Tắm hơi cũng "đa đoan" - Tạp chí Đẹp

Tắm hơi cũng “đa đoan”

Sức Khỏe

Cụ thể: nên thực hiện từ nông vào sâu, rồi trở về nông, với lộ trình từ đầu xuống cổ, từ ngón chân, ngón tay ngược lên bẹn, nách, mục đích là đưa máu đổ về tim.

Liệu pháp đa nhiệm

Tắm hơi hay xông hơi là một hình thức bồi dưỡng sức khỏe đa nhiệm dựa vào sức nhiệt để thực hiện những công năng chính sau:

– Làm giãn nở chân lông giúp đào thải chất cặn bã theo mồ hôi. Kéo máu tập kết ra ngoại biên, trước giúp tuần hoàn động tay động chân, sau hỗ trợ nguồn nuôi khiến da dẻ hồng hào, tươi nhuận.

– Tắm hơi còn là một hình thức thư giãn đắt xắt ra miếng đặc biệt là với cơ bắp. Không khí phòng tắm hơi lãng đãng giúp xả bỏ căng thẳng, tạm quên xô bồ bên ngoài.

– Công đoạn massage luôn được “đồng bộ” tại các phòng tắm hơi góp phần đẩy hiệu quả lưu thông tuần hoàn, thư giãn cơ bắp đến mức kịch trần.

– Mồ hôi mang theo nhiệt lượng, năng lượng nên các bà các cô còn sử dụng phòng tắm hơi như một nơi “hành quyết mỡ thừa” nhanh và ít tác dụng phụ.  

Toa thuốc nhiệt lượng

Có vẻ vì tắm hơi sở hữu nhiều điểm ưu, cộng chút thời thượng, mà nhiều người quên rằng nó cũng có chống chỉ định, liều lượng và tác dụng phụ, thậm chí có khả năng gây tai biến, như bất kỳ liệu pháp phục vụ sức khỏe nào.

Đầu tiên phải kể đến danh sách những người không nên có mặt trong phòng tắm hơi. Bầu không khí nóng bức, nhễ nhại mồ hôi, da dẻ đỏ bừng không hợp lẽ với người bệnh tim mạch (cao huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim,…). Người có tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim càng nên giữ khoảng cách. Cần cẩn thận cả với người đang sốt cao, bệnh ngoài da diễn tiến, phụ nữ mang thai, người suy kiệt, già yếu, say rượu, quá no hoặc quá đói…

Vượt qua vòng sơ tuyển, bước vào phòng tắm hơi, việc mà người sử dụng cần làm ngay là hiệu chỉnh… liều lượng cho mình, chủ yếu là với chỉ số nhiệt độ. Thông thường các phòng tắm hơi có bố trí các bậc thang từ thấp lên cao, theo đó nhiệt độ cũng tăng dần, để khách xông chọn chỗ tùy theo sức của mình. Thuận theo đà tự nhiên, mới vào nên đề-pa ở tầng thấp sau lên cao dần. Tự phụ cho mình ở “giai tầng” cao, đốt cháy giai đoạn coi chừng gặp rắc rối. Cả khi cảm thấy không ổn, người trên cũng nên tự đánh… tụt hạng mình.

Liều dùng còn thể hiện ở thời gian lưu lại mỗi lượt và số lượt mỗi tuần. Nếu chủ quan cho rằng xông hơi không bổ dọc cũng bổ ngang mà lạm dụng thì hậu quả “tham thì thâm” rất khó lường. Thông thường người có sức khỏe bình thường, lịch đẹp sẽ là không quá 20 phút một lần và tối đa 3 lần tuần. Như đã nói, tắm hơi còn được dùng như một cách quẳng bớt mỡ thừa, nên có thể bị các bà các cô quá cân, tăng trọng trông cậy thái quá sinh quá liều.

Tác dụng ngoài ý muốn và tai biến

– Tác dụng phụ dễ thấy nhất là tình trạng mất nước, muối theo dòng mồ hôi với các triệu chứng: khó thở, buồn nôn, chóng mặt, nặng có thể tử vong. Đáng ngại, khi nạn nhân lịm dần vì mất nước kịch tính lại không đánh động được sự chú ý của người chung quanh mấy bởi thần thái lim dim, thoát tục ai cũng như ai trong phòng tắm hơi. Cách khắc phục đơn giản là bù nước điện giải sau xông hơi bằng nước pha ít muối, hoặc nước hoa quả.

