Tăng lực dẫn tới… tăng cồn? - Tạp chí Đẹp

Tăng lực dẫn tới… tăng cồn?

Sống
Mới đây, trên toàn nước Mỹ, rộ lên tin tức về sự an toàn của các loại nước uống tăng lực có chứa cồn như Four Loko. Những hãng sản xuất đồ uống loại này đang phải đối mặt với một số lệnh cấm về việc loại bỏ chất caffeine và các chất kích thích khác trong sản phẩm của mình. Nhưng không chỉ đồ uống có chứa cồn, các loại nước uống tăng lực không chứa cồn như Red Bull hay Monster cũng có thể làm gia tăng nguy cơ lạm dụng chất có cồn đối với sinh viên đại học và bạn trẻ tuổi teen. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học trường đại học Maryland và Johns Hopkins (Mỹ).


Để phục vụ cho nghiên cứu này, các nhà khoa học đã kiểm tra mức tiêu thụ nước uống tăng lực và thói quen sử dụng đồ uống có cồn của 1097 sinh viên năm thứ tư tại một trường đại học công lập lớn. Các dữ liệu được tập hợp từ khảo sát về cuộc sống sinh viên của nhà trường thông qua máy tính. Các nhà nghiên cứu đã cho biết, có 10% sinh viên tiêu thụ nước uống tăng lực với tần suất cao, trên 52 ngày mỗi năm, một số trường hợp uống hàng ngày. Khoảng một nửa sinh viên tiêu thụ tần suất thấp hơn (ít hơn 52 ngày mỗi năm). Số ít còn lại không sử dụng đồ uống tăng lực.


So với nhóm có tần suất thấp, những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống tăng lực uống rượu nhiều hơn, trên 142 ngày/năm, trong khi những người ít uống nước tăng lực uống rượu trung bình khoảng 103 ngày trong năm. Nhóm tần suất uống nước tăng lực cao cũng uống nhiều hơn về số lượng, 6,2 ngụm mỗi ngày trong khi nhóm kia uống 4,6 ngụm mỗi ngày.


Những người sử dụng nước tăng lực tần suất cao cũng phụ thuộc nhiều vào rượu hơn.


Các nhà nghiên cứu cũng rà soát cả những yếu tố ảnh hưởng khác như nhân cách, tiền sử gia đình (nghiện, trầm cảm) và việc tham gia hoạt động xã hội. Kết quả vẫn không thay đổi.


Tuy nhiên, mối quan hệ giữa sử dụng đồ uống tăng lực và việc tăng nguy cơ lạm dụng rượu cũng chưa rõ ràng. Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng, nguyên nhân có thể ở một trong hai hướng: uống nhiều nước tăng lực nhằm giúp cơ thể chống chọi lại những áp lực công việc hay học hành; hoặc là do những người trẻ tuổi có xu hướng thích đồ uống tăng lực lẫn đồ uống có cồn.


Nghiên cứu vừa mới được công bố trên tạp chí Alcoholism: Clinical & Experimental Research (Mỹ).


Bài: Nan
Ảnh: Shuttervoice

Thực hiện: depweb

29/11/2010, 16:41