“X-Men: Dark Phoenix” là bộ phim chính thức khép lại kỷ nguyên của dòng phim dị nhân. Nhóm X-Men giờ đây sẽ vẫn có thể xuất hiện trong Vũ trụ điện ảnh Marvel, nhưng bản thân nhân vật và đặc trưng riêng của dòng phim dị nhân còn cần phải điều chỉnh để phù hợp với MCU.
Tác phẩm đầu tay của đạo diễn kiêm biên kịch Simon Kinberg mang tên “X-Men: Dark Phoenix” không chỉ khép lại vũ trụ dị nhân có tuổi đời gần 20 năm, mà còn là cơ hội làm lại cho “X-Men: The Last Stand” (2006) – một nốt trầm của thương hiệu phim X-Men trong quá khứ. Tác phẩm sớm gây nhiều hoài nghi cho công chúng, nhất là sau thương vụ sáp nhập của Disney và Fox.
Có vô số cách để kết thúc thương hiệu phim dị nhân kéo dài gần 2 thập kỷ hơn là một tác phẩm làm lại từ “The Last Stand” và được đầu tư kinh phí không cao. Một khi kỷ nguyên của phim dị nhân kết thúc, người hâm mộ khó lòng được thấy những gì tương tự di sản mà X-Men đã để lại.
Phần đầu tiên của X-Men chính thức công chiếu vào năm 2000, giới thiệu với khán giả khái niệm dị nhân/người đột biến với các siêu năng lực khiến người thường nghi ngờ. Lấy bối cảnh trong Thế chiến thứ hai, chuyện phim tập trung chủ yếu vào cuộc xung đột giữa hai nhóm có những cách tiếp cận khác nhau nhằm giúp dị nhân được chấp nhận: X-Men của giáo sư Charles Xavier và phe của Magneto/Erik Lehnsherr.
Những xung đột nảy sinh trong loạt phim X-Men đã đưa lên màn ảnh rộng một góc nhìn khác về nạn phân biệt chủng tộc, đó là sự kì thị của người thường dành cho người đột biến, còn những dị nhân phải hy sinh mạng sống của mình để đổi lấy lòng tin từ công chúng. Trước X-Men, chưa một thương hiệu phim chuyển thể từ truyện tranh nào khai thác vấn đề này, và đến nay, cùng với nạn phân biệt chủng tộc, dòng phim dị nhân vẫn thu hút sau 19 năm.
“X2: X-Men United” công chiếu năm 2003, bộ phim được đánh giá là hay nhất trong dòng phim dị nhân, tiếp tục khai thác nạn phân biệt chủng tộc và nhân đôi xung đột bằng cách chia rẽ nhóm X-Men với câu hỏi: “Vì sao người đột biến luôn phải chiến đấu để cứu thế giới, một thế giới sợ hãi và thù ghét họ?”. Tác phẩm còn khai thác nhân vật Iceman thông qua tình tiết anh thú nhận với bố mẹ về bản thân: “Con đã bao giờ cố gắng để không dị biến chưa?“. Chi tiết này được ví như phép ẩn dụ cho cộng đồng LGBT khi họ chấp nhận bản thân và tìm đến sự đồng cảm từ người thân. Thế nhưng, một trong số họ vẫn bị ép buộc không được là chính mình. Trong khi đó, “Logan” ra đời năm 2017 mang đậm tính thời sự với vấn đề chính trị về nạn nhập cư tại Hoa Kỳ.
Trong khi MCU xây dựng một đế chế hùng mạnh của siêu anh hùng, những hành tinh thần thoại, đá vô cực và trở thành thương hiệu có giá bậc nhất, vẫn chưa một thương hiệu phim nào nỗ lực đem đến các thông điệp như X-Men. Điều đó không đồng nghĩa rằng chuỗi phim dị nhân là hoàn hảo. Vẫn có những nốt trầm như “X3” hay “Apocalypse“, và không phải bộ phim nào cũng gây tiếng vang lớn như “X2“, “First Class“, “Days of Future Past“, “Logan“. Thế nhưng, câu chuyện đằng sau mỗi nhân vật và chất liệu làm phim của thế giới X-Men luôn tạo nên những người hâm mộ trung thành, gắn bó.
Chuỗi phim X-Men còn tạo dấu ấn bằng cách khai thác những sự kiện có thật trong lịch sử ở từng bối cảnh: “First Class” xảy ra vào thập niên 60, “Days of Future Past” lấy bối cảnh những năm 70, “Apocalypse” diễn ra ở thập niên 80. Các dị nhân trong dòng phim X-Men cùng trải qua những sự kiện gắn với mốc lịch sử đó: Xavier và Magneto chính là người góp phần ngăn chặn Khủng hoảng tên lửa Cuba giữa Liên Xô – Cuba với Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Wolverine du hành thời gian và nhận ra bản thân bị cuốn vào chính quyền Nixon…
“X-Men: Dark Phoenix” là bộ phim chính thức khép lại kỷ nguyên của dòng phim dị nhân. Nhóm X-Men giờ đây sẽ vẫn có thể xuất hiện trong Vũ trụ điện ảnh Marvel, nhưng bản thân nhân vật và đặc trưng riêng của dòng phim dị nhân còn cần phải điều chỉnh để phù hợp với MCU.
Vậy nhưng, công chúng vẫn trông đợi rằng MCU sẽ làm tốt, hoặc tốt hơn những gì mà dòng phim X-Men đã làm trong 20 năm qua. Bởi nhóm dị nhân và cộng đồng người hâm mộ xứng đáng với điều đó.