Tạm biệt “ông trùm” Playboy, đàn ông cả thế giới cám ơn ông

Ông chủ Play Boy tên thật là Hugh Hefner đã qua đời tại nhà riêng vào hôm nay 28/9/2017. Cooper Hefner, con trai của Hefner, đồng thời là giám đốc phụ trách sáng tạo của Playboy phát biểu sau cái chết của cha mình: “Cha tôi đã sống một cuộc đời phi thường và có tầm ảnh hưởng với nhiều người trên khắp thế giới. Ông là một người tiên phong trong lĩnh vực truyền thông, một tiếng nói quan trọng trong nhiều phong trào xã hội và văn hóa suốt thế kỷ 20. Ông là người vận động, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, quyền con người và tự do tình dục”.

Hugh Hefner sinh ngày 9 tháng 4 năm 1926 trong một gia đình cả cha, mẹ lẫn hai anh em trai đều làm nghề giáo tại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Gia đình Hefner hy vọng ông sẽ trở thành một nhà truyền giáo, thế nhưng số phận lại run rủi Hugh đến con đường mở ra tờ tạp chí nóng bỏng hàng đầu thế giới mang tên Playboy.

1
Ông chủ Playboy cùng con trai

Ông học báo chí  và tâm lý tại Trường Đại học Illinois và Northwestern. Vốn kiến thức tại trường tâm lý giúp ông nắm bắt được thị hiếu của khách hàng dựa vào sở thích và tâm lý của chính bản thân mình. Ra trường, ông đầu quân về làm biên tập viên chuyên viết quảng cáo cho Tạp chí Esquire danh tiếng.

Đến năm 1952, Hugh Hefner yêu cầu tòa soạn tăng lương nhưng không được đáp ứng. Ông nghỉ việc, nghiêm túc suy nghĩ về một ước mơ lớn, một ước mơ “chinh phục cả nước Mỹ”. Hugh Hefner quyết tâm xuất bản một tạp chí dành riêng cho đàn ông – điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử báo chí Mỹ trước đó. Ông nhận ra rằng, điều mà những người đàn ông Mỹ thời hậu chiến (sau thế chiến thứ 2), mơ mộng nhiều nhất chính là những tình cảm thầm kín, những ước mơ được hạnh phúc bên người phụ nữ họ yêu…

3

Năm 1953, ông mang hết đồ đạc trong nhà đi cầm cố, vay ngân hàng 800 USD và gom được thêm 8000 USD từ 45 nhà đầu tư, trong đó có cả mẹ ông, để sản xuất và phát hành tạp chí Playboy.

Ấn phẩm đầu tiên của Playboy có trang bìa với sự xuất hiện cô đào nóng bỏng bậc nhất Hollywood thời đó được ấn hành tháng 12/1953. Gần 54.000 tờ đã bán sạch trên khắp nước Mỹ – vượt cả sự mong đợi của Hugh Hefner. Số tiền bán ấn phẩm đầu tiên thu lại lên tới 70000 USD, đủ để Hugh trả chi phí giấy, in ấn và đầu tư làm tiếp những số sau.

Những năm sau đó, cuốn tạp chí trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới với nhiều cây viết lớn có tên tuổi như Ray Bradbury, Ian Fleming, Joseph Heller, Jack Kerouac và Margaret Atwood. Trong năm đầu tiên, số lượng tạp chí phát hành đạt tới 200,000 cuốn và đến những năm 1970, con số này đã tăng lên 7 triệu cuốn. Logo chú thỏ của Playboy này đã xuất hiện ở hàng trăm câu lạc bộ thoát y, nhiều kênh truyền hình nổi tiếng trên khắp thế giới.

2
Ông chủ Playboy cùng dàn mẫu năm 1979.

Những hình ảnh phụ nữ gợi cảm khoe cơ thể xuất hiện trên báo đã đánh tan những định kiến lạc hậu, những chủ nghĩa hà khắc và đồng thời cũng mở ra một cuộc cách mạng tình dục tại nước Mỹ. Để duy trì thế cân bằng, Hugh Hefner đưa thêm hàng loạt bài phỏng vấn các ngôi sao, các chính khách cùng các bài viết của những nhà văn nổi tiếng. Khi được hỏi về điều gì khiến ông tự hào nhất trong một cuộc phỏng vấn với New York Times vào năm 1992, ông cho biết: “Việc tôi đã thay đổi thái độ của mọi người với vấn đề tình dục là điều khiến tôi tự hào, cũng như việc khiến mọi người có cái nhìn đúng hơn về tình dục trước hôn nhân”

Hugh Hefner từng thẳng thắn nói rằng mình thích pha trộn các loại rượu mạnh, thưởng thức những món ăn ngon, nghe những bản nhạc du dương và mời những thiếu nữ xinh đẹp tham gia những câu chuyện thú vị về Picasso, về triết học Nietzsch và sex. Đây là tư tưởng can đảm của Hugh, bởi ông dám đưa lên mặt báo một chủ đề đang bị cả xã hội cản trở, cấm đoán như tình dục trở thành phương châm hành động, tiêu chí phát triển của riêng mình.

5

Hugh đã sống cuộc sống xa hoa ở dinh thự Playboy, nơi ông được “phục vụ” cùng lúc với rất nhiều người mẫu. Khi được hỏi về ý định tìm kiếm một người bạn đời cùng lứa mẫu, tổng biên tập của tạp chí Playboy cho biết: “Không, “gu” chọn bạn gái của tôi chưa bao giờ thay đổi. Khi 20 tuổi, tôi yêu một cô gái 20 tuổi và giờ đây, khi ở cái tuổi này, tôi vẫn thích những cô gái tuổi đôi mươi”.

Tạm biệt ông trùm Playboy, đàn ông cả thế giới (dù không nói ra) cũng vô cùng cám ơn ông. Có thể nói ông đã thành công khi chuyển tải ước mơ của đàn ông thành ý tưởng, biến nó thành hiện thực và khiến nó trở thành một phong trào lớn, thay đổi được ý thức hệ của hàng triệu người, của nhiều thế hệ, nói cách khác là làm nên một cuộc cách mạng trong quan niệm về tình dục là điều không phải ai cũng làm được.


From the same category