Tại sao phải giả giới tính?

Màn giả NSND Thu Hiền được cho là đặc sắc của diễn viên Đại Nghĩa, nhưng không tránh khỏi gây phản cảm – Ảnh: SV

Nhạc sĩ – ca sĩ Đức Huy biến thành nữ danh ca Cher trong chương trình Gương mặt thân quen – Ảnh: SV

Từ hàng ghế khán giả

Không chỉ đóng giả nữ/nam để chụp ảnh tung lên báo mạng, giả gái trên sân khấu kịch nói mà ngay cả một chương trình truyền hình thực tế cũng “dính vào” chiêu trò đã cũ mòn và dễ gây phản cảm này.

Ðầu tiên là việc ca sĩ Long Nhật liên tục ăn mặc như phụ nữ đi mua sắm rồi mặc cả áo dài để chụp ảnh tết và tung lên các báo mạng. Tôi không biết anh làm như thế để làm gì. Nếu như anh chuyển giới thật sự đã đành. Ðằng này, theo như công bố, anh vẫn giữ giới tính là nam mà lại làm như thế thì thật là… khó hiểu. Mà tôi càng thấy khó hiểu hơn khi nhiều báo/trang tin điện tử lại đăng tải chuyện này?

Bên cạnh đó, tôi đã xem hai số của chương trình Gương mặt thân quen phát sóng trên kênh VTV3, Ðài truyền hình Việt Nam. Ngoài những yếu tố vui vẻ, giải trí của chương trình này, tôi thấy có vấn đề lấn cấn về việc giả giới tính: nam ca sĩ giả gái, nữ ca sĩ giả trai. Dù vẫn biết là việc giả giới tính này không phải nhằm mục đích gây cười, chế giễu nhưng tôi vẫn thấy rất khó chịu khi xem. Con gái tôi năm nay 12 tuổi, cháu cau mày nhăn nhó và hỏi tôi tại sao chú đó, cô đó lại giả gái giả trai làm gì? “Con thấy kỳ cục quá”.

Nếu ở tuần đầu tiên, tôi thấy “choáng váng” khi nhạc sĩ Ðức Huy giả nữ danh ca Cher thì tuần sau đó, tôi lại thấy khó chịu khi xem diễn viên Ðại Nghĩa đóng giả NSND Thu Hiền, Phương Thanh đóng giả danh ca John Lennon. Có thể các nghệ sĩ tham gia giả giới tính như vậy là do chương trình yêu cầu, nhưng nên chăng ban tổ chức cần có sự chọn lọc để không gây những phản ứng trái chiều nơi khán giả.

Tôi đi xem kịch ở sân khấu Idecaf, sân khấu Kịch Sài Gòn cũng có những trường hợp giả gái không cần thiết, hoặc thời gian dành cho những diễn viên giả gái thể hiện quá dài theo kiểu “kéo nhây” trên sân khấu gây phản cảm.

Ngày xưa, thời cải lương thịnh hành, các nghệ sĩ đôi khi phải đóng giả giới tính vì nhiều lý do. Nhưng cải lương là loại hình mang tính ước lệ, cũng như hát bội, có thể chấp nhận việc giả giới tính kiểu nữ giả nam nhưng những nghệ sĩ ấy hoàn toàn không lạm dụng việc giả giới tính để câu tiếng cười hay sự chú ý của khán giả.

Tôi vẫn biết những chương trình giải trí đều có mục đích vui là chủ yếu, nhưng thiết nghĩ truyền hình là để phục vụ đông đảo công chúng, trẻ con nghĩ gì khi thấy người lớn hồn nhiên giả giới tính một cách vô tội vạ như vậy?

Theo Tuổi trẻ


From the same category