Tấn & Minh: Khi mọi lý thuyết showbiz đều… sai!

Và khi nhận được câu trả lời kiểu chẳng biết sống sao nhưng thấy siêu sao nhạc đỏ Trọng Tấn cũng nhà lầu xe hơi vi vu như ai, khối ca sĩ tự-nhận-là-rất-thị-trường của Sài Gòn chạy sái chân còn chả kịp, thì người hỏi dường như càng… băn khoăn tợn. Họ không hình dung ca sĩ Hà Nội kiếm tiền cách nào nếu không… có show ở Sài Gòn và nhất là không… scandal!

Trọng Tấn – Tấn Minh không có nhiều liên quan về giọng hát lẫn con đường ca hát họ theo đuổi, nhưng cách thức mà họ trụ lại với sự nghiệp một cách bền vững sau hàng chục năm, cách họ sống cùng với thứ âm nhạc mình lựa chọn, thì có thể tổng kết lại thành một công thức chung – mà ở đó mọi chỉ dẫn đi tới thành công dường như đều ngược lại với những gì nhiều người trẻ muốn lao vào nghề hát đang được chỉ dạy và khuyến khích.

Tấn Minh và Trọng Tấn

Trong một lần trả lời phỏng vấn nào đó, Tấn Minh nói rằng người ta có thể thích hoặc không thích những gì anh hát, nhưng anh đủ tự tin nói rằng họ không thể chê anh hát dở, chỉ là thích hay không mà thôi, mà cái này thì không thể tranh luận được. Tấn Minh có cơ sở để nói như vậy khi những gì anh làm được lúc sắp bước qua ngưỡng tuổi tứ tuần còn khiến khối ca sĩ trẻ cùng dòng nhạc với anh mơ ước. Tại một trong những cuộc trò chuyện cuối cùng của nhạc sĩ Phạm Duy, ông hào hứng nói rằng: “Không ngờ vẫn còn có cậu Tấn Minh hát nhạc tôi hay đến vậy, rất ‘tình’, tiếc là không biết cậu ấy sớm hơn, nhưng muộn cũng là cái duyên, bài nào cậu ấy hát tôi cũng thích”. Cũng là chữ “tình”, nữ danh ca Lệ Thu trong lần diễn chung cùng Trọng Tấn – sự kết hợp ít người hình dung – đã dành rất nhiều lời ưu ái cho anh, vì hát nhạc xưa rất “tình”, điều khiến chị bất ngờ, khi biết rằng Trọng Tấn vốn nổi tiếng với… nhạc đỏ.

Những người nghe nhạc theo tâm thế bảo thủ hay hoài cổ hoặc vì những định kiến khó giải thích nào đó, thường có phản ứng khó chịu với những gì họ cho là “kỹ thuật” và đánh đồng kỹ thuật với việc hát không có cảm xúc, mà đôi khi không chịu hiểu rằng những người hát được cho là có cảm xúc nhất thực ra cũng là những người có kỹ thuật siêu đẳng nhất. Kỹ thuật ở đây không phải là để khoe hát to hát khỏe. Trọng Tấn chứng minh rằng anh dù được đào tạo ra để trở thành một ca sĩ opera, là một giảng viên thanh nhạc uy tín, và về mặt chuyên môn ca hát, đã hầu như được học hết những gì một ca sĩ cần phải học, thì anh vẫn có thể hát một bài hát tưởng như rất đơn giản là “Thu vàng” (Cung Tiến) như một ca sĩ nhạc pop đầy sự cách tân, và hát “Mẹ yêu con” (Nguyễn Văn Tý) cùng Tùng Dương như một bài hát ru vô tiền khoáng hậu với cách thể hiện không mang màu sắc kinh viện chút nào.

Còn Tấn Minh, khi hát “Tỳ bà” trong một đêm nhạc Phạm Duy, người nghe hiểu rằng nếu anh không có kỹ thuật thượng thừa thì không thể nào tái hiện nổi một bài hát đã gắn liền với tên tuổi Thái Thanh theo một cách vừa rất trung thành với tinh thần cũ, mà lại rất “dân gian đương đại”. Còn khi hát nhạc Phú Quang thì dù không có động thái nào để cố làm mới những bài hát thực ra không cần phải làm gì cho mới, thì Tấn Minh làm được một điều để những bài quá nhiều người hát ấy không trở nên nhàm chán, đó là hát một cách rất “tình”. Tôi nhớ kỷ niệm nhỏ 12 năm trước, trong một cuộc cà phê với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ở Hà Nội, khi đó anh đang ngấp nghé đường lên sao chứ chưa thành “ông hoàng” như sau này. Hưng chia sẻ rằng trong các nam ca sĩ Hà Nội, anh thực sự hâm mộ Tấn Minh, và chịu ảnh hưởng từ cách hát nữa, điều không phải ai cũng biết vì trước đó anh chỉ nhắc đến Thanh Lam như thần tượng của mình. Ngay sau lời “thú nhận” đó, một cuộc điện thoại rủ rê được bấm máy và Tấn Minh có mặt. Tấn Minh khi đó có vẻ chưa biết Đàm Vĩnh Hưng là ai, hoặc biết mà chưa nghe, và nghe những lời ca ngợi của Đàm Vĩnh Hưng dành cho mình một cách… hơi ngượng. Nhưng những bài hát, những lần Tấn Minh biểu diễn hay tham gia các cuộc thi trong Nam mà Đàm Vĩnh Hưng nhắc tới cho thấy Hưng không phải là người nói đãi bôi, mà có một sự chú ý thực sự.

