Trong ngày thứ hai diễn ra Mật nghị Hồng y, khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine báo hiệu 133 Hồng y cử tri đã tìm được lãnh đạo mới cho Giáo hội Công giáo với 1.4 tỉ tín đồ khắp toàn cầu. Vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo là Hồng y Robert Francis Prevost, lấy tước hiệu Leo XIV. Ông cũng là Giáo hoàng quốc tịch Mỹ và Peru đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội.
Sinh ra tại Chicago (bang Illinois, Mỹ) vào năm 1955, Giáo hoàng Leo XIV mang tên rửa tội là Robert Francis Prevost. Ông John Prevost, anh trai ngài cho biết Prevost đã khao khát trở thành linh mục khi còn nhỏ, bắt đầu từ việc giúp lễ tại giáo xứ địa phương, sau đó theo học trường Công giáo và tiểu chủng viện. Tháng 9/1977, Prevost trở thành tu sĩ của Dòng Thánh Augustine và được thụ phong linh mục vào năm 1982. Ông thực hiện công tác truyền giáo ở Peru từ năm 1985 – 1986. Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật giáo năm 1987 tại Học viện Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas ở Rome (Italy), ông trở lại Peru vào năm 1988. 10 năm tiếp theo, Prevost hoạt động ở tu viện Dòng Thánh Augustine (Trujillo, Peru) giảng dạy luật giáo, phục vụ dưới tư cách một linh mục chánh xứ, giám đốc chủng viện giáo phận ở Trujillo và đại diện tư pháp của tổng giáo phận Trujillo.

Ngoài quốc tịch Mỹ, ông còn mang quốc tịch Peru sau khi nhập tịch vào năm 2015 và làm giám mục giáo phận Chiclayo, Tây Bắc Peru trong giai đoạn 2015 – 2023. Tháng 1/2023, Giáo hoàng Francis bổ nhiệm Prevost làm Tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican. Nơi đây là một trong những cơ quan trọng yếu của Vatican, chịu trách nhiệm giám sát các ứng viên giám mục và đưa ra khuyến nghị cho các cuộc bổ nhiệm mới. Động thái của Giáo hoàng Francis thể hiện sự coi trọng kinh nghiệm phụng sự và tính linh hoạt trong vai trò lãnh đạo của Giáo hội Công giáo của Prevost. Không những thế, Prevost cũng từng giữ chức vị chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh và được tấn phong Hồng y vào tháng 9/2023. Đây được xem là một bước tiến quan trọng, khẳng định vị thế của Hồng y Prevost tại Mật nghị Hồng y ngày 8/5 vừa qua.

Kế nhiệm Giáo hoàng Francis, Hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã, lấy hiệu Leo XIV, đánh dấu lần đầu trong lịch sử Giáo hội có lãnh đạo là người gốc Mỹ. Theo Hãng tin Reuters, tân Giáo hoàng là nhân vật tương đối ít được biết đến trên trường quốc tế, do phần lớn sự nghiệp được dành cho công việc truyền giáo tại Peru. Nhưng ông nhận được sự quan tâm từ các đồng sự nhờ bề dày sự nghiệp đảm nhận vai trò quan trọng, cùng phong cách điềm đạm và sự ủng hộ đối với cố Giáo hoàng Francis, đặc biệt là cam kết về các vấn đề công bằng xã hội.

