Tài trợ: Cần lắm những hoạt động văn hóa

Ngày nay, việc tiếp thị, quảng bá được xem là quan trọng hàng đầu để tiêu thụ sản phẩm. Tài trợ cho các hoạt động liên quan đến số đông công chúng là một trong những phương pháp tiếp thị hiệu quả nhất hiện nay.

Trong các thư mời tài trợ, thường xuyên thấy ở mục quyền lợi là được đặt logo trên sân khấu hay một vị trí đắc địa nào đó. Kỹ lưỡng hơn nữa là kích thước, số lượng lần xuất hiện trên truyền hình. Nếu nhà tài trợ không hài lòng, “mọi việc đều có thể thương lượng”. Nhà tài trợ bỗng nhiên nằm ngoài mọi quy luật, mọi nguyên tắc về bố cục, mỹ thuật…

Thật ra, ở các cuộc thi đấu thể thao, việc các nhà tài trợ xuất hiện không quá ảnh hưởng đến việc thi đấu. Hình ảnh chiếc xe thể thức 1 với sặc sỡ những nhãn quảng cáo trở thành truyền thống. Team McLaren Mercedes gắn với Marlboro, Johnnie Walker và sắp tới đây là Vodafone. Đội đua Ferrari từng nhiều năm đi cùng nhãn Marlboro cho đến khi Liên minh châu Ấu cấm việc tài trợ của các hiệu thuốc lá. Các nhãn tài trợ khác được giảm bớt trên thân xe chỉ để lại hình ảnh chính với màu sắc và phong cách nhắc nhớ đến nhãn hiệu cần thiết (ở đây là Marlboro).

Bóng đá cũng thế, chiếc áo Samsung của Chelsea, O2 (vừa chuyển qua Fly Emirates) của Arsenal, Vodafone (giờ đây là AIG) của Manchester United, Siemens của Real Madrid dường như đã ăn vào tiềm thức của người mê bóng đá. Hầu hết các sự kiện thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam đều gắn với những nhà tài trợ tên tuổi.

Nhưng với các loại hình nghệ thuật, việc nhà tài trợ can thiệp quá sâu khiến nhân vật chính của đêm diễn biến thành con rối trong tay các thương hiệu. Các liveshow và album chịu sự khống chế của tài trợ bởi “làm biết chắc là lỗ”, không tự bơi được nên đành phải dựa vào chiếc phao cứu sinh có tên tài trợ này. Hiếm khi có những nhà tài trợ chấp nhận sân khấu sạch, cho phép người nghệ sĩ thoải mái tung tẩy những ý tưởng của mình.

Chẳng ai hào phóng, “Mạnh Thường Quân” đến mức bỏ những khoản tiền không hề nhỏ mà không đổi lại gì. Với những sản phẩm bình dân, bắt buộc nhà tài trợ phải đặt logo mình lấp lánh xanh đỏ tím vàng trên sân khấu. Mục tiêu chính ở đây chính là số đông công chúng nên chỉ cần ăn khách (bất kể nổi tiếng nhờ scandal hay lý do nào khác, miễn là kéo được người đi xem càng đông càng tốt) mà không nhắm tới chất lượng nghệ thuật. Với các nhãn hiệu nhạy cảm như băng vệ sinh, bao cao su, mọi việc càng rối bời và trở nên phản cảm khi đổi bao bì lấy vé xem ca nhạc. Bãi chiến trường ở phòng vé hay sau đêm diễn ngổn ngang những thứ không nên xuất hiện trước công chúng.

Nhưng ở các sản phẩm cao cấp, việc “branding” không cần phải đánh thẳng vào thị giác của người xem. Cái tên ý nhị bên cạnh thôi cũng đủ cho các nhãn hàng này hài lòng bởi đối tượng của họ không phải là đối tượng dễ “dụ dỗ” bằng quảng cáo. Họ có gu thưởng thức riêng, có chính kiến riêng. Mục đích tài trợ của các nhãn hàng cao cấp này là khẳng định đẳng cấp của mình hơn là tấn công xối xả vào các giác quan. Nhà tài trợ biết tôn trọng giá trị của đối tác và nhất là giá trị của họ.

Việc tổ chức đêm nhạc Hennessy hàng năm đủ chứng tỏ được đẳng cấp của… Hennessy. Mười năm qua, Hennessy Concert Series giúp công chúng trong nước làm quen với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, trong đó có nghệ sĩ cello huyền thoại người Nga Mstislav Rostropovich, thần đồng piano Lang Lang (Trung Quốc), nghệ sĩ vĩ cầm đoạt giải Grammy Hilary Hahn…

Nếu không có được tài trợ của hãng này, chắc khó có cơ hội được chứng kiến những tài năng nhạc cổ điển hàng đầu này, những tên tuổi mà ngay khán giả yêu nhạc ở Tây phương cũng khó có cơ hội thưởng thức bởi giá vé các đêm biểu diễn của họ rất đắt.

Ở Đẹp Fashion Show 2007, hẳn dân trong giới lẫn người xem cũng ngạc nhiên khi các nhà thiết kế thoải mái thể hiện sự sáng tạo của mình. Nhà thiết kế Nguyễn Ngọc Diệu thể hiện sự bất ngờ của mình khi trả lời phỏng vấn "Tôi thấy rất nhiều chương trình, nhà tài trợ luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để trưng bày logo của mình, nhưng sân khấu lần này thì hoàn toàn trống trơn. Trên sàn catwalk người mẫu trình diễn trang phục, background chuyển tải thông điệp về bộ sưu tập. Tôi đã được thể hiện 100% ý tưởng của mình, mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của nhà tài trợ".

Các nhãn hàng đẳng cấp như xe hơi Ford Focus S, mỹ phẩm Menard và rượu champagne Moet & Chandon không dội bom vào các giác quan của người xem mà thấm vào nhẹ nhàng, ý nhị. Xe Ford Focus S đã trở thành nền cho những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc, thể hiện ý tưởng của nhà thiết kế thay cho bản vẽ hay nền vải.

Những chiếc Ford Focus S chuyển tải ý tưởng thiết kế độc đáo này đã lăn bánh khắp phố phường trong chương trình “Lướt phố với Focus”. Những đặc điểm nổi bật của Ford Focus S như trẻ trung, quyến rũ và đầy cá tính rất hợp với chủ đề của DFS khiến cả 2 đã kết duyên thật khéo léo, giúp DFS 2007 vượt ra ngoài không gian của sàn catwalk.

Của cho không bằng cách cho, một quầy rượu sang trọng của Moet & Chandon ở cửa ra vào, những cô gái xinh đẹp mời khách đến dự DFS ly champagne nồng ấm trước khi bước vào buổi tiệc của thời trang và ánh sáng, champagne nhẹ nhàng thấm vào khiến ai cũng thoáng chút ngây ngất, vì vị ngon của rượu lẫn vẻ đẹp của đêm diễn. Mỹ phẩm Menard xuất hiện trong buổi triển lãm DFS, điểm xuyết thêm những vẻ nữ tính.

Rõ ràng, việc tài trợ ở DFS đã được thể hiện đúng mực, sang trọng và rất văn hóa./.


From the same category