Tâm sự về mẹ - Tạp chí Đẹp

Tâm sự về mẹ

Sống

Hoàng Điệp (PV báo Người Hà Nội)

Mẹ tôi là nông dân, tôi là con nông dân nên chúng tôi lớn như cỏ mặc dù thời của tôi luôn thiếu thốn về vật chất cũng như nhận thức của mẹ tôi về sự trưởng thành của một con người không như tôi bây giờ.

Hồi nhỏ, có lúc tôi nghĩ hình như mẹ không yêu mình vì mẹ hà khắc quá; nhưng giờ, thỉnh thoảng tôi cũng hà khắc với con tôi, nhưng tôi lại cho cháu nhận thấy được: đằng sau sự hà khắc ấy là tình yêu của tôi dành cho cháu. Tôi dùng nhiều lời tình cảm để nói với con hơn và bộc lộ tình yêu con nhiều hơn mẹ tôi (mà mẹ tôi có thể do bận bịu, do nhiều việc nên không bao giờ mẹ tôi làm như vậy).

Cũng có thể chính vì thế mà suốt hồi thơ bé tôi luôn nghĩ mẹ không yêu mình. Đó thực sự là một điều đau khổ đối với một đứa trẻ. Nhưng tôi chưa bao giờ trách mẹ tôi vì điều đó, bởi chính sự nghiêm khắc ấy của mẹ mà tôi vững vàng rất nhiều trước cuộc sống hôm nay.

L.H.Ái Mỹ (Báo Phụ nữ Tp.HCM)

Mẹ – Người bạn lớn của tôi: Tôi biết ơn Người đã sinh ra tôi hai lần, và cũng là người   dạy cho tôi sự công bằng và lẽ phải của cống hiến. Rời gia đình, rời ba mẹ để sống tự lập, sau cái giây phút “sung sướng” vì được “sổ lồng”, tôi mới nhận ra một khoảng trống lạ lùng khi từ đây, một mình – bước đi như “người bình thường”. Nhưng cũng chính từ đó tôi biết thêm rằng, mỗi khi gọi điện về nhà, ở đấy tôi còn có Mẹ – một người bạn lớn trong đời mình. Mẹ trao cho tôi mọi sự chủ động, chủ động chọn ngành học, chọn nghề và chọn cả cuộc sống… độc thân cho đến giờ này. Mặc dù trong ánh mắt, mẹ vẫn không giấu được nỗi lo, muôn đời là thế…

Thụ Nguyễn (Nhà văn, Đức)

Năm 1975 chúng tôi chuẩn bị đánh Buôn Mê Thuột, tôi nhận thư nhà của cha tôi và con cháu cùng thư chị gái báo tin mẹ tôi đã mất từ năm 1972. Những lá thư ố vàng trong chiến tranh đã đi vài năm mới tới tay tôi. Qua những lá thư ấy và sau chiến tranh tôi trở về, nghe kể lại mới biết, cả nhà tôi tứ tán mọi nơi, riêng mẹ tôi vẫn trụ lại nhà, kể cả khi B52 đánh phá ác liệt, làm nơi đi lại cho các con, các cháu. Suốt bao nhiêu năm, do ăn uống kham khổ, qua loa, dành hết tiền nong, đồ ăn thức uống cho cha tôi và con cháu, mẹ tôi gầy như xác ve nằm chết khô trong buồng tắm.

Chị tôi kể lại, khi mẹ tôi vừa nằm xuống, bà con hàng phố kéo tới, kẻ chia buồn, kẻ than thở, nhưng cũng có gần chục người tới đòi nợ. Tôi ở trong chiến trường khóc suốt ba ngày. Tôi nhớ hình ảnh của mẹ tôi chống đũa trong mỗi bữa cơm, nhìn chồng con ăn uống. Tôi nhớ mái tóc mẹ tôi xổ tung trên ghế tràng kỉ, sau hai năm chờ tôi ở chiến trường, mớ tóc dài đã úa, chuyển phớ màu trắng xóa. Tôi nhớ những gói muối rang ướp ớt đỏ và những miếng thịt vụn băm lẫn cõng muối, có khi nó cõng cả những giọt nước mắt đợi chờ của mẹ tôi. Miếng ăn mặn chát, bà chắt chiu gửi cho con cháu nơi mặt trận, chỗ sơ tán… thi thoảng tôi nhận được khi có ai từ đơn vị tạt vào qua nhà.

Biết bao nhiêu năm khó khăn, mẹ toàn ăn bánh đúc ngô, hiếm hoi những miếng tóp mỡ đã khô quắt. Cả cuộc đời mẹ, chịu đựng tất cả và ắt hẳn trong số tiền nợ nần kia có tiền của ống thuốc đau mắt, tiền vay cho tôi đi tiêm và bao nhiêu thứ tiền nuôi chúng tôi khôn lớn để thành những chàng trai xông ra chiến trường…

Lea San (Dịch giả, Congo)

Cuộc đời đôi khi thật mệt mỏi và nếu con không đặt bàn tay nhỏ bé của con vào trong tay mẹ thì mẹ không biết mình có đủ sức đi qua những mùa khô hạn tới những ngày mưa về lại trên các dòng sông và bầu trời xanh một màu u uẩn nhưng tươi mát dị thường.