– Phòng tắm hơi làm tăng nhịp tim lên khoảng 30%, máu lưu thông nhanh hơn nhưng chủ yếu tập trung dưới da. Sự mất cân đối phân bổ này có thể làm hụt nguồn máu nuôi nơi khác, không may nếu xảy ra với một nơi rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy như não bộ thì hậu quả sẽ khá đáng ngại, nhẹ thì buồn ngủ, xây xẩm, hoa mắt, nặng thì lăn đùng ra bất tỉnh. Huyết áp cũng hay… tăng-xông trong phòng tắm hơi nên người dùng cũng cần để mắt.

– Sốc nhiệt thường chỉ xảy ra ở người nán lại phòng xông quá lâu, hoặc đang sẵn có một cơn sốt.

Khi những tác dụng phụ nói trên vượt khung, không được can thiệp sẽ biến thành tai biến. Phòng tắm hơi hoàn toàn là nơi nổ ra những tai biến kinh điển như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, hụt hơi, ngã ngất… Tốt nhất, khi đang tận hưởng mà thấy khó ở, bất thường, thì nên rời khỏi phòng tắm hơi ngay lập tức.

Có nên Tắm lạnh?

Một số phòng tắm, xông hơi có bố trí khâu tắm nước lạnh (thường với hồ tắm). Sử dụng hay không tùy người nhưng từ việc này lại nảy ra tranh cãi.

Bên thuận cho rằng, sau khi nung nóng mà đưa cơ thể vào ngay nền nhiệt thấp hơn là một cách rèn luyện sức chịu đựng sự biến động nhiệt, qua đó thêm tay thêm chân cho sức đề kháng chống phong hàn, cảm mạo. Theo ý này, chuyển đổi nóng – lạnh càng cưỡng bách, đột ngột càng tốt, tức phải nhúng ngay tắp lự toàn thân vào nước lạnh, đừng mất công thăm dò từng phân khúc. Tuy vậy, người ta cũng khuyến cáo không nên thử thách cơ thể quá vài giây đến ít phút bởi quá tay để bị nhiễm lạnh thì hậu quả “tính già hóa non” không biết đâu mà lường.

Bên chống thì lý luận: cú chuyển bất thần nóng lạnh hoàn toàn không hợp với sức khỏe của đa số chúng ta. Nghĩa là trừ một số người “mình đồng da sắt”, phần lớn cơ thể người trần mắt thịt đều chịu không xuể cú sốc này, ít ra trong vài lần đầu thử nghiệm.

Cụ thể cú choáng nhiệt gây ra loạt phản xạ co rút mạch máu, lỗ chân lông, cơ bắp nông, đồng thời cũng là cái tát vào các đầu dây thần kinh, phản xạ. Cú đánh hội đồng này có thể khiến cơ thể trở tay không kịp vì mới trước đó đang ở chế độ ngược lại (tức hầu hết đều giãn ra). Hậu quả của tình trạng “sập mạng” có thể đáng ngại liên quan đến tai biến hệ thần kinh, tuần hoàn…

Không khó nhận ra mấu chốt vấn đề ngả theo bên nào là tùy sức chịu đựng, kinh nghiệm, tình trạng sức khỏe của từng người. Xét kỹ, tắm lạnh sau tắm hơi không thêm vào bảng thành tích bao nhiêu bởi hầu hết ưu điểm của liệu pháp đã được thực hiện trong pha chính. Thực tế nhiều người chọn tắm lạnh hậu kỳ để làm sạch mồ hôi chứ không… nghĩ xa hơn. Do vậy, Yes or No có vẻ chỉ là một quyết định ngẫu hứng, trừ người không khỏe hoặc từng gặp chuyện với cú chuyển tông nóng – lạnh đột ngột.

Cũng có cách làm sạch mồ hôi đơn giản là dùng khăn tắm lau khô, hoặc cẩn tắc thì mở khoảng chờ tương đối để cơ thể tự hạ nhiệt bớt rồi hãy nhúng người vào làn nước lạnh.

Bài: Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn


Thực hiện: depweb

23/01/2013, 13:52