Tâm sự người ra đi

Chuyện muôn thuở 

Một e-mail "ướt át" và có pha loãng đôi chút mỉa mai gửi cho sếp và các đồng nghiệp để chính thức nói lời chia tay với công ty có thể là một "triệu chứng" cho những diễn biến sau đó, mà người ta quen gọi là "nói xấu công ty/sếp/đồng nghiệp". Chuyển sang một vị trí mới, một môi trường mới, là cơ hội cho nhân viên trút bỏ những ấm ức từ trước vào tai những anh X, cô Y, chị Z – vốn luôn có thừa kiên nhẫn (tò mò) lắng nghe câu chuyện của "lính mới".
 
Không khó để dự đoán trước "bầu tâm sự" của người ra đi căng đầy như thế nào. Những "cục tức" đáng kể nhất sẽ xoay quanh vấn đề lương bổng không xứng với công sức, thời giờ làm việc – nghỉ ngơi căng thẳng, mâu thuẫn với sếp/người phụ trách trực tiếp/đồng nghiệp, không có cơ hội thăng tiến (?!). Và từ đây, những chuyện nhỏ nhặt sẽ "theo dòng thác lũ" tâm sự trôi ra, đại loại như ông A có cái dáng vòng kiềng, bà B có nước da vàng bủng như chanh héo, lão C "dê" lắm,… Tất cả dễ bề làm người nghe hình dung ra cảnh tượng một chiến binh quả cảm (hoặc đáng thương) vừa thoát khỏi hang ổ quỷ dữ, địa ngục trần gian, hay gì đó tương tự.
 
Từ góc nhìn "quần chúng", tức là đồng nghiệp và những người có cùng tâm sự, thì câu chuyện của nhân viên mới thường nhận được sự "đồng cảm miệng". Nhưng, nó không chắc đã là một câu chuyện dễ chịu với người quản lý (sếp). Nhiều công ty của người Nhật ở Việt Nam có một cam kết không thành văn, rằng sẽ không nhận nhân sự đi ra từ công ty khác cũng của người Nhật, chứ chưa nói tới việc nhân sự đó "kể tội" công ty cũ. Nhà quản lý thường đề cao sự trung thành của nhân viên với công ty, và "nếu anh/chị nói xấu về sếp cũ, công ty cũ của anh chị, thì anh chị cũng có thể nói xấu chúng tôi lắm chứ!". Do đó, người mang "bầu tâm sự" càng nặng thì càng có khả năng làm khó cho chính mình ở môi trường mới.
 
Tuy nhiên, không phải khi ra đi, nhân viên mới "bêu xấu" công ty cũ của mình. Ngay trong từng phòng ban, bộ phận, vẫn luôn có những chuyện không vừa lòng về điều này, người kia khi nhân viên còn trực thuộc. Nhưng, đó lại là câu chuyện kiểu "đóng cửa bảo nhau", nhà quản lý vẫn thường coi đó là một kênh thông tin để nhận phản hồi, và những câu chuyện về dáng đi, nước da, tính "dê",… chỉ được coi là châm biếm, hài hước. Khi đem những tâm sự đó ra khỏi công ty, tự nó sẽ quy cho nhân viên về thái độ thành kiến với cơ quan, mặc dù chưa hẳn đã tới mức thành kiến.
 
"Đi dân nhớ, ở dân thương"
 
Bất kỳ ai, ở cương vị lãnh đạo cũng như tác nghiệp cũng đều hiểu rằng, rất khó cho một địa chỉ nào đó là điểm dừng chân lý tưởng, suốt sự nghiệp, cho tất cả nhân sự. Nhưng, điều đó cũng không có nghĩa là nơi nào có nhiều nhân sự ra đi cũng… "bốc mùi toàn diện". Cũng không ai có thể ngăn ai đó, đánh giá như thế nào đó, về công việc – công ty – đồng nghiệp cũ; nhưng một cách nhìn sòng phẳng và khéo léo sẽ giúp người ra đi không mếch lòng người ở lại, và không làm mất thiện cảm từ bến đậu mới (điều này quan trọng hơn).
 
Một trong những câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường dành cho ứng viên có kinh nghiệm là: "Lý do nghỉ công việc cũ" (có nhiều đơn vị tuyển dụng còn đưa câu hỏi này vào bảng thông tin ứng viên). Ở đây, vấn đề vừa mang tính thông tin, vừa mang tính nghệ thuật. Qua câu trả lời của ứng viên, nhà quản lý sẽ nắm được những khả năng có thể khiến nhân sự của họ ra đi; đồng thời, đặt ứng viên vào vị thế phải thể hiện nghệ thuật giao tiếp để xử lý tình huống nhạy cảm này. Giữ được sự tôn trọng của mình với cơ quan, đồng nghiệp cũ có nghĩa là bạn vừa không làm sứt mẻ tình cảm và mối quan hệ đã có, vừa nhận được đánh giá tốt của cơ quan, đồng nghiệp mới.

Hạo Đông


From the same category