Tăng giá xăng liên tiếp: DN và người dân dính đòn đau

Vận tải tăng giá ngay

Ông Tạ Long Hy, Phó Tổng Giám đốcVinasun taxi, kiêm Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho biết: “Cứ 10 ngày, xăng có thể tăng 1.500 đồng/lít thì doanh nghiệp taxi gặp rất nhiều khó khăn. Giá xăng thì tăng bất tình lình còn cước phí không thể điều chỉnh ngay tức thì được. Hiện nay với hơn 3.600 đầu xe ở địa bàn, mặc dù chưa thể thống kê được thiệt hại khi giá xăng thì tăng bất ngờ nhưng chắc chắn đó sẽ là những thiệt hại không nhỏ..

Ông Lương Công Thành Giám đốc công ty TNHH Vận tải và Thương mại Công Thành chia sẻ: “Với mô hình kinh doanh hiện tại là vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng cho khách hàng nên điều quan trọng là đúng ngày giao và đúng địa điểm. Nếu giá xăng cứ tiếp lục leo thang trong khi các cây xăng thì nhiễu nhương sẽ rất khó khăn cho tiến độ công việc của công ty, thậm chí sẽ khó thực hiện những đơn hàng hay hợp đồng đã ký từ trước.”

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho biết 2 lần tăng trước (ngày 20.7 và 1.8) giá xăng chỉ mới tăng 6% so với trước đó, dầu DO tăng 4%, chưa đến ngưỡng điều chỉnh cước vận tải, nên các đơn vị chưa điều chỉnh. Tuy nhiên, với lần tăng này, giá xăng qua 3 đợt tăng tổng cộng 2.400 đồng/lít, tăng trên 10% so với thời điểm trước ngày 20.7, dầu DO tăng 1.650 đồng/lít, tăng 7%. Xăng hiện chiếm 40% cơ cấu giá thành vận chuyển taxi, mức tăng này buộc các DN taxi phải điều chỉnh tăng giá cước.

 

Các DN sẽ phải có thương lượng với chủ hàng, nếu khách hàng đồng ý có thể tăng giá cước hiện nay. Mức tăng 7% của dầu DO thì vận tải hành khách chưa đến mức cần phải tăng giá cước, vì khách đi lại ít, xe thừa, nhưng do rơi vào đúng thời điểm Quốc khánh 2.9, là chất xúc tác ép các đơn vị vận tải phải điều chỉnh tăng giá cước, dự đoán sẽ có các đợt tăng giá cước cùng đợt 2.9.

Ông Hồ Huy – Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, với tỷ trọng chi phí xăng dầu chiếm từ 26-31% doanh thu, mức cước sẽ tăng tương ứng 800 đồng/km. Nếu kết hợp cả yếu tố cộng, trừ biên độ điều chỉnh, có thể Mai Linh sẽ xem xét tăng từ 800-1.000 đồng/km.

Ông Thành cho biết thêm, giải pháp chia sẻ hỗ trợ DN thì ít nhưng những rủi ro từ các động thái trên luôn luôn rình rập. Khối DN vận tải là đối tượng bị tác động trực tiếp nên những động thái trên của các doanh nghiệp xăng dầu hay các cây xăng vô tình sẽ là những đòn đau mà doanh nghiệp phải hứng chịu. Áp lực về thời gian giao hàng là rất lớn nên việc chậm trễ bởi lý do không thể đổ xăng do cây xăng đóng cửa có thể sẽ phải điều chỉnh hợp đồng, hoặc có thể phải đền bù.

Theo nhiều DN, các giải pháp cứu DN được đưa ra vẫn chưa cho thấy kết quả khả quan thì việc liên tiếp tăng giá xăng cũng làm nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Trong khi chưa kịp vui các chính sách đã trở nên mềm mỏng hơn đối với DN thì giá xăng tăng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp lại bắt đầu đứng trước một cơn bão giá mới. Mục tiêu giảm giá thành để kích thích tiêu dùng giải thoát hàng tồn đã bị chặn đứng. Những động thái trên cũng được xem như việc tháo tay nhưng cột chân, lúc này DN vẫn phải đứng im tại chỗ.