Đã tới lúc phải nói lời tạm biệt với Kinshasa, thành phố ban tặng cho chúng ta rất nhiều nắng, rất nhiều ưu phiền và rất ít những thứ khác. Nhưng cũng không phải là không có tình yêu. Bạn bè, những người xung quanh đã giúp mẹ đi qua những ngày u ám, kể cả những ngày bom đạn, khi cái chết chỉ cách hai mẹ con một bức tường rào. Những con người khốn khổ, những đứa trẻ phù thủy trên đường phố vừa dạy người ta lòng trắc ẩn vừa dạy người ta biết nhẫn tâm. Con đường xa xôi dạy mẹ biết yêu thương ông bà, yêu cậu, yêu đất nước của mẹ hơn bao giờ hết và tiếc nuối khi không được thấy con lớn lên cùng em Tý hề, chị Bia, chị Chíp…

Sau này con lớn, chắc con sẽ vẫn có những giấc mơ về ngôi nhà màu trắng, khu vườn màu xanh, hoa nở quanh năm thắm tươi, chim bay từng đàn ríu rít như bốn mùa đều mang tới niềm vui. Con sẽ nhớ Nounou dịu dàng đôn hậu, bác Nectaire vui tính hay cho con những chiếc bánh crep tẩm đường, nhớ ông Laurent rất hiền và bác Alfonse hay chở con đi chơi…

Nhưng con gái bé bỏng ơi, bố mẹ sẽ mang con tới một nơi tốt đẹp hơn.

Cuộc đời thật mệt mỏi nhưng mẹ tin là mẹ sẽ mạnh hơn thế vì Mẹ yêu con và con đã trả lời «có” khi mẹ hỏi con có yêu mẹ không?

Nghi Văn (ca sĩ, TP.HCM)

Rất nhiều lần và cho tới hiện tại tôi nghĩ, đôi khi vẫn làm tổn thương mẹ với những sai lầm mắc phải trong cuộc sống. Nhiều lúc mải đi diễn, tôi đã quên mẹ. Ý tôi muốn nói, con cái bao giờ cũng là mối bận tâm của cha mẹ. Những quyết định sai lầm trong cuộc sống, tôi có thể buồn một, nhưng mẹ cha buồn mười. Có lẽ, cho tới ngày nhắm mắt, tôi vẫn khó tránh khỏi làm mẹ cha phiền lòng.

Tôi chưa bao giờ thốt lên được câu “Con yêu mẹ”, chưa bao giờ chạy lại bên mẹ, ôm mẹ vào lòng hay sà vào vòng tay mẹ thủ thỉ nói câu yêu thương. Tình yêu mẹ, tôi chỉ dám để trong lòng. Tôi ao ước được như những đứa trẻ khác, được thể hiện tình yêu với mẹ, nhưng mỗi lần như thế, tôi cảm thấy ngượng ngùng, mắc cỡ, sợ bị mẹ chê cười. Và đôi lúc, tôi chọn giải pháp viết thư hoặc nhắn tin cho mẹ. Tôi biết lễ Vu Lan tức là ngày báo hiếu, là ngày nhớ tới cha mẹ, ông bà đã mất, hoặc đang còn. Ngày này thật là có ý nghĩa.

Đỗ Trung Quân (Nhà thơ, TP.HCM)

Đêm nào cũng khuya lơ khuya lắc mò về như con ma. Đời ta có gì mà ngày càng hỏng bét thế này? Không ai còn thức. Chỉ thỉnh thoảng phất phơ hoa ngọc lan còn thức. Xưa mẹ ta thích thứ hoa này, hay mua thả vào chậu nước mưa gội đầu. Xưa ta lớn đầu vẫn còn rúc vào cổ mẹ, chỗ mùi thơm nhè nhẹ. Đôi khi táy máy cái tay, mẹ dọa: “Mai tao nói với hai đứa em mày. Mày còn sờ tí tranh với chúng nó!". Rụt tay ra, nhưng chỉ năm phút. Mẹ mất đã mười bảy năm. Không ai còn gội đầu bằng hoa ngọc lan nữa. Nhưng ta vẫn trồng, lần đầu tiên cầm ngón tay bồ bịch ta nói một câu sến để đời: "Ngọc lan giống ngón tay em!". Sến vậy mà được việc, cũng có tí mảnh tình vắt vai được năm năm.

Tối qua về muộn như mọi tối về khuya. Ngọc lan đi rong qua mũi. Sững lại một tí rồi thức luôn vì bỗng nhớ mẹ. Nhớ cái cổ trắng mềm mát khi xưa ta bé ta ngu… thuở lên mười… Ra sân thắp cây nhang thơm đặt xuống gốc ngọc lan: “Hi! Mom! còn nhớ thằng con hay táy máy này không? Nhớ thì sáng mai ra sân, con sẽ thấy trên cành trắng muốt những ngón tay hoa. Thỏa thuận với mom vậy nhá!”


Thực hiện: Linh Myrio

Thực hiện: depweb

12/08/2008, 11:17