Có rất nhiều món bạn vẫn ăn ngon lành trong những ngày thường mà không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng khi bạn bước vào 40 tuần hạnh phúc thì dù chúng có ngon mấy cũng bị loại trong thực đơn dành cho thai phụ. Vậy đó là gì? Hãy để chúng tôi giúp bạn tìm ra những nguy cơ gây hại cho cả mẹ và bé.
Sushi
“Có lần mình mang bụng bầu 5 tháng vào một nhà hàng sushi nổi tiếng ở Q 1 thì được các nhân viên ở đó dành tặng ánh nhìn đầy ái ngại. Mình cũng không hiểu vì sao, chỉ đến khi gọi món, cô nhân viên mới nói thai phụ không nên ăn sushi. Mình khá bối rối khi lần đầu mới biết điều đó, nên đành gọi một tô mì nóng ăn thay…”, chị Diệu Hương (Tp.HCM) hào hứng chia sẻ.
Không chỉ sushi, thai phụ cũng không nên dùng các loại cá chưa được nấu chín. Đặc biệt với các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá thu, cá kình… thì dù có được nấu chín hay không cũng sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của các bà bầu.
Trứng sống hoặc trứng lòng đào
Mẹ bầu hãy nhớ, kể cả trứng đánh thành mayonnaise hay kem hoặc custards làm tại nhà cũng cần phải loại bỏ ngay nhé! Nếu muốn ăn trứng, bạn hãy dùng các sản phẩm làm từ trứng được đóng gói tiệt trùng bán ở ngoài hoặc chỉ dùng trứng đã nấu chín mà thôi.
Các loại mầm
Bao gồm hạt mầm bông cải xanh, hướng dương, củ cải trắng… dù chúng đã được nấu chín vì đây là nguồn vi khuẩn E.coli và salmonella đầy tiềm năng. Ngoài ra, bà bầu cũng không được sử dụng đậu xanh và đậu nành.
Pate và gan
Mặc dù gan chứa rất nhiều chất sắt và hàm lượng cao vitamin A – dưỡng chất thiết yếu cho bà bầu – nhưng sử dụng gan và pate quá liều sẽ không chỉ gây hại cho mẹ mà còn ảnh hưởng cả thai nhi.
Phô mai
Các loại phô mai mềm nhập khẩu như ricotta, cottage, fetal brie có khả năng gây nhiễm trùng bào thai, nhiễm độc máu và nghiêm trọng hơn, gây sẩy thai. Vì vậy, dù bạn có thích chúng đến mấy thì cũng hãy mau chóng từ bỏ.
Thịt nguội
Nếu bà bầu muốn ăn các loại thức ăn chế biến trước như jambon, cá hồi xông khói đông lạnh… thì cần phải nấu chín chúng thêm một lần nữa để loại bỏ vi khuẩn listeria. Tuy vậy, hải sản hun khói đóng hộp vẫn an toàn cho bà bầu.
Lý do duy nhất khiến bạn phải chia tay với “món tủ” của mình là chúng chứa những vi khuẩn gây hại cho thai nhi. Cho dù những loại vi khuẩn này được tìm thấy ở vị trí “vô thưởng vô phạt” nhất, nhưng khi tiếp xúc với bé, chúng sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng:
Vi khuẩn Salmonella
Chúng nằm ngay trong ruột non của con người, cũng như ruột non của các loài động vật khác, được sản sinh nhờ các thức ăn bị ô nhiễm với phân và hoàn toàn có khả năng gây sẩy thai nếu không được ngăn chặn cẩn thận. Ngoài ra, chúng cũng là nguyên nhân của các triệu chứng buồn nôn, nhức đầu, sốt, nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng.
Vi khuẩn listeria
Loại vi khuẩn này có thể xuất hiện trong đất, nước, cây trồng bị ô nhiễm nhưng người ta tìm thấy nó nhiều nhất trong các loại thức ăn đóng gói (xúc xích hay thịt nguội), hải sản sống, pate hoặc phô mai mềm. Nhiễm trùng Listerosis nếu mắc phải sẽ cực kỳ nguy hiểm và có thể gây sẩy thai chết non. Các triệu chứng có thể xảy ra chỉ sau 6 tuần từ khi cơ thể bị nhiễm khuẩn nhưng nếu được chữa trị cẩn thận thì bà bầu vẫn có thể ngăn chặn được chúng. Câu chuyện của chị Thúy Vy (Bình Dương) là một ví dụ cụ thể: “Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh mãi khoảng thời gian mang thai ở tháng thứ 6. Cũng may là tôi thường xuyên đi khám theo lịch nên mới phát hiện sớm mình bị nhiễm khuẩn Listeria, loại nhiễm khuẩn có khả năng gây sẩy thai rất cao. Từ đó, tôi chỉ ăn đồ nấu chín và cũng chỉ ăn đồ nhà, ăn những món theo lời bác sĩ dặn kết hợp uống kháng sinh đều đặn. Cuối cùng cũng sinh ra được cu Lim xinh xắn thế này đây!”, chị Vy chia sẻ.
Toxoplasmosis
Toxoplasmosis không được coi là một loại vi khuẩn nhưng chúng vẫn có khả năng gây nguy hại cho thai nhi. Ký sinh trùng này có thể xâm nhập và gây tổn thương não, dẫn đến mất thị giác ở bé. Chúng có thể được tìm thấy ở các loại thức ăn sống hoặc chưa nấu chín, được dẫn qua từ phân mèo. Vì vậy, nếu nhà bà bầu đang nuôi mèo thì hãy nhường việc dọn phân mèo cho người khác nhé.
An toàn là trên hết Để giữ sức khỏe thai phụ ở tình trạng tốt nhất, hãy thực hiện những “mẹo” vô cùng dễ sau: – Chào tạm biệt thức ăn dư thừa. Chỉ ăn đồ mới nấu trong vòng 12 tiếng trở lại mà thôi. – Luôn tách rời thức ăn sống và chín ra hai nơi khác nhau, tránh mọi tiếp xúc cả trực tiếp lẫn gián tiếp (bằng nĩa, dao, thìa, kéo…) giữa chúng. – Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước khi chế biến thức ăn. – Rã đông thức ăn bằng cách để ngăn dưới tủ lạnh trước một đêm hoặc dùng lò vi sóng. Không bao giờ được mang chúng ra ngoài để làm tan. – Luôn đeo găng tay khi dọn dẹp sân vườn, cây cảnh phòng khi bạn chạm phải phân động vật. |
Theo Mẹ yêu bé