Quyền lợi người tiêu dùng: Xếp sau cùng

Tính từ đầu năm tới nay, sau 5 lần điều chỉnh giảm và 5 lần điều chỉnh tăng thì mức giảm tổng cộng chỉ là 3.200 đồng/lít trong khi mức tăng tổng cộng lên tới 5.400 đồng/lít. Và việc DN xăng dầu điều chỉnh giá bán từ cuối chiều ngày 13/8 thêm một lần nữa khiến người dân lo ngại về việc thả cho DN điều chỉnh giá thì quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị bỏ rơi.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, quá trình định giá chia làm 3 mức: Giá đầu vào tăng từ 0-7% thì DN được tự định giá. Từ 7-12% thì DN được định giá 7%, còn lại 5% Quỹ bình ổn giá sẽ bù 60% và 40% là theo giá thị trường. Trên 12% sẽ do cơ quan quản lý quyết định.

 

“Mặc dù tưởng như là chia ra rất cụ thể, nhưng lại không có nguyên tắc và trái với quản lý giá theo cơ chế thị trường và sản phẩm độc quyền phải do Nhà nước quản lý giá. Các nước để DN xăng dầu tự định giá? Vì họ có thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự. Còn VN thì chưa”, ông Long nói.

Thêm nữa Luật Giá vừa được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013 cùng với Pháp lệnh Giá hiện đang được thực hiện có quy định rất rõ ràng là xăng dầu cùng với điện, nước, hàng không là sản phẩm độc quyền. Luật Giá và Pháp lệnh Giá đã quy định thế mà lại để cho DN xăng dầu tự định giá?

Với thực tế tính độc quyền còn cao mà thả cho DN định giá có thể đã xảy ra tình trạng DN nhìn nhau tăng giảm đồng loạt, một loại biểu hiện của “bắt tay làm giá” đã nhiều lần được đặt nghi vấn.

Mức tăng giá ngày 13/8 của Petrolimex với xăng A92 thêm 1.100 đồng/lít, dầu diesel tăng thêm 750 đồng/lít, dầu hỏa tăng 800 đồng/lít, dầu ma zút tăng thêm 500 đồng/kg. Đây cũng là mức tăng của Saigon Petro. Đây là lần thứ hai sau khi được trao quyền chủ động giá, các DN đã là trên thực tế, dù giá vốn, chi phí tồn kho, vận chuyển, lưu thông, chiết khấu đại lý… khác nhau, nhưng các DN vẫn đang nhìn nhau tăng giá.

Chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh, thị trường xăng dầu vẫn độc quyền thì nhà nước phải có sự can thiệp và kiểm soát chặt chẽ về giá. Mặt khác, việc công khai giá vốn, chi phí, lượng hàng nhập và tồn kho của các đầu mối là hết sức cần thiết, để đảm bảo minh bạch lỗ lãi, và xác định rõ mức tăng của các DN có thực sự hợp lý hay không.

Đáng chú ý, trong mỗi lần xăng tăng giá mạnh, có nhiều yếu tố để làm yếu tố để điều hành giá hợp lý hơn như: giảm thuế, trích quỹ bình ổn, tăng giá. Nếu xét trên mối quan hệ DN – nhà nước – người tiêu dùng thì qua 3 đợt tăng giá gần đây cho thấy: DN luôn được quyền tăng giá ngay lập tức khi có thể, nhà nước không giảm thuế, giá tăng một cách trực tiếp và đổ hết lên đầu người tiêu dùng. Kể cả việc xả quỹ bình ổn cũng là tiền của người tiêu dùng.

Phải chăng, với việc thả giá theo thi trường, nhà nước đang hướng đến việc “neo” các mức thu cố định đối với xăng dầu, DN thì cứ sẵn theo quy định mà tăng giá, còn quyền lợi người tiêu dùng thì bị xếp sau cùng?

Theo VEF


From the same category