Tâm trạng khi hết yêu - Tạp chí Đẹp

Tâm trạng khi hết yêu

Sống
Chưa chắc. Có khi còn đẹp hơn. Nhưng là một cái gì đó, một “kẻ khác” chẳng ăn nhập gì với ta. Khi hết yêu, ta thấy người mà ta từng yêu xa lạ. Cực kỳ xa lạ.

Nhưng do đâu mà hết yêu? Ta có thể đổ lỗi cho sự chuyển dịch của lòng người. Tâm hồn như nước chảy, chỗ đục chỗ trong, khi êm ả lúc ghềnh thác. Tình yêu có đó, rồi đi. Đam mê đó, rồi chán chường đó. Lẽ thường thôi mà!

Tôi cũng từng dùng cái sự ngoa ngoắt của lòng người (tức là lòng tôi) để biện minh cho một cuộc tình tan vỡ, cho một ngày chia tay, cho sự thờ ơ nhàm chán của chính mình trong tình cảm. Thì cũng được thôi. Song, vẫn có một cái gì đó khác, cần được giải thích, cần phân tích và lý giải thật công tâm, không bao biện.

Trường hợp của tôi (không điển hình lắm) là một quá trình xuống dốc của cảm xúc do tác động của sự xa rời nhau – không phải xa rời về địa lý, mà về tinh thần. Bao giờ cũng thế, lúc mới yêu nhau, người ta có xu hướng tiến lại gần nhau, tìm mọi cách xâm nhập thế giới cá nhân của người yêu, tập thích thứ mà người yêu thích, tập bỏ các thói quen cố hữu, như tật hút thuốc, rung đùi, ngáp vặt, ngủ nướng chẳng hạn. Đó là lúc mới yêu, sự say đắm đẩy người ta vào trạng thái muốn “nhập” vào người yêu. Nhưng dần dà, cái tôi bộc lộ và đòi có tiếng nói: tôi phải là tôi, em phải là em, chúng ta không trộn lẫn được, mỗi kẻ một khoảng trời riêng. Đó là lúc mâu thuẫn – hoặc nhẹ hơn – các lần bất đồng ý kiến, xảy ra. Xảy ra ở mức độ nhẹ, không quá một lời cằn nhằn, chúng ta cho qua, lờ nó đi. Rồi mỗi người có bản năng tự tìm lấy cho mình một “khoảng trời”. Em thích shopping nhưng anh thích làm vườn, anh thích đọc sách còn em thích giũa móng tay. Khoảng cách trong thế giới tinh thần giữa hai người ngày càng giãn ra, các cuộc trò chuyện thưa dần đi hoặc chỉ ở cấp độ nói cho có chuyện (chẳng lẽ gặp nhau mà im như thóc). Thế giới riêng tư được coi trọng hơn sự chia sẻ. Sự việc diễn tiến từ từ khó nhận biết, lúc đã thấy được rõ ràng thì cũng là lúc hết yêu nhau. Thậm chí, hết cả tôn trọng.

Sao em cứ tối ngày ngủ? Sao anh kể cho em toàn những chuyện đẩu đâu? Sao anh không còn vui khi dạo phố cùng em? Sao em chẳng còn bàn luận với anh về những cuốn sách mình đã đọc?

Điều tôi cảm thấy gờn gợn trong một mối quan hệ tình cảm bao giờ cũng là sự xa lạ. Người ấy đã từng gần thế, thân mật thế, sao giờ cứ như kẻ nào chưa từng gặp. Hình thức lạ, cách phục sức khác đi, thân hình xấu đi, chưa phải đáng ngại. Cách nói năng, đi đứng, ứng xử, sở thích, mơ ước, định hướng xa lạ mới đáng nói. Mà khi thấy đáng nói là đã muộn rồi. Trái tim từ chối tiếp nhận các tín hiệu lạ. Nó trơ ỳ ra, nó khép cửa cài then.

Mái tóc xấu, gương mặt thêm vài nếp nhăn, bụng chẳng còn phẳng, hơi thở không còn thơm, chưa là vấn đề. Sự gần gũi thân mật giúp ta dễ thích ứng với các đổi thay, dù là đổi thay theo chiều hướng xuống, tệ đi. Nhưng việc bỗng dưng ta nhận ra người yêu mình nanh nọc, dữ dằn, cư xử cạn tàu ráo máng, hoặc là phóng đãng, hoặc là vô cảm, hoặc là nói cười vô ý vô tứ, hoặc là lười biếng hơn, hoặc thực dụng hơn, thì đấy là các liều thuốc đầu độc tình yêu.

Cái giây phút ta nhìn thấy điều xấu là giây phút trái tim ta ngộ độc. Mà khốn khổ hơn, ấy là mọi tín hiệu đều rất thoảng qua, không rõ nét, nên ta không thể đem ra phân tích mổ xẻ góp ý tranh luận được. Ta không có tư cách cũng như bằng chứng để răn đe “tội phạm” hay là khử độc cho trái tim. Ta biết thế đấy, trông thấy thế đấy, mà đành bó tay.

Trường hợp của tôi, quá trình giãn cách diễn ra vô cùng chậm và êm nhẹ, có để ý cũng chẳng biết được. Sau khi yêu nhau khoảng hai năm, mọi sở thích người yêu ta đã biết, mọi ngóc ngách tâm hồn người yêu ta đã hiểu (ấy là ta tưởng thế), mọi khám phá đã hoàn thành, mọi mê đắm đã lắng xuống, ta chỉ muốn xem người yêu như người bạn. Tình phải chuyển thành nghĩa.

Nhưng mà có phải người yêu nào cũng làm bạn được! Bạn, có các tiêu chuẩn riêng cho bạn. Sẻ chia, tâm sự, thấu hiểu, thân ái, mà không sa vào đam mê, không điên cuồng nhớ, không quay quắt cần. Nhất là không gần gũi thể xác. Người yêu trở thành bạn, khó lắm thay: những gì hai người đã từng có chung, ký ức kỷ niệm cảm xúc cảm giác và trăm thứ nữa, sẽ ngăn quá trình chuyển biến thành bạn.

Thế thì hết yêu, đúng thật là hết yêu. Hết yêu không báo hiệu một tình bạn.

Và tâm trạng khi hết yêu là tâm trạng trơ, rỗng, chẳng có gì bù đắp nổi. Chúng ta không thể yêu lại người cũ được, mà cũng thật nhiều khó khăn để yêu mới.

Ở tôi là như vậy.

Bài: Quốc Bảo

Thực hiện: depweb

09/03/2011, 11:27