Thế giới chẳng còn lạ lẫm với phim siêu dài
Ở Mỹ người ta có hẳn một dòng phim gọi là Soap Opera (kịch xà phòng), chiếu những bộ phim dài tới cả vài chục nghìn tập cho các bà nội trợ xem buổi sáng. Nước Mỹ thế kỉ 20 có rất nhiều phụ nữ không đi làm mà chỉ chuyên việc nội trợ và chăm sóc con cái, vì thế, để “giải quyết” nhu cầu giải trí nhẹ nhàng cho các chị em, dòng phim Soap Opera ra đời.
Cái tên Soap Opera ra đời là do ban đầu người ta chiếu rất nhiều quảng cáo xà phòng của các nhà tài trợ xen kẽ thời gian phát sóng của phim. Dòng phim này “chuyên trị” những câu chuyện đời thường, gần gũi với phụ nữ và có diễn biến nhẹ nhàng. Vì thế khán giả có thể bỏ dở chừng để chăm sóc con cái, là quần áo, sau đó quay lại xem phim mà vẫn… hiểu như thường. Có thể kể tới một vài đại diện như “The Guiding Light” (Đèn chỉ đường) chiếu suốt từ những năm 1952 tới 2009 mới chịu “nghỉ hưu”, với xấp xỉ 15700 tập, “As The World Turns” (Thế giới đổi thay) dài 13858 tập.
Cặp đôi trong bộ phim “The Guiding Light” sau hơn 70 năm phát sóng đã đi vào kỉ lục trở thành phim truyền hình dài nhất thế giới
“Telenovela” lại là từ được dùng để chỉ các phim truyền hình dài tập bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, được ghép từ chữ tele (truyền hình) và novela (tiểu thuyết). Chúng có hình thức giống như Soap Opera, thường kể về một đại gia đình chèo lái con thuyền gồm bầu đoàn thê tử, bằng hữu thân quyến qua những sóng gió cuộc đời. Đôi khi chúng trở nên dài tới mức đại gia đình này được… thay thế bằng đại gia đình khác, nhưng vẫn hấp dẫn người xem, bởi trúng tâm lý khán giả Mỹ Latin. Không chỉ thành công tại sân nhà, ngày nay, khái niệm phim telenovela đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. “Los ricos también lloran” (Người giàu cũng khóc) (dài 100 tập) cùng với “Simplemente María” (Đơn giản tôi là Maria – dài 150 tập) là những bộ phim đầu tiên thuộc thể loại này tiếp cận khán giả Việt Nam vào những năm 90 ở thế kỷ 20.
Một bộ phim của Ý mang tên “Un posto al sole” (Đâu đó dưới ánh dương) cũng đã dài tới hơn 4000 tập và vẫn đang tiếp tục phát sóng.
Khán giả Việt “vật vã” với những phim truyền hình dài tập
“Balika Vadhu — Kachchi Umar Ke Pakke Rishte” hay còn có tựa Việt là “Cô dâu 8 tuổi” được phát sóng tại Ấn Độ, tính tới ngày 20/6/2015 đã chạm tới con số… 1926 tập, tuy nhiên nó vẫn nhận được sự chào đón của khán giả. Vậy lí do nào khiến series này và nhiều bộ phim truyền hình siêu dài vẫn có sức sống tại các nhà đài nội địa và thị trường Việt Nam?
Series “Charmed” (Phép thuật) khởi chiếu từ năm 1998, kéo dài 8 năm, 8 mùa với 179 tập
Đánh vào đối tượng gia đình gồm cả những người nội trợ, trẻ em, người già.., bộ phim khai thác những câu chuyện đời thường nhưng có nêm gia vị đậm, như tình yêu, ghen ăn tức ở, mẹ chồng xấu tính, cô con dâu đáng thương, tranh nhau thừa kế… Không kể những bộ phim của Hàn Quốc, Đài Loan đã khá gần gũi với khán giả Việt như: “Tình hận thiên thu” hơn 400 tập, hay “To see and see again” (Tình si – 270 tập); “Cô dâu 8 tuổi” là một ví dụ điển hình của một bộ phim “ngoại” đã “du nhập” thành công vào một quốc gia khác biệt về văn hoá như Việt Nam. Với nội dung “quen quen”: một cô gái đáng thương, một bà mẹ chồng “thánh vật” độc ác, bộ phim đề cập đến những vấn đề không kém phần nhức nhối tại Việt Nam như bất bình đẳng nam nữ, sự phân chia địa vị… Thú vị là cách “câu giờ” của bộ phim đã trở thành một chủ đề hài hước khắp các diễn đàn trên internet những ngày vừa qua.
Một cảnh trong “Cô dâu 8 tuổi”
Những bộ phim dài dòng như trên lại được chiếu vào khung giờ vàng trên tivi, khoảng 20 giờ hàng ngày. Theo thói quen của người Việt, khoảng thời gian này cũng là lúc mọi người đang ăn tối hoặc đã dùng bữa xong và nghỉ ngơi. Những người thuộc lứa tuổi trung niên thường không có nhiều lựa chọn so với lớp trẻ. Họ thường chọn ngồi thư giãn trước tivi thay vì dùng máy tính, đi ra ngoài tụ tập…Vì thế, phim truyền hình được phát sóng đã trở thành món giải trí bất đắc dĩ của khán giả.
Bên cạnh đó, những bộ phim như “Cô dâu 8 tuổi” lại có tiết tấu đặc biệt chậm, rất phù hợp với khán giả tầm trung niên, những người không hợp với các cảnh “chiến đấu” chớp nhoáng. Người xem có thể vừa làm các việc vặt, đi ra đi vào hay… ngủ quên một lúc mà vẫn có thể bắt kịp tình tiết phim.
Tuy nhiên, có một sự thật là, gần đây, hơn chục bộ phim Ấn Độ đang đổ dồn về Việt Nam khiến khán giả dần cảm thấy chán ngán, sau tâm lý tò mò về cái mới qua đi. Hiện “Cô dâu 8 tuổi” được chiếu trên trên Today TV. Kênh SCTV11 đang chiếu “Tình yêu và thù hận”, “Ngôi sao may mắn”. Các phim “Vợ tôi là cảnh sát”, “Bí mật gia đình họ Khan”, “Lời nguyền sắc đẹp”, “Mẹ chồng hắc ám” hay “Mãi mãi bên nhau”… đang được nhà đài các tỉnh xoay vòng. Tất cả đều là phim truyền hình Ấn Độ.
Bài: Ngọc King
Ảnh: The Telegraph