Tấn Minh và Trọng Tấn

Dù có đối tượng khán giả tương đối khu biệt, không phải bề rộng và hoàn toàn không mong họ cầm băng rôn la hét như máy, nhưng cả Trọng Tấn và Tấn Minh đều có được điều quý giá mà mọi nghệ sĩ mong muốn: được người làm cùng nghề tôn trọng và trân trọng tài năng. Cả hai anh cũng không phải và chắc sẽ không bao giờ trở thành đối tượng của những cuộc “nói xấu” sau lưng cho dù với mục đích gì, vì họ có gì đâu để mà nói xấu. Vụ ầm ĩ quanh Trọng Tấn mấy năm trước rõ ràng không phải loại scandal mà showbiz quan tâm, có chăng chỉ là chuyện mà giới nghệ sĩ kiêm công chức phải để ý hơn một chút mà thôi, vì tiền lệ ấy có thể liên quan tới công việc và những cơ hội tiến thân trong nghề không nhất thiết dựa vào tài năng ca hát.

Nhưng nếu quy kết hết nghệ sĩ-công chức như vậy thì có vẻ oan cho Tấn Minh. Bên cạnh một tài năng ca hát không thể phủ nhận, anh rõ ràng là một nghệ sĩ công chức điển hình khi bao nhiêu năm nay vẫn gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, và lại bằng tình thân của mình kéo được cả mấy đồng nghiệp nổi tiếng khác về đây cùng anh làm “công chức”. Nhưng dù nay đã có chút “quan chức”như bạn bè vẫn trêu, anh vẫn càng ngày càng hát hay, hậu vận càng lúc càng tấn tới vì đã chinh phục thành công một lãnh địa tưởng chừng luôn là “cấm địa” cho những nghệ sĩ như anh: nhạc xưa, nhất là nhạc Phạm Duy.

Thành công với dòng nhạc này tại sân khấu Sài Gòn đưa Tấn Minh trở lại thành “người đàn ông vàng” của các chương trình nhạc trữ tình tại Hà Nội, cũng hệt công thức ngày trước đã thành công cho các ca sĩ nhạc trẻ của thời làn sóng Hà Nội. Ngày ấy, khối người tiếc cho Tấn Minh, hát hay như thế, sao không bật lên thành sao vào giữa lúc cơ hội vàng như vậy, khi mà những đàn em của anh cũng tranh thủ cuộc thăng hoa ngắn ngủi ấy của nhạc Việt để thoắt cái đổi đời. Nhưng ở đời, ai nói trước được điều gì. Ngày hôm nay, cuộc thăng hoa đã trở thành quá khứ, còn tên tuổi Tấn Minh vững hơn bao giờ hết, chẳng phải mọi lý thuyết showbiz, mà nhất là lý thuyết cơ hội, đều sai với anh sao?

Cả hai “người đàn ông vàng”, Tấn và Minh, trong khi vẫn miệt mài đi ngược xu  hướng showbiz, vẫn tiếp tục “tấn tới” không ngừng. Trọng Tấn sau khi rời môi trường công chức có vẻ sự nghiệp ca hát càng lúc càng nở hoa; Tấn Minh càng thăng tiến quan chức thì càng có đông người hâm mộ. Họ đang đi ngược đường hay cùng chiều với nhau? Điều ấy có gì quan trọng, như họ đã từng bỏ qua lý thuyết nam ca sĩ cần độc thân càng lâu càng tốt, để trở thành những người đàn ông của gia đình vợ con đề huề mà không cần phải “nhịn” để lấy lòng các quý cô (hay cả một số quý anh nào đó!).

 Bài: Nguyễn Minh

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: “Đập cánh giữa không trung” là câu chuyện về những người trẻ phải vật lộn để tồn tại, những người chẳng bao giờ dám mơ về những tương lai bất định ở rất xa.


From the same category