Một trong những hành động đầu tiên của tân Giáo hoàng là chọn tông hiệu để thay thế tên rửa tội. Đây là tiền lệ được thiết lập từ thời Trung cổ như một phương thức làm nổi bật “sự tái sinh” giám mục La Mã, dù Giáo hội không có quy định về việc này. Các Giáo hoàng thường chọn tên theo người tiền nhiệm mà họ muốn noi theo. Phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni xác nhận tân Giáo hoàng chọn tông hiệu Leo XIV để tri ân Giáo hoàng Leo XIII, người đã đặt nền móng cho tư tưởng xã hội Công giáo hiện đại. Đặc biệt là thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) năm 1891 của ông, đề cập đến quyền của người lao động và chủ nghĩa tư bản của thời đại công nghiệp; đồng thời phê phán chủ nghĩa tư bản tự do lẫn chủ nghĩa xã hội lấy nhà nước làm trung tâm, hình thành nên một đường lối giảng dạy kinh tế Công giáo rõ rệt. Đây cũng được coi là thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Trang CNN cho biết tân Giáo hoàng là vị Hồng y “ít mang tính Mỹ nhất” trong số các Hồng y Mỹ tại Vatican. Việc tân Giáo hoàng chọn tông hiệu Leo XIV được coi là một tuyên bố mạnh mẽ cam kết với người nghèo. Những vị giáo hoàng lấy tông hiệu Leo trước đây đều là những nhà cải cách, gần nhất là Giáo hoàng Leo XIII (trị vì từ năm 1878 – 1903), là một Giáo hoàng đứng về phía người nghèo, bảo vệ tầng lớp lao động.
Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Leo XIV cầu chúc “bình an cho tất cả mọi người”: “Đây là lời chào đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh, người chăn chiên nhân lành đã hy sinh mạng sống mình vì Thiên Chúa. Và tôi cũng muốn lời chào bình an này đi vào trái tim và gia đình mọi người”. Để tỏ lòng tôn kính cố Giáo hoàng Francis, ngài kêu gọi các tín hữu “tiến lên, không sợ hãi, đoàn kết, tay trong tay với Chúa và với nhau”. Đồng thời, ngài hướng tới một Giáo hội “xây dựng những nhịp cầu và tham gia vào đối thoại” qua việc “thể hiện lòng bác ái” và “đối thoại bằng tình yêu thương”. “Chúa yêu thương chúng ta, Chúa yêu thương tất cả các bạn và cái ác sẽ không thắng thế. Chúng ta phải là một giáo hội đồng nghị. Một giáo hội luôn tiến về phía trước. Một giáo hội luôn tìm kiếm hòa bình, lòng bác ái và nỗ lực gần gũi đặc biệt với những người đang đau khổ”, Đức Giáo hoàng mới nhấn mạnh sứ mệnh của toàn thể Giáo hội vì nền hòa bình thế giới.
Nhiệm vụ trước mắt của Giáo hoàng Leo XIV là dẫn dắt Giáo hội Công giáo với hơn 1.4 tỉ tín đồ, giải quyết các vấn đề tồn đọng trong giáo hội và quốc tế. Với Giáo hội, tân Giáo hoàng đối mặt với thách thức hàn gắn những rạn nứt sâu sắc giữa phe bảo thủ và cấp tiến. Trong đó có những tranh cãi về việc Giáo hội có nên chào đón cộng đồng LGBT và những người ly hôn nhiều hơn, hay trao quyền cho phụ nữ giữ vị trí cao cấp trong các công việc của nhà thờ. Trước đó, Giáo hoàng Francis đã mở ra cánh cửa hiệp thông cho những người ly hôn và ban phước lành cho các cặp đôi đồng giới. Tuy nhiên, ông không nới lỏng các quy tắc độc thân của linh mục hoặc các quy tắc về việc phong chức phó tế cho phụ nữ. Và giáo hoàng mới sẽ cần thể hiện lập trường phù hợp với tầm nhìn của Giáo hội.
Đối với quốc tế, Giáo hoàng Leo XIV truyền đi thông điệp về hòa bình và đoàn kết như đã nhấn mạnh ở bài phát biểu nhậm chức. Ngày 11/5, Giáo hoàng Leo XIV chủ trì buổi đọc kinh Truyền tin chủ nhật đầu tiên tại quảng trường Thánh Peter trong vai trò người đứng đầu Giáo hội Công giáo. Tân Giáo hoàng thúc giục chấm dứt các cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông. Ông kêu gọi một nền hòa bình công bằng, lâu dài ở Ukraine, lệnh ngừng bắn ngay lập tức và viện trợ nhân đạo ở Gaza, đồng thời thả tất cả các con tin. Mặt khác, Giáo hoàng Leo XIV hoan nghênh lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ – Pakistan và đề cập đến sự kết thúc của Thế chiến thứ hai vào năm 1945.

Tại buổi tiếp kiến báo giới ngày 12/5, Giáo hoàng Leo XIV kêu gọi các nhà báo sử dụng ngôn từ thúc đẩy sự hòa bình, tránh các tư tưởng đối địch, thù hận, từ chối chiến tranh và lên tiếng cho những người yếu thế, đồng thời kêu gọi trả tự do cho các nhà báo đang bị giam cầm. “Nỗi đau khổ của những nhà báo bị cầm tù thách thức lương tâm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế, kêu gọi tất cả chúng ta bảo vệ món quà quý giá là quyền tự do ngôn luận và báo chí”, Giáo hoàng Leo XIV phát biểu. Thêm vào đó, tân Giáo hoàng cũng cảnh báo về những nguy cơ liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Ngài nói với các phóng viên rằng công nghệ này có “tiềm năng to lớn” nhưng “đòi hỏi trách nhiệm và sự sáng suốt để đảm bảo nó được sử dụng vì lợi ích của tất cả mọi người, để có thể mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại”.
Lựa chọn tông hiệu Leo XIV, Giáo hoàng Leo XIV cam kết tiếp tục sứ mệnh bảo vệ phẩm giá con người, duy trì công bằng xã hội, thúc đẩy đối thoại trong Giáo hội và duy trì tiếng nói mạnh mẽ trên thế giới. Qua đó, tân Giáo hoàng được kỳ vọng sẽ thiết lập thế cân bằng giữa truyền thống và hiện đại trong Giáo hội Công giáo hiện nay.