Từ đầu tháng 9/2012, nhiều trường đại học đã bắt đầu gửi giấy báo nhập học cho tân sinh viên khóa mới, năm học 2012-2013. Niềm vui khi trúng tuyển, đạt được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học, đối với những tân sinh viên đến từ các vùng quê nghèo là không gì tả nổi. Nhưng cảm xúc ngọt ngào còn đang ngây ngất, thì không ít tân sinh viên đã phải vất vả lo tìm một nơi trú ngụ.
“Cuộc đua”… tìm nhà trọ
“Bác ơi, cho cháu hỏi ở đây có phòng cho thuê không ạ?”, “Cô ơi, nhà mình còn phòng cho thuê không ạ?”... là những điệp khúc quá quen thuộc với những người dân xung quanh khu vực các trường đại học, cao đẳng.
Hơn 1 tháng nay, các khu vực cho thuê nhà trọ sinh viên quanh các trường đại học lớn tại Hà Nội đã trở nên tấp nập, nhộn nhịp.
Theo khảo sát của chúng tôi, phòng trọ quanh các trường đại học giá thuê rất cao. Như khu vực Cầu Giấy, quanh trường ĐH Sư Phạm, ĐH Thương Mại; Khu vực Phương Mai, Lê Thanh Nghị, gần trường ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, Xây dựng; Khu vực Thanh Xuân gần trường Đại học KHXH &NV, Đại học Tự nhiên, ĐH Kiến Trúc, ĐH Hà Nội… phòng trọ có diện tích từ 8 – 10m2, giá cho thuê lên tận từ 800.000 đồng đến 1 triệu, chưa kể điện nước. Với giá thuê đó cũng không dễ tìm được phòng.
Tại khu vực Cầu Diễn – nơi được coi là nơi có giá phòng trọ mềm nhất cho sinh viên Hà Nội, giá phòng cũng đã tăng vùn vụt, phòng bình thường rộng 14 m2 thì cũng phải 900 nghìn đồng/phòng, còn phòng đẹp rộng từ 16 m2 cũng phải hơn triệu đồng.
Sau một thời gian lọ mọ khắp ngõ, phố khu vực Thanh Xuân, Hà Đông, lần theo các địa chỉ rao vặt trên báo, Nguyễn Thị Yến (Sinh viên năm nhất, Học viện Bưu chính Viễn thông) mới tìm được một phòng trọ cũ rộng khoảng 8m2 ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông. Ngặt một nỗi, Yến lại phải ở chung với anh trai, nên Yến nằm giường thì anh phải xuống đất.
Một phòng trọ thế này, giá cho thuê cũng lên tới gần 1 triệu đồng.
Chủ nhà trọ đua nhau tăng giá.
Tại các khu tập trung nhiều trường đại học như đường Giải Phóng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Mỹ Đình… nhà trọ dành cho sinh viên thuê lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, mỗi nhà trọ “đón tiếp” hàng chục lượt sinh viên hỏi phòng.
Lợi dụng nhu cầu tìm nhà trọ của các tân sinh viên, chủ các nhà trọ đồng loạt tăng giá mọi mặt. Nào là tiền phòng, tiền điện, tiền nước. Mỗi căn phòng bèo nhất cũng có giá từ 1 triệu đồng trở lên. Điện thì 4000 – 5.000đ/số, nước từ 60.000 – 80.000đ/người. Khu vực thuộc thị trấn Diễn, Nhổn phòng có giá rẻ hơn nhưng điều kiện về an ninh, vệ sinh thì không tốt.
Tại thời điểm này, bất cứ phòng trọ nào, ở khu vực nào cũng bị chủ nhà đẩy giá phòng lên cao. Mỗi phòng tăng ít nhất cũng phải 150.000 đồng, nhiều thì 300.000 đồng. Lý do đơn giản chỉ vì thời buổi kinh tế thị trường, họ tăng mình cũng tăng. Trong khi các chủ nhà trọ đang sung sướng vì tăng được nguồn thu nhập thì cuộc sống của sinh viên ngày càng khốn đốn, dở khóc dở cười.
Phiếu báo thu tiền nhà của hai anh em Yến.
Loạn những quy định ‘oái oăm’ của chủ nhà.
Theo Yên cho biết: Với tiền phòng trọ hai anh em phải trả là 950.000 đồng/tháng, nước dùng 80.000 đồng/người (đối với phòng có vệ sinh khép kín là 30.000 đồng/m3), Điện tiêu thụ là 4000 đồng/1kwh. Khi đến ở, chủ nhà thông báo phải đóng tiền vệ sinh, an ninh là 50.000 đông/1người/tháng.
Bên cạnh đó là thêm các quy định như: Tiền cược điện 300.000 đồng/phòng, tiền bóng đèn vệ sinh 5.000 đồng/tháng, 30.000 đồng cho một xe đạp (xe máy) chỗ để xe chứ không phải trông giữ xe. Nếu xui xẻo mất xe thì sinh viên vẫn phải ráng chịu!
Ngoài việc sinh viên phải đóng tiền điện, bóng đèn tại những khu vực chung ở hành lang, chỗ để xe, chủ nhà cũng không hề bỏ tiền ra sắm mỗi khi bóng đèn hư hỏng mà đều thu tiền của sinh viên.
Ở đây có một “quy định” vô lý nữa là sinh viên nào dùng máy tính, thì không được nối Internet mà phải dùng Internet của chủ nhà với giá 100.000 đồng/tháng nhưng do quá đông người dùng nên mạng rất chậm. Phòng nào than thở thì lập tức bị chủ nhà rút dây mạng ngay.
Ngoài ra, bạn bè hay người thân đến chơi mà ngủ lại qua đêm cũng phải đóng thêm 30.000 đồng/đêm, theo chủ nhà đó là tiền trả “chi phí phát sinh”, hàng tháng phải nộp tiền thông cống đề phòng… mưa ngập, tiền “bảo lãnh trang thiết bị” trong nhà.
Dù bức xúc nhưng hầu hết sinh viên đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì có chuyển đi chỗ khác thì cũng dễ rơi vào tình cảnh “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Theo Petrotimes