Khổng Tử nói được những lời gan ruột tuyệt vời đúng đắn ấy, là vì cụ tuy vốn người phi thường nhưng cuộc sống thường nhật lại cực kỳ giản dị bình thường. Có lẽ trong những triết gia vĩ đại của nhân loại, tư tưởng của Khổng Tử là gần gũi dễ hiểu nhất với hầu hết đám đàn ông đang vất vả loay hoay ngăn nắp chật hẹp sống.
Khổng Tử hơn một lần cho rằng, cái mốc quan trọng nhất trong đời một thằng đàn ông tử tế, chính là tuổi ba mươi. Ở tuổi này, đàn ông đã hết “ngây” nhưng vẫn giữ được “thơ”. Tuy biết nhiều nhưng chưa bị thập thành lọc lõi. Không những tinh thần, mà thể xác cũng vào độ sung mãn chín đủ. Ca dao Việt thừa nhận “Trai ba mươi tuổi đang xoan. Gái ba mươi tuổi đã toan về già”. Trên nền tảng trí và lực ấy, đàn ông ngoài ba mươi khi chững chạc tiến vào hôn nhân thường hiếm khi bị vợ cắm sừng. Ở khía cạnh thành công của sự nghiệp cũng thế thôi. Không phải ngẫu nhiên mà Julius Caesar (100 – 44. BC) một chính khách kiệt hiệt của nền cộng hòa La Mã, lúc đứng trước mộ thần tượng của mình là Alexander đại đế (356 – 323. BC) đã tủi thân bật khóc cảm thán, “Khi ông đến tuổi tôi bây giờ (30) thì ông đã là bá chủ thiên hạ”. Tóm lại, cái mốc tuổi ba mươi quan trọng như vậy, nên nó nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là ở tử vi tướng số.
Theo tính toán của các sách tử vi, đa phần được in lậu, thì cuộc đời đáng kể của một gã đàn ông chỉ gói tròn trong một Hoa Giáp (60 năm). Ngoài cái cữ ấy ra, cho dù vẫn ra vẻ hung hăng sống, nhưng những năm tháng còn lại chỉ là sự khuyến mại. Chẳng có thứ thầy bói nào lại đi xem số cho những thằng đàn ông đã ngoài lục thập. Đến tuổi đó coi như mọi sự đã xong, mũ ni che tai, chuyện đời coi như kệ mẹ. Thậm chí đám hậu sinh đương đại còn dựa theo ý cụ Khổng bình loạn thêm. Đàn ông ba mươi tuổi mà chưa bao giờ yêu thì đừng cố, chẳng còn lãng mạn yêu được nữa đâu. Bốn mươi tuổi chưa lấy vợ thì đừng lấy, chỉ chuốc khổ thêm thôi. Năm mươi tuổi mà chưa có tiền thì đừng kiếm, chỉ mờ mịt chuốc họa mà thôi.
Tử vi thì hoàn toàn dựa vào Kinh Dịch, và cụ Khổng là người chú giải Dịch kinh cự phách. Không phải ngẫu nhiên mà cụ ngắt đời người ra từng mười năm một (tử vi kêu là thập niên đại hạn). Bởi riêng với đàn ông, mỗi đoạn mười năm là mỗi đoạn thăng trầm hoang mang biến đổi. Hoặc trưởng thành hoặc tha hóa. Hoặc xuống chó hoặc lên voi. Và hình như, cái đại hạn thập niên cũng gần đúng với đàn bà. Có một nhà Dịch học uyên bác bị vợ cắm sừng nhưng vẫn chưa chết có mơ hồ đúc kết. Đàn bà hai mươi tuổi chưa yêu thì cứ yêu bừa đi, nhí nhảnh tính toán như thế thì sẽ yêu được thôi. Ba mươi tuổi chưa lấy chồng thì cứ cố lấy đi, đời còn nhiều thằng ngu ngơ lắm. Bốn mươi tuổi chưa ngoại tình thì cứ cố tìm đi, bởi ca dao người Việt từng bảo “Chính chuyên chết cũng ra ma. Lẳng lơ chết cũng đưa ra ngoài đồng”. Nghe đồn rằng, Facebook của tay “mắc dịch” này, được các quý bà quý cô chen nhau xúm vào like ầm ầm.
