đó miếng bánh ngân sách còn nhỏ nhưng vẫn công bằng.

Như thế về tổng thể lương không tăng trong tổng chi ngân sách nhà nước. Nếu vẫn tiếp tục phải trả lương cho toàn bộ cả khối hành chính và dịch vụ công thì chúng ta không có lời giải thỏa đáng cho vấn đề lương được. Tôi nghĩ vấn đề này sau năm 2013, khi hội nghị Trung ương 7 bàn thì sẽ có bước đi công bằng, dài hạn, hợp lý hơn.

Theo Vietnamnet


From the same category