Ngâm mình trong làn nước lạnh dường như không phải lựa chọn tối ưu khi chăm sóc cơ thể. Nhưng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tắm nước lạnh thực ra lại có rất nhiều lợi ích: từ cải thiện quá trình trao đổi chất, giảm đau khớp đến nâng cao sức khoẻ tinh thần.
Chườm lạnh là phương pháp ngâm mình trong nước lạnh bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại. Thực tế liệu pháp này có thể được thực hiện mà không cần đến những thiết bị quá tân tiến hay phức tạp, chuyên gia chăm sóc sức khỏe Majdoline Jayoushe cho biết bạn có thể thực hiện liệu pháp chườm lạnh tại nhà bằng cách ngâm mình trong bể bơi hoặc tắm nước lạnh.
Cô chia sẻ thêm, “Khi ngâm mình trong nước lạnh, não của bạn sẽ tập trung vào việc làm cho cơ thể ấm lên thay vì nghĩ về những điều khiến bạn không vui hoặc căng thẳng. Nó giúp bạn thoát khỏi mớ suy nghĩ rối như tơ vò của mình.”
Ngoài ra, cơ thể chúng ta sẽ có phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight) khi tiếp xúc với nước lạnh, từ đó giải phóng các hormone gây căng thẳng như adrenaline và cortisol. Khi có những phản ứng này, cơ thể sẽ bù đắp bằng cách tăng thông khí, tăng nhịp tim và co mạch máu.
Khi làn da thích nghi với nhiệt độ lạnh, chúng ta sẽ nhận được một lượng lớn các hormone khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, thư giãn và trẻ hóa tinh thần sau khi tắm nước lạnh như dopamine, serotonin và endorphin. Bên cạnh đó, tắm nước lạnh cũng có một số lợi ích như se khít lỗ chân lông, giảm sản xuất dầu thừa và tăng cường sức khỏe tổng thể của làn da.
Theo các chuyên gia, bạn nên bắt đầu thật chậm rãi khi tắm nước lạnh. Đầu tiên, hãy thử chỉnh từ nước nóng sang lạnh dần cho đến khi cảm thấy thoải mái hoàn toàn. Đừng quên hít thở sâu và di chuyển dưới vòi sen để nước đi đều khắp cơ thể. Nhiệt độ lý tưởng khi tắm nước lạnh là dưới 15 độ C. Bạn cũng nên tắm nước lạnh vào buổi chiều hoặc buổi tối để có kết quả tối ưu, vì buổi sáng là thời điểm nhiệt độ cơ thể đang ở mức thấp nhất.
Bên cạnh đó, bạn không cần phải tắm nước lạnh trong thời gian quá lâu. Trong năm 2006, một nghiên cứu ở Hà Lan chỉ ra rằng những người tắm nước lạnh trong khoảng 30-90 giây đã giảm đến 29% số ngày nghỉ ốm so với những người không tắm nước lạnh. Các chuyên gia khuyên rằng, “Những lần đầu tiên, hãy bắt đầu nhẹ nhàng bằng việc tiếp xúc với nước lạnh trong khoảng vài giây. Khi cơ thể thích nghi hơn, hãy thử tăng thêm 5 giây sau mỗi lần tắm cho đến khi bạn có thể tắm nước lạnh trong ít nhất 30 giây.”
Bên cạnh những lợi ích kể trên, tắm nước lạnh cũng có một số tác dụng phụ cần lưu ý. Tiến sĩ Jayoushe giải thích rằng việc tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ lạnh (thường là hơn 15 phút) có thể làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt, đồng thời gây tổn thương thần kinh.
Vì thế, những người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc các vấn đề khác liên quan đến tim nên thận trọng khi thực hiện các hình thức trị liệu chườm lạnh và nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có lời khuyên y tế tốt nhất. Những người mắc hội chứng Raynaud – nhạy cảm với cái lạnh và các vấn đề về tuần hoàn cũng nên thận trọng với liệu pháp này. Ngoài ra, những người mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng nếu có ý định thử tắm nước lạnh.
Liệu pháp tắm nước lạnh vẫn sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe thể chất và tinh thần nếu chúng ta biết cách tiếp cận và điều chỉnh cho phù hợp với cơ thể. Tuy vậy, bạn cũng nên cân nhắc thật cẩn thận và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có những bệnh lý khác để không tổn hại đến thể trạng bản thân.
Tuy vậy cũng có những trường hợp tắm nước nóng sẽ có lợi hơn tắm nước lạnh. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tắm nước nóng cũng có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm, đồng thời có thể giảm chứng mất ngủ và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Với những người mắc chứng đau cơ sau khi tập thể dục, tắm nước nóng cũng là sự lựa chọn tối ưu hơn cả. Tuy nhiên, nước quá nóng có thể làm khô da và tóc của bạn. Vì vậy, bạn nên lưu ý để nước ấm trong khoảng từ 37-38 độ C.
Nguồn: Vogue