Thuyết “tam thập nhi lập” còn để một dấu ấn sâu đậm trong cấu trúc của lá số tử vi. Đại loại, tử vi chia sổ đời ra thành hai chặng lớn. Trước ba mươi tuổi do cung Mệnh cố định phụ trách. Sau ba mươi tuổi do cung Thân lang thang đảm nhiệm. Cung Thân (hay nói khác đi là nửa phần đời còn lại) du canh du cư nương tựa vào sáu chỗ. Hoặc dựa vào chính mình (đồng cung Mệnh), hoặc may mắn dựa vào thừa kế tổ tiên hay tiền bạc (cung Phúc, cung Tài). Hoặc long đong dựa vào bất trắc hoạn lộ hay phức tạp xã hội (cung Quan, cung Di). Tuy nhiên, vừa khó vừa dễ đoán nhất là những thằng được dựa vào vợ. Đàn ông “Thân cư Thê” thường đẹp trai khéo léo, toàn lấy được vợ đảm hồi môn dư dật. Nó ít phải lo lắng mưu sinh gì mà vẫn đủ ăn đủ tiêu, con cái đề huề thành đạt. Bọn “Thân cư Thê” tính cách đa phần lương thiện, ngay từ bé đã có năng khiếu nịnh gái. Khi ngoài ba mươi tuổi hầu hết đều biết làm thơ, và thơ chủ yếu là dành tặng người tình hoặc vợ. Lúc đã thành hội viên một hội nghệ thuật nào đấy, thì đem thơ lẻ in thành tập, có bìa cứng có ảnh chân dung chính mình “phô tô sốp”. Rồi phần lớn in ở những nhà xuất bản có giám đốc là thiếu phụ. Có điều vào đúng sinh nhật tuổi ba mươi, hay bị hạn nặng, mụn nhọt ở miệng lưỡi.
Thế nhưng nói cho cùng, tử vi hay thuyết “tam thập nhi lập” đều là đặc sản của Tàu, nên khi vào ta được đàn ông Việt phóng túng hiểu theo cách khác. Đây là một bản văn vần chú dịch về mệnh số, tương truyền của một nhà Nho sống khoảng giữa thế kỷ 19. “Từ lên một đến mười lăm còn trẻ nít. Bốn mươi nhăm đã cút kít về già. Tính trong vòng cắn đá với trăng hoa. Già cho lắm ba mươi năm là sắp kiệt. Thế mà còn đi học đi hiệc đi thi đi thiếc khi đỗ khi điệc làm quan làm kiếc. Việc ở đời vấn vít biết bao ngơi. Trời đã sinh ra kiếp làm người. Chẳng chơi nữa người cười cho chú vích. Được ngày nào ta chơi cho bằng thích. Cho phong lưu cho thanh lịch mới là trai. Thấy ai ai ta cũng ai ai. Ai ai ấy thì ta cũng ấy…” (Thơ văn trào phúng Việt Nam – Nhà xuất bản Văn hóa TT, trang 293).
Theo cách hiểu này thì “tam thập nhi lập”, nghĩa là lúc đàn ông tuổi đã ba mươi, đương nhiên phải giác ngộ được chữ “ấy”.
Bài: Nguyễn Việt Hà
>>> Có thể bạn quan tâm: Bởi vì đàn ông vẫn tiếp tục coi trọng nhan sắc phụ nữ hơn cái đầu của họ, tính cách của họ. Bởi vì các hãng thời trang, mỹ phẩm vẫn liên tục tung ra các clip quảng cáo cho thấy những cô gái đẹp quyến rũ được đàn ông.Và tất nhiên, chính bản thân phụ nữ sẽ tiếp tục thấy trách nhiệm của họ khi đã sinh ra trong thế giới là phải đẹp.