Vừa hết Sao mai điểm hẹn, công chúng lại chứng kiến thêm một cuộc đãi cát khác là The Voice, và sau đó nữa là Vietnam Idol mùa 4. Đó chưa kể chương trình Vietnam’s Got Talent mùa thứ hai và Tiếng hát truyền hình định kỳ hàng năm vừa khởi động. Trước đó, hành trình tìm kiếm tài năng ca hát khác cũng diễn ra là Hợp ca tranh tài, Ngôi nhà âm nhạc – Star Academy. Việc nhiều chương trình đồng loạt diễn ra đã tạo nên một cơn khát thí sinh ở mức cao. Năm 2010, sân chơi Vietnam Idol có 40.000 thí sinh đăng ký dự thi thì năm nay chỉ còn là 20.000, dù đã mở thêm 4 vùng tuyển sinh. Còn Sao mai 2011, nếu như con số thí sinh đăng ký dự thi là 4.000 thì năm nay chỉ còn 700 thí sinh đăng ký. The Voice là 2.000 người đăng ký, Star Academy dừng ở con số 1.500 thí sinh… dù đây là phiên bản truyền hình thực tế nổi tiếng thế giới. “Cát” giảm, hiển nhiên “vàng” cũng ít đi. Thế nhưng, mỗi sân chơi này không thể không có “vàng”, vậy thì đó có thể là “vàng” hay chỉ là “thau”.
Các thí sinh của cuộc thi The Voice. |
Mỗi năm với gần chục cuộc tìm kiếm, sẽ chẳng thể nào có nhiều tài năng đúng nghĩa đến thế. Bởi vậy, sau khi vơ vét thí sinh, các sân chơi này buộc phải gửi vào đó một hình nhân, và công cuộc đánh bóng để hình nhân đó trở thành tài năng bắt đầu. Bạn sẽ bắt gặp trong các sân chơi này những lời có cánh của ban giám khảo, của huấn luyện viên, như thể đó là một giọng ca hoàn hảo không tì vết. Đáng sợ hơn, Sao mai điểm hẹn còn khẳng định sân chơi của mình không phải là một cuộc thi mà là một cuộc trình diễn nghệ thuật, và những người tham dự không phải là thí sinh mà là ca sĩ, nghệ sĩ thực thụ, dù nhiều năm trở lại đây, những gương mặt đoạt giải sân chơi này gần như không hề có bóng dáng trong showbiz…
Gần như, mỗi sân chơi đều có một định chuẩn tài năng cho riêng mình, và trong đó, nhiều định chuẩn còn dựa trên yếu tố lợi nhuận hơn là nghệ thuật đích thực. Tại The Voice, nhiều giọng ca không nổi trội vẫn được chọn để đi sâu vào vòng trong, đơn giản vì giọng ca đó có nhiều fan hâm mộ – những người sẽ góp phần làm tăng rating và bỏ tiền nhắn tin cho chương trình.
Tím kiếm hay kìm hãm tài năng?
Khi công chúng không ít người phản đối The Voice có quá nhiều ca khúc tiếng Anh thì sân chơi Tiếng hát truyền hình 2012 do Đài truyền hình TP.HCM tổ chức ngay lập tức đi một hướng ngược lại: không cho thí sinh hát tiếng Anh, với lý do phải giữ gìn bản sắc Việt! Có lẽ BTC cho rằng điều này sẽ tranh thủ được cải thiện cảm của khán giả, nhưng ngược lại, đây là một quan niệm khá ấu trĩ, bởi tài năng hay giữ gìn bản sắc không hề nằm ở việc ca khúc đó là tiếng Anh hay tiếng Việt, mà nằm ở chỗ thí sinh thể hiện ca khúc đó có hay không. Thực tế, ca khúc tiếng Anh là phương tiện chính để bất kỳ nghệ sĩ nào tiếp cận và chinh phục khán giả nước ngoài. Thay vì tìm ra một phương án để thí sinh hội nhập trong giới hạn tài năng của mình, BTC Tiếng hát truyền hình 2012 vừa đi ngược xu hướng, vừa có dấu hiện kìm hãm tài năng thí sinh.
Với những gì đã diễn ra, dù việc chỉ định ca khúc cho thí sinh của Giám đốc âm nhạc The Voice – Phương Uyên, được coi là tư vấn, chọn giùm thí sinh nhưng thật ra lại là áp đặt, mà mục đích không phải để cho thí sinh thể hiện khả năng. Nhiều thí sinh phải thể hiện ca khúc không thuộc khả năng của mình, hay có ca khúc của một nhạc sĩ Việt còn bị cho là “không đủ đẳng cấp” để có mặt trong chương trình một cách rất vô lý. Vậy thì, ở cuộc chơi này, có thật người ta đang đi tìm tài năng?
The Voice chỉ mới đi được một nửa đoạn đường nhưng các thí sinh của chương trình bỗng trở thành sao khi liên tục nhận được lời mời biểu diễn cùng với mức cát-sê lên đến hàng chục triệu. Nhưng, điều đó lại không hề phản ánh tài năng, có chăng là phản ánh một công nghệ lăng-xê lý ra đừng nên có trong các cuộc tìm kiếm tài năng. Thực tế, nếu các huấn luyện viên của chương trình không phải là ca sĩ nổi tiếng, đủ để vận dụng công thức “bia hơi kèm lạc” hay trở thành những bầu sô cho các học trò của mình, việc này chưa hẳn đã xảy ra. Tuy nhiên, dù đã chứng tỏ một khả năng kiếm tiền bất kể tài năng hay không, như chính các huấn luyện viên của họ, thì điều này cũng không hề liên quan đến khái niệm tài năng mà công chúng đang chờ đợi. Ngược lại, việc này sẽ ảnh hưởng không ít đến kết quả cuối cùng, khi người chiến thắng được quyết định bởi số tin nhắn bầu chọn. Khi ấy, ngoài lượng khán giả ngồi trước màn hình ti vi, các thí sinh đắt sô này còn có thêm một lượng khán giả khác bầu chọn mà không phải vì bị thuyết phục trước những gì diễn ra trong chương trình.